Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ vừa có cuộc gặp gỡ với nhà báo Nguyên Hằng (Báo Thanh Niên). Sau cuộc trò chuyện kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ, nhà báo Nguyên Hằng ghi chép lại những kế hoạch của ông. Các ghi chép sẽ được đăng tải lần lượt trên Ngoisao. |
Nhà báo Nguyên Hằng cho biết, bất chấp những thay đổi bí ẩn của bản thân, Đặng Lê Nguyên Vũ chưa bao giờ ngừng nghỉ khát vọng đưa cà phê Việt ra thế giới. Ông làm điều này khi ở ẩn gần như hoàn toàn trong nhà hang nơi núi rừng Tây Nguyên suốt 13 năm qua.

Nhà hang ở trang trại tại M'Drắk (Đăk Lăk) - nơi ở thường xuyên của Đặng Lê Nguyên Vũ suốt 13 năm qua. Ảnh: Nguyên Hằng
Lần gần nhất giải đáp thắc mắc của bà Hằng về cách ông điều hành Trung Nguyên khi ở ẩn, ông Vũ chỉ nói mỗi ngày ông dành không quá 5 phút để xử lý các vấn đề của công ty. Bà Hằng nhận xét, trái ngược với quỹ thời gian khiêm tốn đó, Trung Nguyên vẫn mạnh mẽ tiến ra thế giới. Thế nên, 5 phút đó diễn ra như thế nào luôn khiến nhiều người và chính bà tò mò muốn biết. Như thường lệ, ông Vũ không trả lời thêm. Tuy nhiên nữ nhà báo phần nào có được câu trả lời của riêng mình khi thưởng thức món bánh mì thịt chuẩn vị Việt Nam tại Trung Nguyên Legend (Thượng Hải) một chiều cuối năm 2024 với xung quanh khá đông người Trung Quốc đang xì xụp ăn phở, bún thịt nướng... Bà nhớ lại câu chuyện "rèn quân" ông Vũ từng kể như một lát cắt nhỏ trong lần gặp gỡ ở M'Drắk trước đó gần nửa năm.
Tháng 7/2024, hãng truyền thông Mỹ CNN đăng bài viết tựa đề The Tao of Coffee: From Beans to Beauty (Cà phê đạo: Từ cà phê năng lượng tới giá trị tinh thần) quảng bá văn hóa thưởng thức cà phê Việt Nam. Đây là lần thứ hai, "Cà phê đạo" của Trung Nguyên Legend lan tỏa trên các kênh truyền thông quốc tế. Trước đó, cuối tháng 11/2023, bộ phim tài liệu The Tao of Coffee do Warner Bros, Discovery sản xuất đã phát sóng tại nhiều khu vực trên thế giới.
Nhiều lần viết về khát vọng xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam của Đặng Lê Nguyên Vũ nên bà mặc định, các sự kiện này sẽ khiến ông tự hào. Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng "đó chỉ là cái vỏ". Ông cho biết đã viết ba tập sách về cà phê triết đạo nhưng chưa cho phổ biến vì các nhân viên của Trung Nguyên Legend lúc này vẫn chưa hiểu hết tinh thần của ông. Theo ông, ba cuốn sách này nói về nhiều thứ sâu xa hơn, về các nguyên lý của tạo hóa. Những gì mà CNN và truyền thông đưa tin mới chỉ là lịch sử phác thảo của cà phê: cà phê với văn học, chính trị, tôn giáo, âm nhạc... trên toàn cầu.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ làm việc tại nhà hang. Ảnh: Nguyên Hằng
Khi bà Hằng thắc mắc về cách điều hành Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ không trả lời cụ thể nhưng vẫn chia sẻ với bà những câu chuyện để giải thích cho các quyết định của mình.
"Vừa rồi Qua giận thật sự. Qua nói, trong tổ chức này đừng bao giờ lấy cái quyền ra nói chuyện với nhau". Lần đầu tiên, bà thấy ông nói với âm sắc và thái độ như vậy. Quen biết gần hai thập kỷ, chưa bao giờ bà thấy ông Vũ chê trách ai. Mỗi khi có sự vụ gì bà hỏi, ông đều khoát tay và nói đó là chuyện nhỏ. Vì thế, thái độ này khiến bà Hằng hiểu có một sự vụ gì đó nghiêm trọng vừa xảy ra.
Theo đó, một nhân viên phụ trách marketing quốc tế của Trung Nguyên tại Trung Quốc sau khi nghiên cứu thị trường đã đề nghị bộ phận marketing của tập đoàn tổ chức cuộc họp bàn về phát triển dòng sản phẩm theo nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, người cấp cao hơn cho rằng mình mới là người được quyền đưa ra yêu cầu này chứ không phải cấp dưới. Khi biết chuyện, ông Vũ đã triệu tập cuộc họp, coi đó là một trường hợp điển hình mà tất cả nhân viên đều cần nghe và liên hệ với bản thân.
Trong cuộc họp đó, ông nói bản chất của marketing là thuyết phục - thuyết phục người ta mua sản phẩm, dịch vụ hay cao nhất là mua tư tưởng, học thuyết, giáo thuyết của mình. Để làm được việc đó phải có nền tảng, phải biết tâm lý học, xã hội học; phải hiểu tới mức độ bậc thầy từ cá nhân đến đám đông, từ ý thức đến vô thức. Đi tới cùng của thuyết phục là phải đắc nhân tâm. "Trong khi ở đây, người ta yêu cầu chính đáng mà anh lấy cái quyền anh ra để nói thì từ góc độ con người với con người là đã rớt luôn rồi", ông Vũ nói.
