Tham gia buổi tọa đàm "Bớt sắc tố và các phương pháp điều trị" vào chiều 5/9, TS. BS Vũ Huy Lượng - Trưởng khoa Laser và săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương, chia sẻ những vấn đề liên quan tới bớt sắc tố và các phương pháp chữa trị hiệu quả.
Bớt sắc tố là gì?
Theo bác sĩ Huy Lượng, bớt sắc tố là một nhóm bệnh lý sắc tố, trong đó có sự tăng sinh của các tế bào sắc tố. Biểu hiện lâm sàng là các mảng sắc tố màu nâu, nâu đen, đen hoặc đen ánh xanh. Bớt sắc tố được chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất là bớt sắc tố đơn thuần, không đi kèm rối loạn chức năng của các cơ quan khác, chỉ là một đám tế bào bất thường có thể sinh ra từ trong bào thai hoặc trong quá trình phát triển của cơ thể dưới tác động của các yếu tố môi trường. Nhóm thứ hai là bớt sắc tố nằm trong các hội chứng di truyền. Nguyên nhân của các hội chứng này liên quan tới đột biến gen, biểu hiện không chỉ ở đám sắc tố bất thường mà còn ở các cơ quan nội tạng khác.
Trong y khoa, có hai cách phân loại bớt sắc tố chính. Thứ nhất là phân loại theo vị trí giải phẫu bệnh, tức đám tế bào sắc tố bất thường đó có thể nằm ở thượng bì, trung bì hoặc hỗn hợp (nằm cả ở vùng trung bì lẫn thượng bì). Cách phân loại thứ hai là bớt sắc tố bẩm sinh - sinh ra đã có và mắc phải - hình thành do tác động của môi trường hoặc trong quá trình phát triển.
Phương pháp loại bỏ bớt sắc tố
Chia sẻ về cách nhận biết các loại bớt sắc tố đơn thuần hay bất thường, bác sĩ cho biết bớt sắc tố đơn thuần thường có số lượng ít và nhỏ. Còn bớt sắc tố bất thường sẽ có kích thước lớn, số lượng nhiều, xuất hiện nhiều loại bớt trên cùng một cơ thể và kèm theo một số biểu hiện như: trí tuệ chậm phát triển, u nhú lành tính trên da...
Trước đây, để loại bỏ bớt sắc tố, bác sĩ thường thực hiện phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn mảng tối màu nhưng phương pháp này dễ để lại sẹo, thiếu tính thẩm mỹ, đặc biệt là ở vùng mặt. Sau đó, khi y học phát triển hơn, laser xuất hiện, phương pháp mới này được sử dụng để loại bỏ những mảng da tối màu bất thường. Phương pháp laser sử dụng nhiệt để "làm bay" các tế bào cần loại bỏ. Nhưng nhược điểm của laser ở thời điểm sơ khai này lại gây tăng sắc tố rất mạnh. Ngoài loại bỏ các tế bào sắc tố bất thường, các tia sáng còn kích thích những tế bào melanin bình thường của cơ thể, dẫn tới tăng sắc tố.
Với công nghệ y học hiện đại, các nhà khoa học tiếp tục phát triển laser đặc hiệu sắc tố. Các bước sóng của laser khi phát ra sẽ hấp thu chọn lọc những tế bào chứa sắc tố màu đen ở mức cao nhất, giúp phá hủy sắc tố nhưng không phá hủy tế bào lành và cấu trúc da bình thường xung quanh. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn tạo ra lượng nhiệt nhất định lan ra các tế bào lành ở xung quanh. Do đó, về mặt lý thuyết, nó vẫn gây biến chứng ở mức độ nhẹ.
Khoảng 10 năm trở lại đây, y học tiếp tục phát triển laser pico với thời gian phát xung tia năng lượng siêu ngắn, có khả năng phá hủy tế bào sắc tố mạnh hơn mà hầu như không lan tỏa nhiệt ra xung quanh, các tế bào lành ít bị ảnh hưởng hơn nên ít nguy cơ biến chứng hơn.
"Hầu hết bớt sắc tố hiện tại đều được xử lý bằng phương pháp laser pico. Chúng ta đã đạt được thành công ngoạn mục trong một thập niên vừa qua", bác sĩ Huy Lượng nói.
