"Một số người mặc áo không tay, quần short và đi dép trong nhà tới đăng ký kết hôn", Beijing Daily dẫn lời Han Mingxi, người đứng đầu phòng đăng ký thuộc Sở Dân vụ Bắc Kinh, nói. "Những trang phục kiểu này nói lên thái độ của họ với việc đăng ký kết hôn là quá bình thường. Điều đó có thể dễ dàng tạo ra nhiều vấn đề".

Nhiều đôi ăn mặc tuềnh toàng tới văn phòng đăng ký kết hôn. Ảnh: Shanghaiist.
Vấn đề ông Han nhắc tới là ly hôn. Tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc đang tăng vọt. Chính quyền thành phố Thượng Hải thậm chí còn không xử lý hết đống giấy tờ xin ly dị. Ở quốc gia có số dân đông bậc nhất thế giới, Bắc Kinh là thành phố có tỷ lệ ly hôn cao nhất. Tại đây, số vụ chia tay nhau tăng từ 33.000 năm 2011 tới 56.000 năm 2014. Trước đây, tình trạng gia tăng số người ly hôn được đổ lỗi cho mạng xã hội nhưng giờ, có vẻ chính quyền nước này buộc phải tìm ra "thủ phạm" khác.
Luật mới yêu cầu các đôi không mặc quần áo tuềnh toàng tới văn phòng đăng ký sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7 tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông Han cho rằng ngay cả khi một đôi nam, nữ mang dép lê và mặc quần áo ở nhà đến, họ cũng không thể bảo họ rằng đã tới nhầm nơi. Các nhân viên ở đây chỉ có thể gợi ý cho họ mặc đồ phù hợp hơn. Nếu vẫn muốn ăn mặc vậy và mạo hiểm với khả năng có thể chia tay thì... tùy ở họ.
Hà Phương