Phạm Đình Khánh Đoan (trái) trên đường chạy ở SEA Games 2. |
Trong làng điền kinh VN, người ta nhắc đến Khánh Hòa với một sự khâm phục bởi khả năng sản sinh ra nhiều tên tuổi lớn cho điền kinh nước nhà. Tuy nhiên, ngay khi Uỷ ban TDTT có “trát” kêu gọi các Sở TDTT địa phương thành thật khai báo về nạn gian lận tuổi, không ít người đã ngã ngửa ngạc nhiên vì phát hiện Khánh Hòa có hẳn một “công nghệ” gian lận cho các “nữ hoàng”, bất kể địa phương này đã từng nổi tiếng với vụ cầu thủ “nhí” Lê Minh Hoàng trong môn bóng đá.
Theo Người Lao Động, việc gian lận tuổi cho các VĐV điền kinh ở Khánh Hòa đã được “quán triệt” từ trên xuống dưới. Khi Thanh tra Uỷ ban TDTT kết thúc giai đoạn 1 công tác thanh tra tuổi, nguyên Giám đốc Sở TDTT Khánh Hòa- Chủ tịch LĐ Điền kinh Khánh Hòa Trần Vĩnh Lộc thừa nhận với báo chí rằng, đã có thời Khánh Hòa chạy theo thành tích và chấp nhận gian tuổi có tổ chức. Ông Lộc khẳng định: “Người ta ăn gian, mình không ăn gian sẽ chịu thiệt!”. Nhà VĐ SEA Games 22 Đoàn Nữ Trúc Vân (được cải tuổi từ 1978 thành 1982) kể lại rằng, dù sinh năm 1978 nhưng để được thi đấu ở các giải trẻ, “cấp trên” và các HLV của cô đã làm hồ sơ giúp cô “trẻ” 4 tuổi; năm 2002, Đoàn Nữ Trúc Vân mới được thi đấu bằng tên thật, tuổi thật. Tương tự, Phạm Đình Khánh Đoan cũng được “trẻ hóa” 2 tuổi (1980 thành 1982). Vì vậy mới có chuyện, sau SEA Games 20 tại Brunei, Khánh Đoan đã tủm tỉm cười khi có bài báo nói cô đoạt HCV SEA Games ở tuổi… 17 bẻ gẫy sừng trâu!
Theo lời của nhiều cựu VĐV Khánh Hòa thì hầu hết VĐV năng khiếu (không kể điền kinh) đều làm lại giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, hộ khẩu, học bạ... Khoản "giấy tờ làm lại" đều cấp trên và huấn luyện viên quản lý để làm hồ sơ thi đấu, trong khi giấy tờ gốc (khai sinh, hộ khẩu...) thì gia đình VĐV vẫn lưu giữ để làm các thủ tục hành chính khác.
Làm theo “tổ chức” chưa đủ, riêng giới điền kinh còn tương truyền rất nể phục chuyện Khánh Hòa sử dụng tấm khăn mặt ướt để thay LĐ điền kinh sửa hồ sơ thi đấu cho VĐV: úp chiếc khăn mặt sẫm nước lên tấm thẻ VĐV trong 1 đêm cho bong tấm ảnh của VĐV đủ tuổi được đăng ký, ngày hôm sau chỉ cần thay tấm ảnh, các “chuyên gia” này đã làm được 1 bộ hồ sơ thi đấu mới.
Chuyện của Khánh Hòa dường như thể hiện phần nào nội tình làng điền kinh. Thế nên, không có gì phải bất ngờ khi điền kinh, bơi lội đứng đầu bảng xếp hạng… gian tuổi mà Thanh tra Uỷ ban TDTT mới tổng hợp. HLV trưởng ĐT điền kinh VN Dương Đức Thuỷ cho hay, 10% các thành viên đội tuyển điền kinh quốc gia có “vấn đề” về tuổi. Điều đó lý giải vì sao tuổi đời các VĐV điền kinh rất ngắn. Thậm chí ít nhiều làm điền kinh VN giậm chân tại chỗ trong một thời gian dài.
Ngay như tại SEA Games 22, dù điền kinh VN đạt được 6 HCV, nhưng không ít người vẫn phải thừa nhận, VN đã gặp may. Ít người biết rằng khi thi đấu ở SEA Games 22, toàn bộ tính toán, quyết định chuyên môn của đội điền kinh đều do ông… Trưởng đoàn TTVN Nguyễn Hồng Minh quyết định, thay vì HLV trưởng Nguyễn Hiền Lương. Nguyên do không phải ông Trưởng đoàn tiếm quyền, mà chính là vị HLV trưởng quá “rụt rè”, không bản lĩnh để chịu đựng nổi áp lực từ các vụ lục đục trong làng điền kinh. Trong đó, sự bát nháo ở làng điền kinh phần nào xuất phát từ hậu quả của cái kiểu “cả làng cùng ăn gian” trong suốt một thời gian dài.