Xe gắn máy vận chuyển hàng lậu bị tịch thu tại cửa khẩu Xa Mát. |
Long An và Tây Ninh là 2 địa phương có đường biên giới với nước bạn Campuchia. Nạn buôn lậu qua biên giới luôn là chuyện nhức nhối đối với chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương
Ngày 22/2, chúng tôi đi từ Đức Hòa (Long An) để qua biên giới. Vừa qua khỏi ngã ba Mỹ Hạnh, trước mắt là một đoàn xe gắn máy đang rú ga chạy hết tốc lực với người ngồi sau vác đai hàng thuốc lá trên lưng. Đây là những chiếc xe chở thuốc lá lậu từ biên giới vào TP HCM tiêu thụ. Rất nhanh chóng, đoàn xe gắn máy vội vã tấp vào một con hẻm nhỏ ven đường biến mất dạng. Chạy thêm một đoạn nữa, lại xuất hiện cảnh tượng tương tự. Dân buôn lậu thoắt ẩn thoắt hiện, họ đi từng tốp có tổ chức chặt chẽ, có lẽ người ta liên lạc với nhau bằng điện thoại di động để tránh sự kiểm tra truy đuổi của cơ quan chức năng.
Đến khu vực ngã ba từ Đức Hòa rẽ đi Đức Huệ, nghe tiếng xe máy gầm rú phía trước nhưng đến nơi chỉ kịp nhìn thấy đám bụi mịt mù do một đoàn xe gắn máy để lại trên đường. Anh Nguyễn Văn T., một cư dân sống tại Đức Huệ, cho biết "Những người chở hàng lậu chủ yếu là vận chuyển thuê (người ta thường gọi là dân đai hàng). Ở đây, ngoài thời vụ làm nông, người người, nhà nhà tham gia đai hàng lậu để kiếm tiền công. Tuy số tiền không nhiều, thậm chí có thể gặp nguy hiểm, nhưng người ta chấp nhận vì ở quê không có công việc gì khác".
Theo Cục Hải quan Tây Ninh, tình hình buôn lậu qua biên giới trong tháng 2 tại khu vực cửa khẩu Xa Mát (huyện Tân Biên) và khu kinh tế thương mại công nghiệp Mộc Bài khá phức tạp. Tình hình buôn lậu xăng dầu có chiều hướng tăng mạnh ở khu vực cửa khẩu Xa Mát. Do bị kiểm soát gắt gao, dân đai hàng dùng thủ đoạn “chẻ nhỏ” chiết xăng dầu vào từng can nhựa 30 lít rồi dùng xe máy vận chuyển theo các đường mòn dọc biên giới. Họ vận chuyển chủ yếu vào ban đêm.
Ngoài ra, theo nhận định của Hải quan Tây Ninh, diễn biến buôn lậu trong tháng 3 sẽ có chiều hướng tăng do hàng nông sản phía Campuchia vào vụ mùa. Các mặt hàng như đậu nành, khoai mì (sắn)... sẽ thu hút các đối tượng buôn lậu. Điển hình là ngày 6/2, tại khu vực Tầm Phô, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, Tây Ninh, Đội kiểm soát Hải quan Tây Ninh phối hợp Đồn Biên phòng 819 và Công an Tây Ninh bắt giữ đến 8 vụ nhập khoai mì lát khô với trọng lượng 75 tấn, trị giá hơn 110 triệu đồng.
Tối 22/2, Theo chân anh Trần Văn K., một “thổ địa” ở gần đường biên Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An). Trời tối như bưng nhưng phía đường biên vẫn còn ánh sáng đèn từng quãng, từng quãng một hắt ra như khu vực nhà dân đông đúc. Anh K. giải thích đó là ánh đèn xe của dân đai hàng khu vực cánh gà cửa khẩu. Theo lời anh K. thì dân ở khu vực này thường sống bằng nghề đai hàng lậu. Ai thuê gì cũng đai, chủ yếu vận chuyển vào ban đêm.
Một cán bộ của Trạm Liên hiệp (chống buôn lậu) Mỹ Quý Tây cho biết, hiện nay, một số đối tượng buôn lậu xe gắn máy đã tìm lên tận khu vực này để thuê mướn những cư dân biên giới vận chuyển xe gắn máy gian qua biên giới. Đây là những xe gắn máy bị ăn cắp ở TP HCM. Mỗi xe được đưa từ TP HCM qua cửa khẩu Mỹ Quý Tây, người đai hàng được trả công từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. Chính vì món lợi này mà người dân biên giới đã tiếp tay cho kẻ gian. Chỉ trong tháng 2, Trạm Liên hiệp Mỹ Quý Tây đã bắt giữ 3 vụ vận chuyển và thu 5 xe gắn máy gian định chuyển qua biên giới.
Một thành viên trong lực lượng chống buôn lậu cho biết, xử lý những người buôn lậu ở đây rất khó. Khi thấy lực lượng chống buôn lậu là họ “bỏ của chạy lấy người”. Không có tang chứng, vật chứng làm sao xử lý. Hàng gian, hàng lậu quăng ra đó nhưng không ai nhận. Nhiều trường hợp dân đai hàng và buôn hàng lậu lấy hàng trước trả tiền sau cho phía bạn hàng bên Campuchia, nên khi mất hàng lại phải tiếp tục buôn lậu để có tiền trả nếu không muốn bị “xử đẹp”. Và cái vòng luẩn quẩn cứ đến với nhiều cư dân biên giới, nghèo lại nghèo thêm và... phải buôn lậu.
(Theo Người Lao Động)