Cách Trung Nguyên đóng góp cho mục tiêu 20 tỷ USD của cà phê Việt Nam

Trung Nguyên Legend cho rằng ngành cà phê Việt Nam có thể thu 20 tỷ USD mỗi năm và thức uống thơm ngon sẽ chinh phục du khách toàn cầu.

Tập đoàn Trung Nguyên Legend nhắc lại quan điểm trên của nhà sáng lập Đặng Lê Nguyên Vũ tại hội nghị giao thương "Kết nối, nâng tầm cà phê Việt", thuộc khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần 9 (hôm 9-13/3).

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới hồi 2012, ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng trình bày tham luận 7 sáng kiến chung cho ngành cà phê toàn cầu lẫn mục tiêu đưa Buôn Ma Thuột trở thành "thủ phủ kinh tế, văn hóa cà phê "nổi tiếng thế giới, góp phần đem về 20 tỷ USD năm.

Đại diện Trung Nguyên Legend trình bày tham luận "Vai trò của doanh nghiệp trong việc nâng tầm cà phê Việt Nam và xây dựng thương hiệu Buôn Ma Thuột - điểm đến của cà phê thế giới", sáng 11/3. Ảnh: Trung Nguyên Legend

Phát biểu tại khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột hôm 10/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thông tin năm ngoái, nước ta lần đầu xuất khẩu cà phê vượt 5 tỷ USD, giữ vị thế nhà cung cấp lớn thứ hai toàn cầu. Trong đó, Đăk Lăk đóng góp khoảng 18% kim ngạch xuất khẩu lẫn thương hiệu. Các dòng cà phê Buôn Ma Thuột có mặt ở hơn 100 quốc và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, ngành cà phê cũng đối mặt nhiều thách thức như tỷ lệ chế biến sâu thấp, sản phẩm chưa đa dạng, áp lực cạnh tranh và tiêu chuẩn thị trường quốc tế ngày càng cao... Phó Thủ tướng chỉ đạo: "Để vượt loạt thách thức, ngành cà phê Việt Nam cần phát triển thông minh, tuần hoàn và bền vững, tạo sự đột phá, nâng tầm thương hiệu lẫn giá trị cà phê trên trường quốc tế".

Trong sự phát triển chung của ngành, những doanh nghiệp như Trung Nguyên Legend giữ vai trò quan trọng.

Ông Marc Evans Knapper, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam trải nghiệm Thiền cà phê tại Bảo tàng thế giới cà phê, hôm 10/3. Ảnh: Trung Nguyên Legend

Chung tay đưa Buôn Ma Thuột thành "điểm đến của cà phê thế giới"

Lần đầu dự lễ hội ở Buôn Ma Thuột, bà Vanusia Noguiera, Tổng giám đốc Tổ chức Cà phê thế giới (IOC), cho biết giá cà phê Robusta liên tục tăng cao, cho thấy nhu cầu ngày càng lớn trên toàn cầu. Việt Nam đang xuất khẩu dòng này lớn nhất thế giới, cần nâng cấp toàn diện cả về sản xuất, chế biến, ứng dụng công nghệ và tuân thủ tiêu chuẩn phát triển bền vững để đáp ứng nhu cầu thị trường...

Bà Vanusia Noguiera phân tích cà phê Robusta được ưa chuộng bởi chất lượng thơm ngon, tính bền vững và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. "Robusta sẽ là 'tương lai của ngành cà phê'. Trong đó, Buôn Ma Thuột - 'quê hương hạt Robusta ngon nhất thế giới' và 'trái tim của nền văn hóa cà phê Việt' là trung tâm trong sự phát triển này", Tổng giám đốc IOC nhấn mạnh.

Bà Vanusia Nogueira nói về thị trường cà phê thế giới, xu hướng tiêu dùng và cơ hội cho ngành cà phê Việt tại hội nghị giao thương sáng 11/3. Ảnh: Trung Nguyên Legend

Thực tế, từ thập niên 2000, tỉnh Đăk Lăk đã tổ chức loạt hoạt động quảng bá đặc sản quê hương, mở đường cho 9 kỳ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột suốt 20 năm qua. Từ năm 2022, lãnh đạo địa phương triển khai đề án xây dựng Buôn Ma Thuột thành "Thành phố cà phê thế giới", với sự chung tay đông đảo chuyên gia nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp, trong đó có Trung Nguyên Legend...

Cụ thể, tập đoàn này liên tục kiến tạo, đầu tư các công trình, điểm đến nổi bật như: Thành phố cà phê; Bảo tàng thế giới cà phê; Làng cà phê; tour cà phê; các sản phẩm sáng tạo nhằm nâng tầm thức uống này trở thành văn hóa, nghệ thuật... hút đông đảo du khách trải nghiệm.

Trong đó, Bảo tàng thế giới cà phê được kênh Discover đánh giá là "bảo tàng độc nhất vô nhị", còn National Geographic ví von là "nơi du khách có thể đắm chìm hoàn toàn trong văn hóa cà phê".

