Một chiêu thức lừa đảo không hề mới của bọn tội phạm mạng quốc tế nhưng vẫn có rất nhiều người "dính" và tốn khá nhiều thời gian, công sức vào một trò chơi nghẹt thở trên mạng để rồi cuối cùng chuốc lấy những thất vọng, thậm chí mất cả tiền bạc
Đó là một buổi sáng đẹp trời ở công sở. Như thường lệ anh bật máy tính xách tay và kiểm tra hộp thư. Bỏ qua hàng chục bức thư khác, anh đặc biệt chú ý đến một thư được gửi từ một ngân hàng nước ngoài bằng tiếng Anh. Nội dung thư cho biết, người viết là một nhân viên ngân hàng. Tại ngân hàng của anh ta hiện có một tài khoản 30 triệu USD nhưng vô thừa nhận. Chủ tài khoản này là của "vị tướng Iraq" Major Fadi Bassem, song ông và gia đình đã chết vì bị bom Mỹ oanh tạc trong cuộc chiến tranh Iraq. Các tài liệu về tài khoản này còn lưu lại ngân hàng cho thấy ông ta không hề ghi tên người thừa kế món tiền khổng lồ này. Vì thế, nó trở thành một tài khoản vô chủ và theo pháp luật nó sẽ bị sung vào công quỹ. Và, người viết thư đề nghị Hải sẽ đóng vai người thừa kế của "vị tướng Iraq" quá cố. Đổi lại, Hải sẽ được hưởng 30% của khoản tiền 30 triệu USD kia.
Đọc xong bức thư, Hải bỗng thấy tinh thần phấn chấn lạ kỳ. Lập tức, Hải trả lời với một nội dung rất ngắn gọn đại ý là chấp thuận lời đề nghị ngọt ngào kia. Rồi, không phải chờ đợi lâu, ngay buổi sáng ngày hôm sau, trên máy tính của Hải đã có hàng núi những thông tin được phía đối tác email đến xung quanh thương vụ này. Đó là giấy chứng nhận của ngân hàng nước ngoài về tài khoản 30 triệu USD mang tên "vị tướng Iraq", là bức hình của người viết thư tươi cười cùng vợ con bên một bờ biển châu Phi đẹp tuyệt trần, là tấm hộ chiếu của anh ta và hàng lô những tài liệu giới thiệu về cái ngân hàng nơi anh ta đang làm việc, đồng thời cũng là nơi đang quản tý tài khoản không có tên người thừa kế kia... Tóm lại, tất cả chỉ đều nhằm minh chứng một điều: những thông tin về món tiền kếch sù kia là có thực chứ không phải là một trò chơi và anh nhanh chóng thực hiện các yêu cầu ban đầu của thủ tục với đối tác. Họ đã nhanh chóng mở cho anh một tài khoản đứng tên "Nguyen Van Hai - Viet Nam".
Phía đối tác hứa, chậm nhất là chỉ 3 ngày sau khi anh chính thức có tài khoản cá nhân ở ngân hàng Tây Ban Nha, món tiền 30 triệu USD sẽ được chuyển vào đây. Nhưng qua ngày thứ 3 mà vẫn không thấy có bất kỳ một email nào từ cái ngân hàng này. Hải bắt đầu sốt ruột.
Những ngày sau đó đúng là những ngày chờ đợi nghẹt thở của Hải. Phá vỡ thói quen cũ chỉ mở hộp thư vào buổi sáng, có ngày Hải "chếch" mail tới cả chục lần. Và rồi, đúng đến ngày chờ đợi thứ 7 thì niềm vui vỡ òa trong anh khi anh nhìn thấy bức email từ Ngân hàng Tây Ban Nha đột ngột xuất hiện trong hộp thư: 30 triệu USD đã được chuyển vào tài khoản mang tên "Nguyen Van Hai". Chỉ cần đóng 3.000 USD lệ phí khách hàng có thể rút số tiền này ra bất cứ lúc nào. Và, không còn chần chừ gì nữa, phải gửi tiền đi ngay thôi - Hải nhủ thầm - Chỉ có họa là điên mới không gửi đi số tiền nhỏ nhoi ấy để được thu về 9 triệu USD. May mắn là một người bạn thân của anh là chuyên gia trong lĩnh vực thanh toán tiền tệ quốc tế khuyên Hải hãy cẩn trọng làm một phép thử trước khi chuyển 3.000 USD đi.
Sáng hôm sau, theo lời khuyên của bạn, Hải email cho đối tác nói rằng anh muốn được chuyển khoản tiền 30 triệu USD kia vào tài khoản ở một ngân hàng Việt Nam để anh rút ra cho tiện. Và, không thể ngờ được đó lại là bức thư cuối cùng cho một trò chơi nguy hiểm mà suýt nữa giám đốc Hải trở thành nạn nhân. Ngay ngày hôm sau, địa chỉ của đối tác lập tức biến mất ở trên mạng. Vở kịch lừa đảo hạ màn.
Một bạn đọc tên là Bùi Xuân Phong từng gửi thư đến An Ninh Thế Giới kể một câu chuyện gần giống như giám đốc Hải đã gặp, chỉ có điều nhân vật chính trong đó là chính anh.
Buổi sáng nọ anh nhận được một thư từ Lagos, Nigeria. Trong đó, người viết bức thư này tự xưng tên là Usman Damishi Bagudu, bạn thân của con trai cố tổng thống Nigeria, tướng Sani Abacha. Bức thư viết rằng, con trai tướng Sani Abacha là người đã cất giấu một số lượng lớn tiền bạc mà lúc đương nhiệm người cha của anh ta đã tin tưởng giao cho. Nhưng sau cái chết của tướng Sani Abacha, gia đình anh gặp nhiều phiền toái và đã chuyển số tiền 50 triệu USD ra khỏi Nigeria đến một quốc gia khác ở châu Âu bằng cách đóng hàng mang danh kiểm hóa là "vật liệu nhiếp ảnh".
