Ung dung ngồi ăn cắp cá. |
Trong khu vực đảo Trấn Quốc, nơi có chùa Trấn Quốc, mấy tay câu trộm ngang nhiên ngồi xổm buông cần ngáp vặt, mặc cho khách du lịch tây, ta chen nhau vào chùa. Mồi câu của họ không phải là giun, châu chấu hay cám rang như những người câu chơi mà là cám Con cò, bột gạo chế biến, mầm thóc. Cục mồi được vo tròn sau đó lấy vụn xốp gắn vào xung quanh. Khi nào cá rỉa mồi, vụn xốp sẽ bung ra và nổi lên làm tín hiệu cho người câu giật lên.
Một tay câu cam đoan: “Với chùm câu móc 6 lưỡi này thì “bố” cá cũng bị móc hàm”. Mỗi chuyến đi câu thế này, tay câu sẵn sàng “đầu tư” đến 20 nghìn tiền mồi, cũng đủ biết một lượt câu họ phải thu lại được gấp mấy lần từng ấy. Nếu như ngày nào không kiếm được dăm cân cá coi như lỗ.
Khu ven đảo Trấn Quốc lại có nhiều cây cối, bóng mát nên cá rất thích bơi về khu này. Đi ra khu sau, (du khách không được vào) mới thực sự là đại bản doanh của đám trộm cá. Mười mấy tay câu đang ngồi yên như Lã Vọng.
Đi ra đoạn đường Lạc Long Quân, cách Xí nghiệp nuôi cá mấy chục mét cũng có mấy tay trộm cá đang lặn xuống nước, chân chổng lên trời như vịt để mò lưới. Một người dân trên đoạn đường này bật mí: “Ăn nhau là cái đám bèo kia ông ạ”. Gặng hỏi mới biết được những đám bèo lững lờ trôi có vẻ hiền lành, lãng mạn ấy là một cái bẫy. Ngụy trang ở bên dưới là một chùm lưới dày đặc, có thể có cả lưỡi câu gắn vào lưới.
“Cá tặc” Hồ Tây thường ăn cắp cá bằng hai cách chủ yếu là dùng câu và thả đó, lưới bén xuống hồ. Riêng câu trộm cũng năm bảy loại câu: câu lục-thả thính làm mồi dụ, câu tặc ung dung cắm câu ngồi trên bờ chờ đợi. Câu văng ba tiêu với dây văng dài 30-40m cùng một chùm lưỡi thép, đứng trên bờ quăng một phát ra xa hàng chục mét, kéo cá vào bờ. Loại câu này đặc biệt nguy hiểm nếu văng trúng khách du lịch bơi thuyền trên hồ.
Với phương châm không chơi cái loại cá mè, to xác nhưng rẻ tiền, các tay câu trộm chủ yếu nhằm vào cá trắm, cá trôi, giá bán “nhẹ nhất” cũng khoảng 30.000 đồng/kg.
Theo tính toán của công nhân khai thác cá, nếu để cho một tay câu có nghề buông cần trong một ngày, có thể câu được hơn 1 yến cá. Bởi đã nhiều lần bảo vệ đi thu được những túi cá hàng yến của bọn câu trộm. Trung bình mỗi kilôgam 30 nghìn đồng nhân lên, mỗi ngày đội cá bị mỗi tên "móc túi" không dưới 300 nghìn đồng. Có hàng trăm kẻ buông cần câu mỗi ngày như vậy, thiệt hại đã là một con số khổng lồ.
Không chỉ giăng câu, chúng còn buông lưới để bắt cá theo kiểu ăn... cả chùm. Đội tuần tra phải thường xuyên dùng viên sắt thả xuống nước kéo theo thuyền để rà lưới trộm. Trung bình, mỗi ngày thu được 10-30 tấm lưới bén. Nhiều đến nỗi không có chỗ chứa đành ngày nào đốt đi ngày ấy. Riêng cần câu thu được cũng xếp đầy nóc tủ, không có chỗ chứa đành hủy bỏ vứt đi.
Tháng 7, tại cụm 5 phường Nhật Tân, đội bảo vệ 8 người của Xí nghiệp Nuôi cá trong khi làm nhiệm vụ đã bị các đối tượng chuyên trộm cắp cá chặn đánh ngay giữa đường. Gần 30 “trai làng” quây lại dùng hung khí tấn công.