Khi được hỏi về thời điểm thích hợp để điều trị bớt sắc tố, vị bác sĩ cho biết có thể điều trị từ khi trẻ một tháng tuổi trở lên. Theo ông, bớt sắc tố dễ gây ra những rối loạn tâm lý khi trẻ bắt đầu nhận thức được xấu - đẹp. Việc loại bỏ sớm sẽ giúp các con tránh bị ảnh hưởng tới tâm lý lẫn thẩm mỹ. Bên cạnh đó, da của trẻ em có tỷ lệ nước lớn hơn nhiều so với người lớn và độ dày lớp thượng bì cũng mỏng hơn nên khả năng đâm xuyên của tia laser đi qua sẽ tốt hơn rất nhiều, điều trị sẽ đáp ứng tốt hơn.
Liệu trình điều trị
Về quá trình điều trị, thông thường, với bớt sắc tố có chỉ định điều trị bằng laser, bệnh nhân sẽ đến phòng khám (bệnh viện) một tháng một lần; một số loại bớt đặc biệt có thể 3 tháng mới tới một lần. Với bớt sắc tố thượng bì, chỉ sau 1- 2 lần là màu sắc đã nhạt đi rất nhiều. Còn với bớt sắc tố trung bì hoặc hỗn hợp sẽ cần nhiều lần điều trị hơn, phải từ 3 đến 4 lần, người bệnh mới thấy rõ hiệu quả.
Trước khi bác sĩ tiến hành bắn laser, bệnh nhân sẽ được bôi tê (hiếm khi phải tiêm tê) khoảng 30-45 phút. Sau laser, người bệnh được xịt lạnh hoặc đắp mặt nạ lạnh tại chỗ để làm dịu tổn thương. Ngoài ra, bác sĩ còn kê thuốc ức chế các tế bào sắc tố hoạt động sau những ngày đầu bắn laser. Người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với tia tử ngoại; không nên chà sát mạnh vào da, tắm rửa nhẹ nhàng.
Bác sĩ Lượng khẳng định laser chỉ là một chùm tia sáng, ánh sáng cường độ cao, hoàn toàn không phải phóng xạ, không gây ra biến chứng toàn thân hoặc xâm nhập vào cơ thể. Vùng da được bắn laser sẽ chỉ hơi đỏ hoặc xuất hiện vài chấm xuất huyết nhỏ. Sau khi về nhà, tổn thương sẽ nề nhẹ trong vòng 3-5 ngày, người bệnh có thể sinh hoạt bình thường.
Trường hợp không nên sử dụng laser gồm: bệnh nhân có cơ địa nhạy cảm với ánh sáng; vùng định bắn laser có những bất thường (viêm nhiễm, trầy xước...); những người chuẩn bị có kế hoạch hoạt động ngoài trời, tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, ra mồ hôi nhiều; và cuối cùng là phụ nữ mang thai.
"Hầu hết bớt sắc tố là lành tính, không ảnh hưởng đến sức khỏe, chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ và tâm lý. Chỉ một tỷ lệ rất nhỏ nằm trong hội chứng di truyền. Do đó, nếu trẻ nhỏ có các bớt sắc tố, cha mẹ không nên quá hoang mang và nên đưa con tới thăm khám bởi các bác sĩ da liễu", vị bác sĩ chia sẻ.
TS.BS Vũ Huy Lượng có hơn 10 năm kinh nghiệm điều trị các vấn đề liên quan tới da liễu. Ông tốt nghiệp bác sĩ Đa khoa, Đại học Y Hà Nội năm 2008. Năm 2011, ông hoàn thành khóa học bác sĩ nội trú khóa 33, chuyên ngành Da liễu, Đại học Y Hà Nội. Năm 2018, ông trở thành tiến sĩ y khoa chuyên ngành Miễn dịch da liễu tại Nhật Bản. Bác sĩ Lượng công tác tại Bệnh viện Da liễu Trung ương từ năm 2018 đến nay.
Độc giả xem lại talk tại đây
Hải My
"Beauty Talk" do chuyên trang Ngoisao.net và Tập đoàn Dược mỹ phẩm châu Âu (EUPC Group) phối hợp tổ chức. Chương trình gồm 15 tập, phát sóng mỗi tuần một tập. Qua từng tập, người xem sẽ có được những kiến thức chuyên môn bổ ích về chăm sóc sức khỏe làn da, làm đẹp, với sự tư vấn của các chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm đang làm việc tại các bệnh viện đầu ngành ở Việt Nam hiện nay. |