Mặc dù luôn khâm phục các bà mẹ có thể dành hoàn toàn thời gian cho con, bên con 1.000 ngày đầu đời quý giá (*), bà mẹ một con Phan Thị Tùng ở TP HCM lại không được điều kiện để làm việc đó. Chị phải cho bé Ốc (Lê Phan Tuệ Anh) đến lớp từ lúc 14 tháng tuổi. Tuy vậy, mọi việc đã diễn ra suôn sẻ khi Ốc có thể nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới, xây dựng nền nếp tốt. Bé không có biểu hiện sợ đi học hay "sang chấn tâm lý" thời gian đầu đến lớp. Theo chị Tùng, điều này có được là nhờ quá trình chuẩn bị của hai mẹ con trước đó. Chị chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân của mình với mong muốn có thể giúp các bà mẹ khác tìm được cách hữu hiệu để bé vui vẻ đến trường.
Vài tháng trước ngày nhập học của bé, chị Tùng thường kể cho Ốc nghe những câu chuyện về trường lớp, nói với bé: "Ít nữa mẹ cho con đến trường học với cô giáo và các bạn nhé". Rồi chị giải thích cho con cô giáo là ai, có nhiều bạn và đồ chơi ở trường giống như khu vui chơi bé thường đến, chỉ khác là không có ba mẹ và bà thôi. Chị lặp đi lặp lại như thế nhiều lần để con gái chuẩn bị tinh thần cho sự thay đổi bước ngoặt này. "Đừng nghĩ rằng con không biết gì nhé, con hiểu hết đấy", chị Tùng tâm sự.
Việc tìm một ngôi trường mà bố mẹ cảm thấy yên tâm nhất khi gửi con đến đó là một lưu ý quan trọng của chị Phan Thị Tùng. Các tiêu chí chị đưa ra đầu tiên là phải có camera vì bé đi học khi còn quá nhỏ, chưa thể kể cho bố mẹ nghe những gì xảy ra trên lớp nên thông qua thiết bị này, phụ huynh sẽ nắm được tình hình của con. Tiếp đến là không gian trường thoáng mát, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bố mẹ nên tham quan hết phòng học, sân chơi, toilet, tủ lạnh chứa đồ ăn, nhà bếp... trong lần đầu đến khảo sát trường. Đặc biệt, với các mẹ nuôi con sữa mẹ hoàn toàn như mẹ Ốc, chị khuyên nên đề cập chuyện này với nhà trường để có thể gửi sữa mẹ cho bé.
Bé ốc được 13 tháng tuổi, chị Tùng cho con "đi tập sự" cùng bà nội trong khoảng 1 tuần. Đây là lúc để bé làm quen với không gian, nề nếp sinh hoạt ở trường. Mỗi ngày, bà nội đưa bé Ốc đến trường ăn sáng chung với các bạn, vui chơi và bà chỉ ngồi một góc quan sát để bé tự hòa nhập. "Mới đầu, bạn rất sợ đến giờ trưa các cô tắt điện để đi ngủ nên bà bế bạn về, dần dần bạn quen hơn thì ở lại ngủ trưa luôn. Trong thời gian đó, mẹ vẫn luôn dặn bà hãy nói với bạn mỗi ngày rằng mai mốt Ốc đi học với cô giáo và các bạn thôi nha, không có bà ở đây nữa", chị Tùng chia sẻ.
Sau một thời gian lặp lại chuỗi hoạt động trên, bé Ốc chính thức đi học một mình khi tròn 14 tháng tuổi. Theo lời kể của mẹ, bé chỉ bỡ ngỡ đúng một hôm đầu tiên và khóc; sau đó là êm ngay. "Bạn là lứa đầu tiên của lớp bé lúc bấy giờ và cũng là bạn hòa nhập tốt nhất với cô giáo, kể cả lúc ăn hay ngủ", bà mẹ một con cho biết.
