Tuy nhiên, nếu so sánh với hơn 130.000 tài khoản giao dịch chứng khoán được mở tại các công ty chứng khoán tính tới thời điểm này, thì số lượng nhà đầu tư tham gia các khóa đào tạo phổ cập chứng khoán ra công chúng của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Chứng khoán (SRTC) thuộc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) mới chỉ bằng 1/10 (13.653 người trong vòng 9 năm qua).
Nếu cộng thêm cả 21.952 người đã qua đào tạo cấp phép (được cấp chứng chỉ) thì số lượng người được đào tạo chứng khoán cũng vẫn còn quá khiêm tốn.
Theo tiến sĩ Đào Lê Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Chứng khoán, điểm nổi bật nhất trong năm 2006 trong công tác đào tạo, tuyên truyền là đã mở được nhiều lớp cấp chứng chỉ và lớp phổ cập kiến thức cho công chúng, đặc biệt là những lớp phổ cập kiến thức quy mô lớn.
Tuy nhiên, cũng chính qua những lớp học này, điều dễ dàng nhận thấy là hầu hết những nhà đầu tư mới vào thị trường vẫn thiếu kiến thức và đầu tư chủ yếu theo phong trào. Hoá ra, gần mười năm nay, công tác phổ cập kiến thức cơ bản về chứng khoán ra công chúng mới đạt được kết quả quá hạn chế như vậy?
Liên tục mở lớp, liên tục quá tải
Thời gian gần đây, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Chứng khoán liên tục khai giảng lớp mới nhưng vẫn không thể đáp ứng được hết nhu cầu học chứng khoán của công chúng. Mỗi một khóa học mở ra, số lượng học viên đăng ký lên tới 200 người trong khi sĩ số tối đa của một lớp giới hạn là 100.
Tính đến thời điểm này, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Chứng khoán đã hoàn thành các khóa đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề ở cả hai miền Bắc, Nam. Trong tổng số 76 khóa học gồm 37 lớp cơ bản, 21 lớp luật và 18 lớp phân tích, Hà Nội vẫn chiếm tỷ trọng gần gấp đôi.
So với cùng kỳ năm 2005, số lớp học đào tạo cấp chứng chỉ tăng gấp 2,1 lần, với tổng số học viên là 5.775 người. Ngoài các khoá đào tạo chính quy, SRTC đã tổ chức tuyên truyền và phổ cập kiến thức chứng khoán miễn phí cho 4.405 người tham gia. Đồng thời, Trung tâm cũng là đầu mối tổ chức những cuộc tọa đàm, đối thoại trực tiếp trên truyền hình giữa nhà quản lý và nhà đầu tư.
Trung tâm đang phối hợp với VTV1, VTV2 tổ chức cuộc thi tìm hiểu kiến thức chứng khoán trên truyền hình với sự tham gia của các trường đại học, các công ty chứng khoán ở cả hai miền Bắc và Nam... Đây là kết quả nổi bật nhất trong công tác đào tạo chứng khoán 6 năm vừa qua.
Các học viên đến với các khóa học chứng khoán của Trung tâm không chỉ giới hạn ở những sinh viên, học sinh, các nhân viên công ty chứng khoán mà đã có thêm nhiều người đến từ các ngân hàng, các tổ chức tài chính, các tổng công ty, các công ty cổ phần, công ty tư nhân...
“Thị trường tăng trưởng và số người tham gia thị trường cũng tăng lên tương ứng. Sau một thời gian va vấp ngoài thị trường các nhà đầu tư đã bắt đầu quan tâm hơn đến kỹ thuật đầu tư chứng khoán và đầu tư hơn cho việc học để có những kiến thức này. Họ học để có kiến thức đầu tư, khác hẳn với mục đích chỉ cần chứng chỉ hành nghề của nhiều nhân viên công ty chứng khoán khi tham gia các khóa học tại Trung tâm”, ông Minh nhận xét.
Trong vòng hơn một tháng nay, giá giao dịch của nhiều cổ phiếu niêm yết đã tăng mạnh, thậm chí hơn 50%. Giá trị giao dịch hàng phiên đã đạt hơn 200 tỷ đồng, có phiên vượt trên 300 tỷ đồng. Nếu không vì kỳ vọng vào việc tăng giá tiếp tục của cổ phiếu và cơ hội kiếm tiền nhanh hơn qua chứng khoán thì nhà đầu tư liệu có quan tâm nhiều đến đầu tư và học đầu tư chứng khoán?
Theo tiến sĩ Đào Lê Minh, so với cách đây 6 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thực sự bước sang một giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác đào tạo chứng khoán cả về bề rộng và bề sâu cho các đối tượng khác nhau.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán trong nước ngày càng tham gia tích cực vào thị trường chứng khoán quốc tế, trước hết là thị trường chứng khoán các nước ASEAN. Điều đó có nghĩa việc áp dụng các chuẩn mực nghiệp vụ sẽ theo thông lệ quốc tế và khu vực. Đồng thời, việc hành nghề chứng khoán sẽ có cơ chế cho phép công nhận lẫn nhau chứng chỉ hành nghề của mỗi nước.
“Chính vì vậy, công tác đào tạo hành nghề chứng khoán sẽ đứng trước nhu cầu chuẩn hóa theo tiêu chuẩn chung. Hơn nữa, nếu so với tổng số dân trên 80 triệu người, số lượng những người được đào tạo hoặc tiếp cận với kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán cho đến nay chỉ là một con số rất nhỏ. Tất cả những điều đó gợi mở những phương hướng củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong tình hình mới”, ông Minh cho biết.
Một đề án nâng cấp - đổi mới công tác đào tạo chứng khoán 2005-2010 của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã được phê duyệt, thực sự đã vạch ra một khuôn khổ và lộ trình rõ ràng trong xây dựng và phát triển hơn nữa công tác đào tạo chứng khoán đến năm 2010. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với từng đối tượng khác nhau như cán bộ, công chức, nhân viên hành nghề, doanh nghiệp và công chúng.
Với chương trình đào tạo cấp chứng chỉ, nội dung sẽ phong phú hơn với nhiều bài tập tình huống từ kinh nghiệm trong nước và quốc tế. Đặc biệt, đào tạo ứng dụng cũng sẽ được chú trọng hơn sao cho lý thuyết gắn với kỹ năng thực hành, kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn. Riêng chương trình dành cho công tác tuyên truyền, phổ cập kiến thức, sẽ có nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng và đơn giản nhằm tạo sự hấp dẫn cho công chúng.
Ngay trong năm 2006, Trung tâm đã thiết kế một khóa học mới mang tên “Phổ cập đầu tư chứng khoán”. Với những học phần như: giới thiệu hàng hóa thị trường, cách thức ra quyết định đầu tư, phân tích đọc hiểu bản cáo bạch, phân tích biến động cung cầu trên thị trường, phân tích tình hình tài chính công ty, rủi ro và sinh lời..., nội dung của khóa học này được đánh giá là khá thiết thực và đáp ứng được nhu cầu của công chúng đầu tư trong điều kiện hiện nay.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng sẽ xây dựng bộ giáo trình chuẩn về chứng khoán và cập nhật kịp thời mỗi khi điều kiện thị trường thay đổi, định kỳ hằng năm, gồm những kỹ năng nghề nghiệp hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế. Các tài liệu tuyên truyền cho công chúng cần xây dựng lại, sử dụng nhiều thuật ngữ đơn giản, dễ hiểu để phù hợp hơn với dân chúng.
(Theo Vneconomy)