Tất cả những gì Nick Freer muốn chính là nghe nhạc kỹ thuật số, và anh sẵn lòng trả tiền. Khi vị giám đốc ở Hong Kong này mua một chiếc iPod, thì đã có sẵn một phần mềm tự động nối kết với iTunes - kho nhạc online mà Apple sở hữu hiện đang thống trị thị trường nhạc trên mạng với 70% thị phần. Với máy tính của mình, Freer có thể "ngó" hàng triệu bài hát của iTunes. Nhưng anh không thể mua được bất kỳ bài nào bởi hiện người ta chỉ mua và tải được nhạc của iTunes từ Mỹ, Anh, Pháp và Đức, bởi dịch vụ tải nhạc trả tiền này chỉ chấp thuận những thẻ tín dụng xuất xứ từ những nước kể trên. "Tôi cảm thấy cực kỳ khó chịu", Freer, người có thú vui giao lưu âm nhạc với bạn bè, nói.
Các website nhạc online thương mại đang bùng nổ ở Mỹ và châu Âu, nhờ vào sự thành công của iTunes, địa chỉ hiện đã bán được trên 100 triệu ca khúc. Ngay cả Microsoft cũng đã nhảy vào đầy ham hố. Tuần trước, con quái vật phần mềm này cũng đã khánh thành website nhạc online tại Mỹ, MSN Music. Tuy nhiên đối với hàng triệu fan âm nhạc sành điệu của châu Á hiện đang nghe MP3 và nhạc online với đường kết nối lớn, mua ca khúc online gần như là không thể được, đơn giản bởi các website nhạc không để ý đến họ.
Một quan chức của Apple đã từ chối không cho biết tại sao iTunes không "phục vụ" tại châu Á, nói rằng hãng không phát biểu về kế hoạch làm ăn với báo chí. Tuy vậy, theo ý kiến của các chuyên gia, chính sự phức tạp khó lường trong việc cấp và trao quyền dùng nhạc online tại một khu vực "xa lạ" (với việc tôn trọng bản quyền) đã khiến tất tật các đại gia như iTunes, RealPlayer và Wal-Mart đều sợ hãi các thính giả châu Á.
Theo Lao Động, chôm nhạc vô tội vạ trên mạng ở những nơi như Đài Loan, Hàn Quốc đã phát triển đến mức đại đa số các hãng ghi âm ở châu Á đều coi Internet như là "kẻ thù" chứ không phải là phương tiện kinh doanh. Và họ không bao giờ đồng ý cho một gã online nào đó bán nhạc của mình cả, vì sợ rằng chẳng mấy chốc nhạc của họ sẽ bị cả thiên hạ nghe miễn phí. Và, trước mắt, theo Yashudi Ide thuộc Sony Music Entertainment, ưu tiên của Sony trong lĩnh vực nhạc online vẫn là "bảo vệ bản quyền".
Tuy vậy vẫn có một nhóm các doanh nghiệp muốn liều, cố cắt một chút bánh online tử tế từ thị trường âm nhạc 5,2 tỷ USD của châu Á. Năm 1999, Sudhanshu Saronwala đã từ chức Giám đốc điều hành MTV châu Á để lập công ty riêng kinh doanh nhạc online mang tên Soundbuzz ở Singapore. Làm ăn khá nhì nhằng 4 năm qua, nhưng sau khi iTunes thắng lớn năm ngoái, Saronwala lại thấy khấp khởi. "Các hãng đĩa cả quốc tế lẫn địa phương đã hiểu rằng online là một kênh phân phối thực sự", anh nói.
Soundbuzz đã ký hợp đồng với nhiều hãng ghi âm đầu năm 2004 và sẽ cung cấp dịch vụ online từ tháng 7. Người nghe đã có thể tải các bản nhạc với giá 1,16 USD/ca khúc từ kho nhạc hơn 250.000 bản và tới cuối 2004 sẽ lên tới 500.000 bản của Soundbuzz. Soundbuzz cũng bắt tay với hãng làm phần mềm nghe nhạc Creative của Singapore, với mục tiêu cho ra phần mềm Zen Touch MP3 sẽ cộng sinh với Soundbuzz như là iPod ngoặc với iTunes vậy. "Tôi nghĩ chúng tôi sẽ tạo ra một cuộc đột phá", Sim Wong Hoo, Tổng giám đốc của Creative nói. "Tôi tin rằng thị trường MP3 sẽ lớn như thị trường điện thoại di động vậy".
Điều này không phải là không có lý. Bởi một nghiên cứu của Hãng PricewaterhouseCooper dự đoán rằng đến 2008, thị trường nhạc online ở châu Á sẽ vượt quá con số 500 triệu USD, tức 8% thị trường; và ngay cả Apple cũng đã bắt đầu nhòm ngó dữ dội, dù vẫn rất sợ.