Không chỉ dừng ở chức năng liên lạc thông thường, phương tiện không dây còn là những "bửu bối" đắc lực cho nhiều doanh nhân trong chiến lược kinh doanh và cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thương trường.
Những thiết bị không dây là vật bất ly thân của những giám đốc thời nay. |
Nhiều năm nay, đánh thức anh Cường không phải là tiếng chuông đồng hồ dây cót chói tai nữa. Thay vào đó là bản nhạc du dương của chiếc máy PC pocket. Ngồi vào bàn nhâm nhi bữa sáng, anh cầm chiếc bút "chấm" vào màn hình cảm ứng của máy để kiểm tra thư điện tử. Anh chọn những thư có dấu "khẩn" vào folder (danh mục) riêng để đến cơ quan trả lời ngay.
Như thường lệ, việc không thể bỏ qua vào mỗi buổi sáng là truy cập tin tức ở những website tiếng Việt và tiếng Anh, nhất là những tin tức liên quan đến thị trường, tỷ giá hối đoái, giá cả trong ngày, công nghệ mới. Cuối cùng, anh chuẩn bị thông tin lưu vào máy cho cuộc họp giao ban buổi sáng, sắp xếp lịch làm việc với các nhà cung cấp, bạn hàng.
Tốt nghiệp thạc sỹ sinh học tại Nga rồi sang học ở Bắc Âu, về làm quản lý tại một liên doanh, Nguyễn Cường tạo cho mình phong cách làm việc riêng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin như thế từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Năm 1992, khi còn là sinh viên năm cuối đại học, mobile phone ở Moscow còn là phương tiện xa xỉ, anh đã sở hữu một "con" Ericcson thế hệ đầu tiên nặng hơn 1 kg có antenna rất dài với giá 3.000 USD.
Với chiếc máy phải "xách" chứ không phải mang trong người ấy, anh kiếm được một chỗ làm việc thu nhập khá trong một tập đoàn của Italy tại Moscow. Về nước, anh bắt đầu sử dụng chiếc máy Palm màn hình đen trắng đầu tiên vào năm 1996 chỉ có chức năng như một sổ tay điện tử. Cuộc "cách mạng" thực sự bắt đầu khi anh mua chiếc PC pocket hiệu O2 XDA1 ở London (Anh) năm 2002 hiện đại nhất thời đó.
Sử dụng mạng T-Mobile khi anh sang học ở Bắc Âu, chiếc máy giúp anh truy cập Internet, email ở mọi nơi. Đó còn là cuốn sổ điện tử trong quản lý công việc, lưu trữ dữ liệu, từ điển đa năng, nhắc nhở, nghe nhạc, xem phim, gọi điện thoại.
"Chiếc máy đang dùng có thể thay thế rất nhiều phần việc của một thư ký 24/24". Đến cơ quan, anh chỉ cần bật máy tính cá nhân là có thể yên tâm ngồi họp mà vẫn lấy được đầy đủ thông tin từ ổ mạng nội bộ trong máy tính như lịch trình sản xuất, nhân viên nghỉ, công việc tồn đọng cần giải quyết trong ngày thông qua PC pocket bởi nó được đồng bộ, kết nối với máy tính qua Bluetooth hoặc Wi-Fi (chuẩn không dây radio kỹ thuật số). Hiện anh cho triển khai một phần kế hoạch iso-online (quản lý chất lượng trực tuyến) với hệ thống sổ tay kỹ thuật điện tử và chiếc PDAphone của anh là công cụ rất đắc lực.
Buổi tối về nhà, chiếc máy tính bỏ túi MDA2 của anh lại biến thành phương tiện giải trí đa năng. Khoảng 1.000 cuốn sách đủ thể loại từ văn học, sách tham khảo cho đến tài liệu chuyên môn chứa trong bộ nhớ của máy ngốn của anh khá nhiều thời gian. Chán đọc sách, chiếc máy lại biến thành màn hình xem phim, ca nhạc, chơi games.
"Tiện lợi nhất là khi đi công tác với chiếc máy 200 g trong túi áo, xuống các sân bay trên thế giới, mình có thể dễ dàng truy cập Internet, kiểm tra gửi e-mail qua hệ thống Wi-Fi không dây với một phí nhỏ. Khi gặp mẫu hàng ưng ý, mình chụp ảnh quay phim làm tư liệu. Khi vui cùng đồng nghiệp, có thể chụp một vài tấm ảnh kỷ niệm. Chỉ vài phút sau gia đình đã nhận được", anh kể.