Bên cạnh đó, để tránh tâm lý bé lại khóc khi đến lớp sau mỗi ngày cuối tuần hay đợt nghỉ ốm, buổi tối trước lúc đi ngủ, chị Tùng đều chúc Ốc ngủ ngon để ngày mai dậy sớm tới lớp. Sau đó là bài ca kể tên cô giáo và các bạn cùng lớp. Mỗi sáng thức dậy, câu đầu tiên chị Tùng nói với con luôn là: "Chào con gái, con ngủ ngon không? Dậy chào buổi sáng rồi đánh răng rửa mặt đi học nhé". Làm như vậy, bà mẹ trẻ luôn nhắc bé biết rằng hôm nay bé được đến trường, còn ba mẹ đi làm, bé sẽ quên việc nhõng nhẽo để không phải đi học (vì biết là chẳng có tác dụng gì).
Thêm một điều quan trọng khác chị Tùng Phan lưu ý các bố mẹ không bao giờ đem việc đi học hay cô giáo ra để dọa con, rằng: "Không nghe lời/không ăn là mai mẹ cho đi học/mai mẹ mách cô giáo...". Điều đó khiến bé bị áp lực về việc đến trường và nghĩ đi học là một hình phạt đáng sợ. Ngoài ra, cũng không nói dối con rằng đưa con đi chơi rồi đến trường thả con ở đó, vì bé sẽ bị mất niềm tin vào ba mẹ.
"Đừng đưa con đến trường rồi bỏ con lại đột ngột. Bé chưa quen môi trường, chưa quen các cô sẽ khó hòa nhập, thậm chí sẽ trở nên sợ hãi, sang chấn tâm lý. Cũng đừng trốn con đi sau khi đưa bé đến lớp, hãy nói rõ cho con biết con ở trường với cô và các bạn đến lúc nào, khi nào mẹ sẽ đón con để bé không bị hoang mang khi không biết mẹ đi đâu, bao giờ mẹ về. Hậu quả của cả hai trường hợp trên là bé trở nên bám mẹ khủng khiếp, lúc nào cũng sợ mẹ đi mất và mẹ sẽ stress vô cùng", chị Tùng Phan chia sẻ.
Ngoài những điều trên, mẹ Ốc cho rằng phụ huynh cũng nên tập cho bé thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học ngay từ đầu: không ăn rong, không nghịch đồ chơi trong lúc ăn, không ép ăn, dụ ăn... và tập cho bé ăn thô tốt. Những kỹ năng này sẽ giúp bé dễ dàng hòa nhập với môi trường trường học.
Thời gian đầu khi bé Ốc mới đi học, chị Tùng dành nhiều thời gian để nói chuyện với cô giáo mỗi lúc đón bé vào cuối ngày học để cô nắm được thói quen ăn uống của bé cũng như nhắc đi nhắc lại với cô rằng mẹ không áp lực chuyện bé ăn nhiều hay ít, chỉ cần cô làm đúng như nguyên tắc ăn uống mà mẹ vẫn áp dụng cho bé từ nhỏ (đã nói với cô) là được.
Hiện tại, bé Ốc 21 tháng tuổi và mỗi ngày đi học đều là một ngày vui. Buổi tối ở nhà, bé thường líu lo kể chuyện trên lớp học gì, chơi với ai bằng "ngôn từ chỉ có mẹ hiểu", thuộc tên của cô và các bạn, thậm chí nhớ hết mặt bố mẹ các bạn trong lớp.
"Con lớn lên mỗi ngày. Tính ra đi học sớm cũng có nhiều cái lợi", chị Tùng kết lại những chia sẻ của mình bằng một câu ngắn gọn.
(*) Sức khỏe, trí tuệ và thể chất của trẻ sẽ có cơ hội phát triển tối đa trong suốt quãng đời tương lai nếu mẹ biết tận dụng 1.000 ngày đầu đời, từ lúc bắt đầu mang thai cho đến khi bé 2 tuổi. Đó là mẹ biết bổ sung đủ dưỡng chất cần thiết cho mình và cho bé với chế độ hợp lý, khoa học. 1.000 ngày vàng đầu đời của bé được chia thành các cột mốc như sau: 270 ngày mẹ mang thai + 365 ngày nuôi con năm đầu tiên + 365 ngày nuôi con năm thứ 2.
Ảnh: NVCC