Khi đứa trẻ lớn lên, chúng bắt đầu tự lập hơn, không còn phụ thuộc vào bố mẹ nhiều như lúc còn bé. Điều này có thể khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái dần xa cách.
0 - 2 tuổi: Tạo sợi dây kết nối cảm xúc và giúp trẻ khám phá thế giới
Ở độ tuổi này, trẻ em phát triển về thể chất và kỹ năng rất nhanh. Vì vậy, cha mẹ cần ở bên và giúp đỡ trẻ thích nghi cuộc sống. Tuy nhiên trẻ còn hạn chế trong giao tiếp, mới chỉ biết được khoảng 50 từ nên tiếng khóc vẫn là cách thức giao tiếp chính. Để giúp trẻ phát triển về thể chất, cha mẹ cần tăng tương tác với con như chơi đồ chơi, chạy nhảy ngoài công viên...
Điều cha mẹ cần làm:
- Trẻ ở giai đoạn này rất cần sự yêu thương và quan tâm từ cha mẹ. Vì vậy, các bạn cần nói chuyện với con càng nhiều càng tốt và nhận xét về hành động của chúng, giúp chúng cải thiện các kỹ năng nói của mình.
- Trẻ có thể bắt chước tâm trạng và hành động của bố mẹ rất nhanh. Vì thế, bạn cần giữ thái độ bình tĩnh, tích cực và thân thiện. Điều này sẽ tạo nên sợi dây kết nối cảm xúc giữa cha mẹ và con cái.
3-5 tuổi: Khuyến khích sự tò mò của trẻ và cho chúng tự do tìm hiểu về bản thân mình
Ở giai đoạn này, trẻ có xu hướng tò mò và bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi về mọi thứ xung quanh. Chúng có thể gặp khó khăn trong việc giao tiếp với mọi người bằng lời nói.
Ngoài ra, chúng khó có thể tập trung và hiếm khi suy nghĩ kỹ trước khi làm. Trẻ cũng thường xuyên bị nhầm lẫn cảm xúc và không biết cách kiểm soát tâm trạng.
Điều cha mẹ cần làm:
- Dành thời gian để trả lời các câu hỏi của con và lắng nghe chúng nói. Nếu bạn để ý vào một chuyện khác, chúng sẽ nghĩ bạn đang bỏ mặc chúng.
- Đừng kỳ vọng vào câu trả lời sâu xa từ đứa trẻ. Hãy đưa ra những lựa chọn phù hợp để chúng không phải tự trả lời.
- Dạy con phân biệt và kiểm soát các cảm xúc khác nhau, nói cho chúng hiểu thái độ tức giận hay thất vọng không hề xấu.
6 - 8 tuổi: Đánh giá cao sự tự lập của trẻ và trả lời các câu hỏi 'người lớn' của con
Ở độ tuổi này, trẻ con sẽ bắt đầu đi học, không có nhiều thời gian bên bố mẹ mà tiếp xúc với các bạn đồng trang lứa nhiều hơn. Chúng bắt đầu tự làm nhiều thứ và khám phá tính cách của bản thân.
Nhưng những mối quan hệ trong gia đình vẫn đóng vai trò quan trọng với đứa trẻ. Trẻ dễ nhạy cảm với những lời chỉ trích và hay xấu hổ.
Điều cha mẹ cần làm:
- Khuyến khích con khám phá niềm đam mê, tập trung vào thành tích con đạt được thay vì chỉ trích lỗi lầm của chúng.
- Công nhận sự tự lập của con và sẵn sàng xin lỗi chúng nếu bạn làm sai.
- Hãy hỏi con những câu hỏi mở và lắng nghe câu trả lời từ con.
9-11 tuổi: Xem con là người trưởng thành và tôn trọng ý kiến của chúng
Trẻ lúc này có thể tự làm nhiều thứ mà không cần sự giúp đỡ từ cha mẹ. Chúng thường xuyên tâm sự với bạn bè hơn là bố mẹ. Ngoài ra, chúng cũng cần sự riêng tư và bắt đầu lập ra ranh giới với cha mẹ. Giờ đây đứa trẻ không còn là thiên thần đáng yêu như một năm về trước, chúng sẵn sàng không nghe theo các quy tắc của bạn.
Giai đoạn này con rất cần cha mẹ, ngay cả khi chúng không nhận ra điều đó. Chúng sắp bước vào quá trình dậy thì trong một vài năm nữa và rất cần sự hỗ trợ từ cha mẹ.
Điều cha mẹ cần làm:
- Cố gắng tìm ra chủ đề chung gắn kết bạn và con. Thay vì ép buộc con nói chuyện hoặc hỏi về một ngày học tập của chúng ở trường, hãy chọn một chủ đề mà con thực sự quan tâm.
- Tạo ra các hoạt động vui chơi cùng nhau. Đừng làm việc này chỉ vì trách nhiệm, hãy thực sự kết nối với con để đem lại niềm vui cho cả hai.
- Cho con thấy bạn luôn ở bên chúng dù có chuyện gì xảy ra. Ngay cả khi trưởng thành, chúng vẫn luôn tin tưởng bạn và dựa vào tình yêu thương vô điều kiện của bạn.
12-18 tuổi: Coi trọng quyền riêng tư của con
Đây có thể được xem là giai đoạn thú vị nhất quá trình phát triển của con, nhưng cũng gây ra nhiều mâu thuẫn trong gia đình. Đứa trẻ bắt đầu nghĩ mình đã lớn và khao khát sự độc lập.
Ở độ tuổi này, chúng thường không biết cách kiểm soát cảm xúc của mình và hành động thiếu suy nghĩ.
Điều cha mẹ cần làm:
- Công nhận cảm xúc của con và hỗ trợ chúng kể cả những vấn đề nhỏ nhặt. Khen ngợi các thành tích con đạt được và thể hiện tình yêu thương với chúng.
- Đừng kiểm soát con quá mức. Trẻ em có thể dễ dàng học cách phá vỡ các quy tắc bạn đặt ra nếu chúng thực sự muốn. Bạn nên tạo ra một không gian an toàn và cho con hiểu các quy tắc đó tồn tại vì lợi ích của chúng.
- Đừng coi thường hành động và lời nói của con. Khi con phớt lờ bạn hoặc nổi cơn thịnh nộ, chúng chỉ đang cố gắng chiếm thế áp đảo. Đừng để bị rơi vào "bẫy" này, hãy thể hiện mình là người lớn bằng cách kiểm soát bản thân, tìm cách kết nối lại với con.
Mỹ Huyền (Theo Bright Side)