Người viết thư muốn nhờ Bùi Xuân Phong nhận hộ số tiền này vào tài khoản của mình và đổi lại Phong sẽ được bồi dưỡng 20%. Sau khi nhận được bức thư trên, nửa tin nửa ngờ Bùi Xuân Phong đã gửi đi một bức thư trả lời với nội dung là đồng ý với lời đề nghị trên. Ba ngày sau, Bùi Xuân Phong nhận được lời đáp của Usman, yêu cầu anh cung cấp số điện thoại, số fax, địa chỉ liên lạc tại Hà Nội và khả năng tài chính của bản thân để anh ta làm các thủ tục cần thiết giúp Phong có đủ tư cách pháp nhân để nhận số tiền nói trên. Và Phong đã làm theo tất cả yêu cầu này, trong đó có tiết lộ một tài khoản cá nhân trị giá 3.500 USD. Với Bùi Xuân Phong, cuộc phiêu lưu này làm cho anh thực sự tò mò và phấn khởi nhưng cái khoản bồi dưỡng 20% kia mới là thứ bùa say.
Ít ngày sau, Phong đã được Usman gửi rất nhiều tài liệu qua thư điện tử, trong đó có hai tài liệu quan trọng nhằm chứng minh rằng lô hàng "vật liệu nhiếp ảnh" đã được chuyển từ cảng Lagos, Nigeria tới lưu kho tại Madrid, Tây Ban Nha và tên chủ hàng là "Bui Xuan Phong". Đó là một bản công chứng chuyển quyền sở hữu của Usman đối với số hàng nói trên cho Bùi Xuân Phong do Tòa án Tối cao bang Lagos, Nigeria chứng thực và một giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với lô hàng trên mang tên Bùi Xuân Phong do chính hãng vận chuyển lô hàng cấp. Đến lúc này thì Bùi Xuân Phong không còn nghi ngờ gì nữa mà anh đã hoàn toàn tin vào những việc đang xảy ra.
Do không thể đi Tây Ban Nha để nhận hàng nên Phong đã yêu cầu hãng vận chuyển lô hàng trên giao hàng cho anh tại địa chỉ nhà riêng ở Hà Nội. Một người đàn ông tự xưng là Philip, người của hãng đã thông báo cho Phong rằng sẽ đáp ứng yêu cầu của Phong và fax cho anh một văn bản trong đó ghi rõ: ngày, giờ lô hàng sẽ tới Việt Nam cũng như tên của 3 người áp tải lô hàng (toàn tên người nước ngoài gồm 1 trợ lý vận chuyển, 1 phụ trách quan hệ quốc tế và 1 nhân viên an ninh).
Nhưng cũng trong bản fax này, hãng vận tải còn yêu cầu chủ hàng Bùi Xuân Phong phải trả 3.200 USD tiền phí lưu kho tới một người có trách nhiệm của hãng (có tên và địa chỉ kèm theo). Chỉ khi nào người này nhận được tiền thì hàng mới được giao cho khách hàng Bùi Xuân Phong ở Việt Nam. Ngài Usman cũng liên tục gửi email thúc giục Phong hãy gửi tiền phí lưu kho để được nhận gói hàng trên và 20% hoa hồng.
Nhưng đến đây thì Bùi Xuân Phong đã kịp tỉnh khỏi giấc mơ tỷ phú. Anh đã nhận ra rằng, thế là động cơ cuối cùng đó là khoản tiền 3.200 USD gọi là "phí lưu kho" kia cũng đã lộ ra. Quả là một kịch bản lừa hoàn hảo đến không thể không tin được.
Theo đại tá Phạm Hỗ, Chánh Văn phòng Interpol Việt Nam, thì tại Việt Nam cũng đã xuất hiện loại tội phạm này và việc ngăn chặn, đấu tranh với nó không hề đơn giản, nếu không muốn nói là rất khó khăn. Bà Vương Thu Hằng, chuyên viên thuộc Nhóm An toàn thông tin của Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC), thì cho rằng những vụ việc nói trên thực chất là một dạng lừa đảo qua mạng mà nguyên nhân dẫn đến mắc lừa là do sự cả tin, ngu ngơ và hiểu biết hạn chế. Bà Hằng nói rằng một số người bạn của bà cũng nhận được những thư dạng này nhưng khi phía đối tác yêu cầu gửi một số tiền lệ phí qua nước ngoài để làm thủ tục thì mọi việc đã kịp dừng lại ở đây. Mọi người cần cảnh giác với các kiểu lừa đảo qua mạng như thế này và khi thấy các email dạng này xuất hiện trong hộp thư thì hãy báo ngay với công an để có thể phối hợp với các cơ quan chức năng truy tìm thủ phạm.
Bà Hằng cũng đặt ra một nghi vấn rất đáng quan tâm qua những vụ lừa đảo kể trên. Đó là tại sao các thư này lại biết chọn địa chỉ nơi đến là những người Việt Nam giàu có và có gì để bảo đảm chắc chắn rằng điểm xuất phát của các thư này là từ nước ngoài? Rất có thể thủ phạm chính là người Việt Nam và nếu là người nước ngoài thì nhiều khả năng phải có đường dây liên kết với người Việt Nam. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những nghi vấn và tất cả chỉ có thể làm sáng tỏ được nếu người bị hại dũng cảm trình báo công an.