NetNam cho biết, là lãnh đạo doanh nghiệp viễn thông, Giám đốc công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) Vũ Hoàng Liên luôn tự nhủ mình phải đi đầu trong "số hóa" công việc quản lý. Đi bất cứ đâu, 2 vật bất ly thân của anh là chiếc máy tính xách tay và chiếc PC pocket tích hợp mobile phone. Nguyên tắc của anh trong điều hành công việc là sử dụng tối đa soft copy (văn bản "mềm") chứ không phải là các loại văn bản in ra giấy. Chính vì vậy, công ty anh hình thành tính "pháp lý nội bộ", chấp nhận văn bản dạng điện tử hóa thông qua e-mail hoặc mạng nội bộ.
Anh Liên cho rằng những văn bản này rất dễ lưu và xử lý. Với nhiều đối tác của VDC, anh cũng chấp nhận phương thức làm việc số hóa nếu có thỏa thuận chắc chắn. Cũng do phong cách làm việc hiện đại, anh và nhiều nhân viên của anh đã hình thành nguyên tắc làm việc số hóa, thông tin được sắp xếp trình tự và, khi cần, có thể lấy ra sử dụng nhanh chóng.
Với Vũ Hoàng Sinh, Phó Giám đốc công ty Kinh doanh & Chế biến Lương thực Hà Việt (Havico), ngoài chiếc Pocket PC Phone hiệu HP iPAQ 6365, anh còn sử dụng chiếc máy xách tay hiện đại hiệu Toshiba Portégé M200 Tablet PC (có thể viết, vẽ, ký trực tiếp lên màn hình). Chúng là "bửu bối" giúp ích đắc lực cho anh trong kinh doanh. Tốt nghiệp ĐH Luật năm 1995, chỉ một thời gian ngắn anh trở thành nhà quản lý, thiết kế giỏi.
Là phó giám đốc, anh còn thông thạo những chương trình đồ họa, từ Coreldraw, Quark Express cho đến Photoshop. Tất cả các mẫu mã bao bì mỳ ăn liền của công ty và bao bì của khách hàng đều do anh tự tay thiết kế. Chính vì thế, công ty anh không có phòng thiết kế. "Mình có thể nghĩ ra ý tưởng. Nhưng làm cho người khác hiểu được ý tưởng của mình mất rất nhiều thời gian. Mẫu mã lại phải thay đổi rất nhanh mới cạnh tranh được với những đối thủ khác. Chính vì vậy mà mình muốn thực hiện luôn ý tưởng của mình trên máy".
Anh thường đi công tác dài ngày tại các địa phương để tham khảo mẫu mã trên thị trường. Trong những chuyến đi ấy, anh không bao giờ rời chiếc máy xách tay. Chiếc máy là phương tiện giúp anh "chộp" bất cứ ý tưởng về mẫu mã nào. Anh bắt tay vào thiết kế thậm chí ngay cả khi ngồi trên ô tô. Rồi công trình của anh lập tức được chuyển về công ty làm trục in. Khoảng một tuần sau, sản phẩm bao bì do anh thiết kế có mặt trên thị trường. Với 3 nhà máy thực phẩm, 2 nhà máy bao bì ở Hà Nội, Hưng Yên, CHDCND Lào, công ty của anh là một trong những doanh nghiệp mỳ ăn liền có sản phẩm đa dạng nhất và lượng khách hàng rất lớn. Không thể phủ nhận vai trò chiếc máy của anh trong những thành công ấy.
Nhiều doanh nhân nói rằng những phương tiện không dây tạo "cuộc cách mạng" trong kinh doanh của họ. Thế nhưng, chúng cũng mang đến rất nhiều phiền toái cho chủ nhân.
Ngày thường rất mỏi mệt với công việc, đến thứ bảy, chủ nhật, anh Liên muốn nghỉ ngơi cũng không xong. Chiếc PC pocket tích hợp mobile phone của anh vẫn reo liên tục. Tắt đi thì sợ anh em ở công ty báo cáo khẩn. Đành phải nhận mọi cuộc gọi trong sự "mất tự do cá nhân" như anh thường nói đùa. Còn anh Cường cũng phải thú thật từ ngày "nghiện" thiết bị không dây kỹ thuật số, nó mang lại không ít rắc rối. Nhiều trường hợp dở khóc dở cười.
Than phiền là vậy, các doanh nhân vẫn coi những chiếc máy không dây của mình là niềm đam mê lớn nhất. Chúng là những người bạn chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống đầy cạnh tranh khốc liệt.