Giá vàng và tỷ giá ngoại tệ gần đây liên tục biến động gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho người có nhu cầu mua bán và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Công cụ nào sẽ giúp bạn phòng tránh rủi ro?...
Lãnh đạo một ngân hàng (NH) tại TP HCM bức xúc nói: "Nếu như các dịch vụ bảo hiểm rủi ro tiền tệ trong nước thời gian qua phát triển mạnh chắc chắn đã hạn chế được đáng kể những thiệt hại cho người có nhu cầu mua bán vàng, ngoại tệ và các doanh nghiệp (DN). Có lẽ cũng chính từ lý do này gần đây nhiều NH đang gấp rút triển khai hoặc mở rộng nghiệp vụ quyền lựa chọn cho giao dịch ngoại tệ và vàng như là một công cụ tài chính để khách hàng có thể bảo hiểm vốn, tránh rủi ro ngay cả khi giá vàng và ngoại tệ biến động mạnh nhất.
Thực ra, nghiệp vụ quyền lựa chọn trong mua bán ngoại tệ dành cho các DN như là một công cụ bảo hiểm rủi ro đã được một số NH thực hiện từ hơn 1 năm nay (lúc đầu triển khai thí điểm tại Eximbank, sau đó có thêm 6 NH như Vietcombank, NH Đầu tư và Phát triển, NH Công thương... thực hiện) nhưng có lẽ do DN chưa quen với công cụ bảo hiểm đặc biệt này nên sử dụng chưa nhiều.
Ông Đào Hồng Châu, Phó Tổng Giám đốc Eximbank, giải thích: Có thể hiểu quyền lựa chọn ngoại tệ là quyền được mua, được bán một lượng ngoại tệ trong một khoảng thời gian, hoặc thời điểm xác định trong tương lai với một tỷ giá thỏa thuận ấn định tại thời điểm giao dịch sau khi khách hàng trả một khoản lệ phí nhất định. Đến thời hạn hợp đồng khách có quyền mua (bán) hoặc không mua (không bán) tùy ý.
Chẳng hạn, một DN xuất khẩu dự kiến trong tháng tới sẽ thu về một khoản ngoại tệ là 100.000 euro và vấn đề DN đau đầu là không biết giá euro lúc đó sẽ như thế nào? Để bảo toàn giá trị đồng vốn và có thể hưởng lợi DN ký hợp đồng có kỳ hạn với NH bán số ngoại tệ này khi tiền về. Vào ngày đáo hạn hợp đồng, dù tỷ giá tăng hay giảm NH đều phải mua số ngoại tệ trên, nhưng ngược lại nếu tỷ giá euro tăng cao khách hàng có quyền không bán theo hợp đồng mà bán theo giá thị trường để có lợi hơn. Trường hợp DN mua ngoại tệ cũng tương tự, đến hạn DN có thể mua theo hợp đồng hoặc không mua, tùy ý...
Về mức phí, việc tính toán mức phí tùy thuộc vào từng hợp đồng cụ thể và dựa trên nhiều yếu tố như thời gian hợp đồng dài hay ngắn, số lượng và loại ngoại tệ mua bán, xu hướng giá của loại ngoại tệ, mức chênh lệch giữa giá hợp đồng và giá thực tế hiện tại... Tuy nhiên nhìn chung mức phí không quá cao. Ví dụ: Một hợp đồng bán euro có thời hạn 1 tháng, đặt giả thiết là tỷ giá sẽ không biến động gì đáng kể... thì mức phí chỉ trên dưới 1,2% giá trị hợp đồng.
Để phát triển loại công cụ bảo hiểm đặc biệt này, một số NH cho biết đang tính toán để mở rộng đối tượng khách hàng, kể cả đối tượng cá nhân nếu hội đủ các điều kiện theo quy định quản lý ngoại hối của NH Nhà nước.
Ông Trương Văn Phước, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, cho biết NH Nhà nước vừa chấp thuận cho phép 3 NH thương mại thực hiện nghiệp vụ quyền lựa chọn trong mua bán vàng đó là: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, NH Á châu và Sài Gòn Thương tín, trong đó NH Á Châu sẽ thực hiện trước. Theo ông Trương Văn Phước, nghiệp vụ này sẽ là một công cụ góp phần bảo hiểm rủi ro cho người cần mua bán vàng trong điều kiện giá vàng thế giới đang trong thời kỳ đầy biến động như hiện nay.
Ông Phạm Văn Thiệt, Tổng Giám đốc NH Á Châu, giải thích tương tự như quyền lựa chọn trong mua bán ngoại tệ, quyền chọn vàng là một hợp đồng mà người mua quyền lựa chọn có quyền (chứ không phải nghĩa vụ) mua hoặc bán một số lượng vàng nhất định với một mức giá đã ấn định trước cho một thời hạn cụ thể trong tương lai sau khi đã trả một khoản phí cho bên bán (tức NH) ngay từ khi ký hợp đồng. Đối tượng tham gia là mọi cá nhân và tổ chức có nhu cầu bảo hiểm rủi ro biến động giá vàng.
Tuy nhiên, bước đầu NH chỉ mới thực hiện với các giao dịch có quy mô tối thiểu từ 100 lượng vàng trở lên, thời hạn hợp đồng từ 2 tuần đến 12 tuần (3 tháng). Khi tham gia khách hàng có quyền thực hiện hợp đồng hoặc không thực hiện dù đã ký hợp đồng, đóng phí. Nếu thực hiện hợp đồng khách hàng có quyền chọn 1 trong 2 phương án thanh toán là giao nhận vàng thực tế hoặc không giao nhận bằng vàng mà NH sẽ tính toán để chi trả khoản chênh lệch giá nếu có. Đồng thời khách hàng cũng có thể tất toán hợp đồng trước ngày đáo hạn để hưởng chênh lệch giá nếu thấy có lãi...
Theo Người Lao Động, về phía NH, để tránh rủi ro cho mình NH sẽ ký hợp đồng mua quyền chọn vàng từ các NH nước ngoài. Vì vậy mức phí thu của khách hàng sẽ dựa theo phí của NH nước ngoài cộng thêm một khoản chênh lệch nhỏ, tùy từng thời điểm. Á Châu dự kiến ngày 13/12 sẽ chính thức đưa nghiệp vụ này vào hoạt động.