10h một ngày tháng 8/2005, một tổ 9 người của Xí nghiệp Nuôi cá Hồ Tây bao gồm 4 công nhân kết hợp cùng 5 vệ sĩ đi tuần quanh khu vực hồ bằng xe máy và có xuồng hỗ trợ chạy gần bờ. Theo kinh nghiệm, cứ sau khi mỗi trận mưa, trời hửng nắng, cá lại bơi vào gần bờ, đây cũng là lúc thuận lợi nhất cho các đối tượng trộm cá hoành hành.
Đến khu vực “điểm nóng" phía sau trường Chu Văn An, anh em phát hiện nhiều “cá tặc” đang ung dung hành nghề. Đội bảo vệ đã tiến hành thu giữ hiện vật và yêu cầu về trụ sở xí nghiệp làm biên bản. Chưa đầy chục phút sau, 15 ông trai làng xuất hiện, mặt mày bặm trợn, mang theo tuýp nước, gậy gộc, gạch đá, cuốc xẻng và dao xông ra “quây” để sẵn sàng “làm thịt” các ông chủ cá. Trận hỗn chiến xảy ra, cả 5 vệ sĩ đều bị thương, người bị vỡ đầu, người bị xây xát. Nặng nhất là anh Nguyễn Văn Vĩnh phải đi bệnh viện.
Tháng 8/2005, anh em bảo vệ đi làm nhiệm vụ khu vực ven bờ trong khu vực phường Nhật Tân phát hiện nhiều kẻ đang bắt trộm cá đã tổ chức vây bắt. Bọn trộm cắp cá đã chặn lại ném vỡ 2 xe máy, 1 xuồng máy, ném đá vào nhân viên bảo vệ, làm một số người bị thương.
Theo các anh em công nhân, quanh khu vực có nhiều thanh niên lấy nghề câu làm kế sinh nhai. Khi bị lực lượng bảo vệ cản trở thì chống đối nên từ lâu đã hình thành mối hiềm thù với các nhân viên bảo vệ của công ty cá. Bọn chúng tụ tập thêm một số thanh thiếu niên choai choai, hễ cứ thấy bảo vệ cá ở đâu là ném, là bắn, bất kể là đi tuần hay đi khai thác.
Nghiêm trọng hơn, chúng còn dùng đầu mẩu sắt làm đạn để bắn vào người các nhân viên bảo vệ ở đây với cố ý gây sát thương. Vừa để trả thù, vừa là dằn mặt. Vậy nên người dân đi qua khu vực đường Lạc Long Quân cứ ngạc nhiên là vì sao Xí nghiệp nuôi cá thả cá, có bảo vệ mà nhiều hôm trộm cá còn xếp hàng đứng dày đặc buông cần ở cách trụ sở của xí nghiệp chỉ vài chục mét.
Lý giải điều này anh Lê Văn Hùng, Đội phó Xí nghiệp nuôi cá, phụ trách bảo vệ cho biết: "Vì ở ngay cạnh đường giao thông, truy đuổi các đối tượng trộm cá ngay trên đường sẽ rất nguy hiểm, một phần vì nhân viên bảo vệ cũng không dám "chạm" vào nhiều tên có máu mặt ở đây. Chỉ mong được năm chữ "yên ổn mà làm ăn".
Tính chất côn đồ của đám "cá tặc" lên đến đỉnh điểm khi gần đây, giữa đêm khuya hàng chục thanh niên từ Xuân La (thuộc phường Xuân La), làng Hồ, Võng Thị (thuộc phường Bưởi) kéo đến bao vây trụ sở xí nghiệp, mang theo dao, gậy dọa nạt, ném đá. Xí nghiệp buộc phải gọi điện báo cho Cảnh sát 113 và Công an phường đến giải cứu.
Xí nghiệp đã phải thuê thêm bảo vệ từ các công ty vệ sĩ chuyên nghiệp thường trực bảo vệ 24/24 giờ. Công nhân khai thác thông thường biến động theo thời điểm từ 20 đến 60 người nhưng nhân viên bảo vệ quân số là 31 người (26 bảo vệ và 5 vệ sĩ chuyên nghiệp). Nhiều lúc người trông giữ cá còn phải nhiều hơn người khai thác.
Mỗi năm Xí nghiệp đầu tư gần 1 tỷ đồng tiền cá giống thả xuống hồ. Năm nay đang đứng trước nguy cơ thua lỗ vì môi trường nước ô nhiễm và nạn câu trộm hoành hành. Mặc dù đã tăng cường bảo vệ, cầu cứu nhiều cơ quan chức năng nhưng nạn “móc túi” này không hề thuyên giảm.
(Theo Công An Nhân Dân)