Cái đắc nhân tâm thứ hai, theo ông, là ở cương vị những người quản lý, phải thuyết phục nội bộ rồi mới tới thuyết phục khách hàng. Thứ ba là mỗi hành động của mỗi nhân viên đều phải đi theo giá trị cốt lõi của tổ chức. Trung Nguyên ngày nào cũng lan tỏa tư tưởng về cà phê triết đạo, cà phê văn hóa mà cư xử bỏ qua cả ba cấp độ như vậy có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. "Đóng cửa lại suy nghĩ cho kỹ về những chuyện anh làm. Không thì hằng ngày nói triết đạo nhưng những con người như anh hư hết, ảnh hưởng đến Qua", ông Vũ vừa kể, vừa chồm hẳn người về phía trước, thỉnh thoảng lại nhăn mặt, như đau đớn.
Khi bà Hằng cho rằng chuyện đó xảy ra ở khắp nơi, ông Vũ phân tích: "Nếu cô đó ở nước ngoài cũng cử xử như vậy thì họ nghĩ mình thế nào?... Cách cư xử, thái độ, sự chuyên nghiệp ở đâu khi người ta hỏi bằng tiếng Anh thì anh trả lời bằng tiếng Việt, bắt người ta phải dịch...". Cuộc họp đó của vị chủ tịch Trung Nguyên Legend diễn ra không quá 5 phút. Bà Hằng nhận xét, soi mình trong niềm bức xúc của ông, có lẽ bà hay nhiều người cũng đánh giá câu chuyện trên là bình thường. Thậm chí đâu đó, có khi bà cũng từng hành xử như vậy.

Nhà hang ở ngoài cổng trang trại, xung quanh đầy hoa và cây xanh, dành cho nhân viên và bảo vệ trang trại của Đặng Lê Nguyên Vũ ở M'Drắk. Ảnh: Nguyên Hằng
Bà Hằng cho biết, những nỗi lo lắng của ông Vũ không dừng ở những sự vụ cụ thể, mà đi rất xa, tới mức bà khó mà hình dung nổi. "Mình phải kiểm soát, không là rớt luôn rồi. Những chuyện như thế Qua rất buồn rầu. Qua sợ cho mấy đứa nhỏ, chứ Qua đâu muốn nói nặng làm chi", ông Vũ chia sẻ với bà.
Ông cũng kể với bà, ông nhìn thấy mầm mống của những hành vi tưởng nhỏ nhưng có thể để lại hệ quả lớn cho chính những người đó. Do đó, theo ông, làm gì cũng "phải tựa vào cái thiện lương, thiện lành, lấy chữ 'thiện' là trung tâm. Vì thế Qua luôn nói với các người anh em của Qua, cứ nghĩ chuyện thiện, nói thiện và làm thiện", ông Vũ nói.
13 năm Đặng Lê Nguyên Vũ chủ yếu ở ẩn trong nhà hang. Mỗi ngày, ông dành không quá 5 phút cho công việc của tập đoàn. Suốt thời gian này, Trung Nguyên Legend đã mở rộng hàng loạt cửa hàng ở Trung Quốc, Mỹ... và thể hiện rất rõ chiến lược giới thiệu cà phê Việt, ẩm thực Việt và văn hóa Việt ra thế giới. Bà thấy những cửa hàng Trung Nguyên Legend ở nhiều thành phố khác trong chuyến du lịch Trung Quốc cuối năm 2024.
Bà Hằng không khỏi tự hào khi lướt qua cửa hàng Starbucks Reserve Roastery Shanghai (từng là cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới trước khi bị soán ngôi bởi một cửa hàng tại Tokyo - Nhật Bản mở sau đó) để bước vào Trung Nguyên Legend nằm chênh chếch đối diện trên con phố Nam Kinh đắt đỏ bậc nhất Thượng Hải. Đây là quán cà phê Việt lớn nhất, nằm ở vị trí đắc địa nhất tại thành phố đông dân nhất thế giới mà bà có cơ hội ghé thăm. Quán giờ đã trở thành điểm đến cho du khách Việt và du khách quốc tế nói chung. Buổi chiều khi đoàn của bà Nguyên Hằng tới, quán khá đông. Thực đơn có phở, bún bò Huế, bún chả Hà Nội, bún chả Đà Nẵng, bánh mì, cơm gà, xôi gà nướng, các loại đồ cuốn, nem, mẹt đồ ăn vặt...và chủ đạo là cà phê với ba dòng sản phẩm Ottoman, Roman và Thiền. Bên cạnh đó là nhiều chủng loại và sản phẩm liên quan đến cà phê để khách hàng có thể lựa chọn.
Lúc đó, bà tính nhắn tin cho Đặng Lê Nguyên Vũ nhưng rồi lại thôi. Ông Vũ từng nói với bà: "Chỉ cần mọi người trong công ty thương nhau như trong một gia đình, giúp nhau tiến bộ. Còn trình độ, làm được tới đâu, kiếm ăn tới đâu, từ từ mọi cái sẽ tới". "Vậy thì việc một cửa hàng Trung Nguyên Legend ở nước ngoài đông khách mà tôi đang sung sướng, liệu có ý nghĩa gì?", bà Hằng chia sẻ. Và nữ nhà báo cũng tự nhủ: bà sẽ không bao giờ thắc mắc việc điều hành Trung Nguyên của ông Vũ nữa.
(Còn tiếp)
Nguồn: Nhà báo Nguyên Hằng