Chi quê Hưng Yên, bố mẹ đều là nông dân. Cô lên Hà Nội học Đại học Văn Hóa, yêu Tâm từ thời sinh viên. Khi đó, Chi chưa biết Tâm có ông bố làm giám đốc một công ty xây dựng cỡ lớn, mẹ cũng là phó phòng quản lý dự án. Gia đình anh có ngôi nhà 4 tầng ở phố Xuân Diệu, Hà Nội, vài căn hộ đang cho Tây thuê và mấy mảnh đất cao giá.
Chi khá xinh xắn, khéo léo nhưng lúc mới ra mắt bố mẹ chồng tương lai cũng bị xì xèo vì "tội" là con gái tỉnh lẻ và gia đình không đăng đối lắm. Nhưng lâu dần, chắc được Tâm làm công tác tư tưởng nên mọi người cũng xuôi xuôi. Nhưng khi bước về làm dâu rồi, cô mới thấm vị đắng của cuộc sống trong gia đình danh giá.
Mới về, chưa thích nghi được ngay với các tiện nghi trong nhà chồng, đụng đến cái gì, Chi cũng lúng túng. Từ việc điều khiển quạt, dùng lò vi sóng, tủ lạnh, đến bình nóng lạnh... cô đều chưa hề biết đến. Và mỗi lần như thế, mẹ chồng lại nhìn Chi bằng ánh mắt "là lạ".
Từ hồi lấy chồng, Chi chỉ biết đi từ nhà đến cơ quan và ngược lại, hay đến siêu thị mua đồ, còn hầu như những dịp tụ tập bạn bè đều vắng cô. Chi than thở với chồng: "Em muốn thỉnh thoảng đi đây đó, gặp gỡ bạn bè, chứ lúc nào cũng ở trong bốn bức tường chán lắm. Hơn nữa, sau giờ làm, nếu em có về muộn chút mà mẹ không bằng lòng thì anh cũng phải bênh vực em chứ". Tâm phản bác ngay: "Em nhìn xem có ai được sướng như em không mà còn kêu ca". Nghe đến đây, Chi chỉ muốn khóc.
Điều khiến Chi buồn nhất là thái độ lạnh nhạt của nhà chồng với gia đình mình. Tuy chỉ cách nhà bố mẹ đẻ hơn 50 km, nhưng mỗi năm cô chỉ được về vài bận, khi ở quê có việc cần lắm hay lúc bố mẹ đau ốm. Mỗi lần thấy con trai đưa con dâu về nhà ngoại, mẹ chồng cô có vẻ khó chịu: "Đấy, ngày xưa bảo anh rồi, bao nhiêu con gái hẳn hoi ở Hà Nội thì không lấy, giờ tự dưng phải đi lại vất vả thế, đã thấy sướng chưa?".
Rồi mỗi lần có người bà con nào ở quê ra Hà Nội chơi hay có việc ghé thăm, Chi cảm thấy rất bối rối vì sự khách sáo và thái độ khó chịu của nhà chồng. Dần dần, mọi người chắc biết ý, cũng chẳng ai đến nhà cô nữa.
Cũng bị nhìn bằng con mắt không mấy thiện cảm khi bước chân về làm dâu một gia đình giàu có, nhưng Duyên, quê Châu Đốc, An Giang, lại không chịu "lép vế" mà biết khẳng định bản thân mình. Gia đình Mạnh, chồng cô, có một nhà máy sản xuất đồ da khá uy tín và đang làm ăn phát đạt ở TP HCM. Hồi mới về làm dâu, cô từng nghe mẹ chồng nói xa xôi: "Biết nó yêu thằng Mạnh hay yêu cái cơ ngơi nhà này". Rồi bà còn chua thêm: "Nó về nhà này chắc chỉ phá của chứ làm được trò trống gì".
Bỏ ngoài tai những gì mẹ chồng nói, hay thái độ xa cách của mọi người trong nhà, cô vẫn cư xử đúng mực, hoàn tất trách nhiệm dâu con. Cô cảm thấy an tâm vì được Mạnh hiểu, luôn động viên và đứng về phía vợ. Cũng nhờ chồng, Duyên dần dần tìm hiểu về công việc ở nhà máy và học hỏi thêm về nghề da. Đến giờ, sau 3 năm làm dâu, cô đã thu phục mẹ chồng bằng cách cư xử đúng mực trong gia đình và sự thông minh, nhạy bén trong việc giải quyết các vấn đề ở xưởng sản xuất. Mới đây, cô đã được bà trao lại quyền quản lý, để "mẹ ở nhà nghỉ ngơi, trông cháu và thỉnh thoảng qua lại đó thôi".