Hoa hậu Tiểu Vy cùng Á hậu Kim Duyên trải nghiệm văn hóa cà phê bản địa Tây Nguyên. Ảnh: Trung Nguyên Legend

Trình diễn Thiền cà phê tại Buôn Ma Thuột - nơi không chỉ sản xuất cà phê, mà còn phát huy giá trị văn hóa, hội tụ nghệ thuật chế biến, thưởng lãm cà phê toàn cầu. Ảnh: Trung Nguyên Legend

Nâng cao giá trị cà phê Robusta Việt Nam trên toàn cầu

Gần 30 năm phát triển, với sự dẫn dắt của Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ, Trung Nguyên Legend hướng đến tầm nhìn: cà phê không đơn thuần là thức uống, mà nâng tầm thành văn hóa, nghệ thuật, tinh thần đến cà phê triết đạo.

Cũng từ đó, doanh nghiệp thiết lập hệ sinh thái toàn diện trên ba cột trụ: cà phê vật lý - cà phê tinh thần - cà phê xã hội. Theo Bloomberg, qua các dòng sản phẩm, trải nghiệm, lối sống, doanh nghiệp "tạo ra làn sóng tiêu dùng cà phê Robusta trên toàn cầu", góp phần nâng cao giá trị Robusta ở thị trường quốc tế.

Đến nay, Trung Nguyên Legend xuất khẩu hơn 300 sản phẩm cà phê sáng tạo từ hạt Robusta Buôn Ma Thuột và mở khoảng 1.000 hàng quán cà phê ở hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, điển hình là ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Dubai, Pháp và các quốc gia khu vực Đông Nam Á, châu Á, châu Âu...

Các hoa hậu Hòa bình Quốc tế trải nghiệm cà phê Việt Nam, "một nét đẹp văn hóa của người Việt" (theo Discovery) tại Làng cà phê Trung Nguyên. Ảnh: Trung Nguyên Legend

Cà phê Trung Nguyên Legend góp mặt trong các hoạt động ngoại giao, kết nối văn hóa Việt Nam với quốc tế, được chọn phục vụ tại các hội nghị lớn như APEC, ASEM, ASEAN, WEF, AFF...

Trong khuôn khổ lễ hội ở Buôn Ma Thuột, doanh nghiệp động thổ nhà máy cà phê năng lượng sinh thái tại cụm công nghiệp Tân An 2, với vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng và định hướng đáp ứng các tiêu chuẩn về Net Zero. Đây là nhà máy thứ 5 của đơn vị, được kỳ vọng góp phần "định hình ngành cà phê Việt Nam khi tham gia chuỗi chế biến hết, sâu và tinh, tạo nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp khác".

Chứng kiến lễ động thổ, bà Vanusia Noguiera cho rằng: "Đây là một hình mẫu cho sự phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho nông dân, cộng đồng và người tiêu dùng toàn cầu".

Phối cảnh nhà máy cà phê Trung Nguyên Legend tại cụm công nghiệp Tân An 2, Buôn Ma Thuột. Ảnh: Trung Nguyên Legend

Trong phim The Tao of Coffee do Warner Bros. Discovery phát sóng hồi 2023, Trung Nguyên Legend được đánh giá là thương hiệu đi đầu trong "công cuộc thay đổi cái nhìn về cà phê Việt Nam trên trường quốc tế". Trước sự tò mò của khán giả, Discovery giới thiệu Thiền cà phê - sản phẩm do Trung Nguyên Legend sáng tạo, được định hình làm nền tảng văn hóa, triết lý cà phê từ Việt Nam đóng góp cho thế giới.

Triết lý cà phê đạo của Việt Nam cũng được lan tỏa trong bài viết The Tao of Coffee: From Beans to Beauty của hãng CNN.

Tác phẩm The Awakenings of Coffee, phát trên Discovery toàn cầu từ tháng 12/2024 đến nay tiếp tục truyền thông điệp: mang đến lối sống mới, thanh lành và truyền cảm hứng cho cộng đồng. Qua đó, Discovery chỉ rõ cách Trung Nguyên Legend "biến hạt cà phê khiêm nhường... thành đế chế toàn cầu" và khẳng định "cà phê không chỉ là thức uống, mà còn là lối sống, nguồn cảm hứng và năng lượng - được gọi là cà phê đạo".

Triết lý "Cà phê đạo" do Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ sáng tạo được Discovery lan tỏa trong phim The Awakenings. Ảnh: Discovery

Theo Trung Nguyên Legend, sự ủng hộ của Nhà nước, sự quyết tâm của địa phương, sự chung tay của cộng đồng chuyên gia, người trồng, sản xuất cà phê và nỗ lực từ mỗi doanh nghiệp có thể hiện thực hóa tầm nhìn 20 tỷ USD mỗi năm cho ngành cà phê Việt, để một ngày "nói tới cà phê, thế giới sẽ nghĩ đến Việt Nam".

Hoàng Anh