![]() |
Múa cột kết hợp nhiều động tác vũ đạo của ballet, dancesport. |
Người phụ nữ trông có vẻ già dặn nhất trong lớp đang cố gắng thực hiện động tác ballet, đu lên cột sao cho đúng kỹ thuật. Lần đầu chị bị cô giáo nhắc nhở vì bám hai tay vào cột và đu cả thân người lên đó. Sau khi được vũ sư hướng dẫn chạm phần da ở giữa ngón chân cái và mu bàn chân vào cột, chị đã được khen.
Mỗi chiều thứ sáu hàng tuần, hết giờ làm, chị Mai lại háo hức đến lớp học múa cột. Trước khi đến với môn thể thao này, chị từng học múa bụng. Mặc dù đã có con lớn 14 tuổi nhưng chị vẫn giữ được vẻ trẻ đẹp, thân hình gọn gàng do chịu khó luyện tập. "Chị thích môn này vì nó mới và giúp mình khỏe mạnh. Hôm đầu tập, hai bên tay đau nhức, cơ bụng cũng vậy. Chị từng học múa bụng nhưng mỗi môn khó và khác một kiểu", học viên U40 tâm sự.
Yêu thích nhưng chị Mai vẫn tỏ ra dè dặt khi không muốn người thân biết mình học môn này. Chị giải thích, do quan niệm của nhiều người vẫn cho rằng múa cột "không lành mạnh" hay chỉ dành cho các cô gái trong vũ trường nên môn thể thao ấy vẫn chưa được nhìn nhận đúng. Bản thân chị khi tới học mới thấy hết sự tập luyện vất vả thực sự. Mỗi động tác đều có tác dụng cho sức khỏe và sau mỗi bài học, mọi căng thẳng dường như được trút bỏ.
Phái đẹp Hà Thành vất vả học múa cột |
48776 |
Không quá "lăn tăn" như chị Mai, Hương đến với múa cột theo lời giới thiệu của bạn bè. "Là dân công sở ngồi trong phòng cả ngày, ít vận động nên mình đăng ký học như một hình thức thể dục sau giờ làm", vừa nói cô vừa xoa xoa lên phần cánh tay rồi nói "khó lắm". Dáng người cân đối, tiếp thu nhanh nên Hương thường xuyên được cô giáo khen động tác đẹp và đúng. Ngoài Hương, lớp học của cô còn nhiều dân văn phòng khác và cả sinh viên. Mỗi khi được dạy động tác mới, cả lớp gồm 9 người lại vây quanh vũ sư Phương Liên để chăm chú theo dõi.
Dáng người thấp, nhỏ, Liên chuyển động nhẹ nhàng, uyển chuyển và duyên dáng trên chiếc cột khi làm mẫu cho học viên. Thỉnh thoảng, cô giáo trẻ ấy lại chạy khắp phòng tìm cặp kính cận của mình để nhìn rõ lỗi của từng người.
Từng làm cho một tổ chức của nước ngoài rồi tới ngành dầu khí nhưng cuối cùng Liên bỏ tất cả để theo đuổi đam mê khiêu vũ. Trước đây, cô vừa đi làm vừa đi biểu diễn múa bụng. Một ngày làm 16 tiếng khiến cô quá tải. Liên quyết định toàn tâm toàn ý cho đam mê của mình. Gia đình phản đối dữ dội vì cô dám bỏ chỗ làm "hoành tráng" để theo đuổi một công việc "lông bông". Cô kể, có hôm sáng đi làm, tối đi diễn, không có thời gian nên cô đành phải vào nhà vệ sinh để tập. Trước khi trở thành vũ sư múa cột, Liên là một trong những người đầu tiên tại Hà Nội dạy múa bụng. Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, Liên tiếp tục theo học khoa biên đạo ở trường múa. Lúc còn nhỏ, Liên từng có nhiều năm theo học ballet và dancesport nên đó cũng là tiền đề tốt để cô theo nghề vũ sư sau này.
![]() |
Sau một giờ học, các cô gái đều mệt nhoài. |
"Trước tiên mình cảm thấy tập múa cột có tác dụng trực tiếp cho bản thân, tăng độ dẻo dai, quyến rũ của người phụ nữ vậy tại sao mình lại không chia sẻ điều ấy với mọi người", Liên chia sẻ khi được hỏi về lý do mở lớp múa cột. Tự bỏ tiền túi để "tầm sư học đạo" tận Thái Lan, Hong Kong và cả Anh, Liên muốn sang tận nơi để học và tìm hiểu bộ môn này. Theo vũ sư, học phí mỗi buổi học bên Thái Lan là rẻ nhất, khoảng 300.000 đồng, bên Hong Kong đắt hơn, khoảng từ 400.000 đến 500.000 đồng, còn bên Anh thì "khỏi phải nói". Lần mò sang nước ngoài học, Liên đăng ký cả lớp học tập trung và lớp riêng môt thày một trò. "Mình học để về dạy nên cần học riêng, học chung là để tìm hiểu học viên bên đó. Nhìn chung họ khác mình ở thể lực và tập luyện nhiều", cô giáo tâm sự. Cuối năm ngoái, sau khi đi học về và mở thử nghiệm, Liên quyết định "dạy thật".
Liên cho biết thêm, múa cột là môn có sự kết hợp của vũ đạo hiện đại, những bước di chuyển và nhào lộn trên một chiếc cột. Ở môn này, quan trọng nhất là vũ đạo và sức khỏe. "Cần phải có cơ bụng khỏe để leo lên leo xuống còn vũ đạo sẽ giúp học viên uyển chuyển hơn. Sau khi tập, người tập sẽ có vòng eo thon gọn và cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh", Liên giải thích.
Sự kết hợp của bộ môn bellydance, dancesport, ballet trong bài họclà do khả năng của người dạy. Vũ sư càng am hiểu nhiều vũ đạo sẽ giúp học viên kết hợp nhiều động tác đẹp.
Khi được hỏi liệu có ý định biểu diễn múa cột hay không, Liên khẳng định không. Lý giải cho những quan điểm "không mấy thiện cảm" của mọi người với múa cột, Liên cho rằng môn này yêu cầu người tập phải mặc quần áo ngắn để sử dụng phần da tiếp xúc với cột, giảm lượng sức lực bỏ ra đồng thời phô diễn được kỹ thuật. Người tập sẽ không thể thực hiện động tác nếu mặc quần áo kín.
Buổi học kéo dài một tiếng kết thúc, Liên ngồi bệt trên sàn tập nghỉ ngơi. Cô mỉm cười vì học viên tiếp thu bài tốt và không thất vọng vì công sức mình bỏ ra.
Bình Minh
Ảnh: Lê Hiếu