Cục nợ phải mang?
Ngân yêu và lấy Dũng, một chàng thuộc hàng "quý tử", được bố mẹ cưng chiều "như trứng mỏng". Mỗi khi gặp chuyện trái gió trở trời, Ngân phải cứ tự thân vận động giữa đêm hôm khuya khoắt, bởi Dũng chưa quen việc phải "cạo gió, bóp chân", hay đưa vợ đi khám. Còn những lần Ngân bị bệnh phụ nữ hay sinh nở, Dũng tìm cách đẩy sự chăm sóc vợ cho bên ngoại hay một ai khác vì "cứ ghê ghê thế nào ấy".
Cái "tôi" ích kỷ
Anh Hoàng, chồng chị Ngọc nhận xét vợ mình: "Cô ấy cứ trách tôi hay ăn nhậu, đàn đúm với bạn bè mà không chịu nhìn lại mình. Làm vợ mà có buồn hỏi han, quan tâm đến chồng không, hay là lúc nào cũng lo tìm niềm vui riêng: hết đi shopping, lại sang thẩm mỹ, rồi còn họp lớp gặp bạn cũ".
Nhưng qua câu chuyện của Ngọc thì Hoàng cũng thật tệ: "Ông coi hào hiệp vậy chứ về nhà tệ bạc với vợ lắm. Bia rượu đãi bạn thì sẵn, chứ một thỏi son cho vợ cũng chẳng dám mua. Chiều nào cũng la cà nhậu nhẹt chán chê thì không sao, chứ về nhà thấy tôi góp chuyện với chị em hàng xóm là mắng tôi "ngồi lê đôi mách". Đã thế còn hay so sánh vợ người ta thế này, vợ người ta thế kia, làm như vợ mình là đồ bỏ đi không bằng. Người ta phải thương yêu, chiều chuộng vợ thế nào thì người vợ mới như vậy chứ".
Ta thương, người ghét
Chị Bình, vợ ông Hùng bán cơm tấm đầu hẻm là người vui vẻ, hiền lành, chịu thương, chịu khó. Mỗi ngày chị phải thức dậy từ 3,4 giờ sáng để lo bán buôn nuôi chồng con. Do "nấu nướng mát tay" nên quầy hàng ngày càng đông khách. Gặp giờ cao điểm làm không kịp bán, mặc dù có người phụ việc. Ban đầu, thấy chị làm không kịp nghỉ tay, hàng xóm gần đó thấy thương phụ giúp. Trong khi đó, ông Hùng vẫn thản nhiên ngồi chơi cờ với mấy tay xe ôm, xem như không phải chuyện của mình.
Chị Bình kể: "Không những chẳng phụ giúp vợ con, gần đây ổng còn sinh tật cờ bạc, làm khó dễ, nhũng nhiễu vợ con mỗi khi không kịp hầu hạ cơm nước". Nhiều người thấy chướng mắt, xúi chị ly dị cho khỏe, song chị Bình chỉ im lặng, chịu đựng.
(Theo Thế Giới Tiêu Dùng)