Theo bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc trung tâm tư vấn Gia đình và Ly hôn, thuộc hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, khi kết hôn, ai cũng mong có được một mái ấm hạnh phúc, thoải mái về tinh thần và no đủ về vật chất. Lấy được chồng giàu sang là niềm mơ ước chính đáng của nhiều cô gái. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi như không phải lo lắng về vật chất, họ cũng có thể gặp nhiều điều khó khăn.
Có thể, khi mức sống của hai bên quá chênh lệch, nàng dâu sẽ cảm thấy khó thích nghi với cuộc sống nhà chồng, thậm chí còn phải đối mặt với thái độ ngờ vực về động cơ kết hôn của mình. Đặc biệt, nếu cô gái chưa có việc làm ổn định, hoặc có thu nhập thấp, hoàn cảnh sống quá khác biệt, điều này càng dễ gặp hơn.
Theo bà Thương, trước khi kết hôn, cả hai cần tìm hiểu rõ về nhau, về hoàn cảnh gia đình và chuẩn bị kỹ năng sống để điều chỉnh cho phù hợp. Dù ở hoàn cảnh nào, người con gái càng cần tự tin vào giá trị của bản thân, không mang mặc cảm yếu thế, càng dễ bị lấn lướt. Và điều quan trọng nhất là cuộc hôn nhân ấy phải xuất phát từ tình yêu chân thành. Khi ấy, sự ủng hộ, yêu thương của người chồng sẽ giúp nàng dâu sớm hòa nhập với lối sống của gia đình anh ta cũng như làm cầu nối với những thành viên khác. Còn như nhiều cô gái lấy chồng vì động cơ vụ lợi, thấy chĩnh gạo to mà cố "sa" vào thì ít khi có được hạnh phúc trọn vẹn.
Hải Vân quê Tuyên Quang, vốn là sinh viên Đại học Văn Hóa đã rơi vào cảnh ấy. Vân quen Đạt trong buổi giao lưu với các khóa sinh viên đã ra trường. Buổi gặp gỡ đầu, Đạt choáng ngợp trước vẻ đẹp mặn mà, tài ăn nói dí dỏm của Vân, còn cô không có ấn tượng gì đặc biệt với anh. Nhưng sau đó, Vân biết gia đình Đạt rất có thế: Mẹ anh là phó khoa tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội, bố Đạt cũng làm quan chức ở một cơ quan hành chính nhà nước. Đạt đang làm việc trong Viện nghiên cứu. Và những điều ấy có một sức hút ghê gớm với cô. Không cần thử thách Đạt lâu, Vân bật đèn xanh và họ nhanh chóng yêu nhau.
Rồi, muốn "trói" người yêu, Vân cố ý để Đạt đi quá giới hạn và cô có thai ngay như mong đợi. Lúc biết chuyện này, bố mẹ Đạt nhìn Vân bằng một ánh mắt không mấy thiện cảm nhưng cũng chấp nhận đám cưới vì danh dự cho gia đình và uy tín của con trai.
Nhưng sau đó, Vân mới biết mọi điều không đơn giản như cô nghĩ. Đạt dần nhận ra, Vân không có tình cảm chân thành với mình và anh cũng chưa thực sự yêu cô nên chẳng mấy quan tâm đến vợ. Bố mẹ chồng cũng đối xử rất lạnh nhạt với cô. Mới ra trường, lại sinh con ngay nên Vân chưa có việc làm. Bà mẹ chồng viện cớ cô rảnh rỗi quá thì buồn nên cho ôshin nghỉ để con dâu làm hết việc nhà.
"Nhìn vào, ai cũng nghĩ mình sướng nhất rồi: Chồng lương cao, con kháu khỉnh, bố mẹ chồng làm to, nhà cửa đuề huề... Nhưng thực ra, trong nhà mình chẳng khác gì ôshin, không có tình cảm với ai, cũng chẳng người nào coi mình ra gì. Giờ muốn làm lại cũng chưa biết bắt đầu từ đâu", Vân tâm sự.
(Theo VnExpress)