|
Lễ hội khai mạc sáng 2/12 tại sân đua bò chùa Thơm-mít, ấp Vĩnh Tây, xã Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên, An Giang). Đây là lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ. |
|
Sau tiếng còi của trọng tài, cuộc đua chính thức bắt đầu. |
|
Các bậc lão làng kể rằng thời xa xưa, đua bò được coi như một loại hình thể thao mang tính lễ tục nhằm rèn luyện thân thể, đòi hỏi người tham gia phải có thể lực cường tráng, nhanh nhẹn và mưu trí mới có thể điều khiển được đôi bò dũng mãnh và chạy nhanh như vũ bão. |
|
Hàng năm, người Khmer có hai lần ăn tết lớn: Tết Chol Chnam Thmay (giữa tháng 3 Âm lịch) và Tết Dolta (vào đầu tháng 9 Âm lịch). Vào dịp Tết Dolta, người dân địa phương tổ chức nhiều cuộc vui chơi giải trí, đặc biệt được mong chờ nhất vẫn là lễ hội đua bò. |
|
Trước kia, lễ đua bò chỉ diễn ra giữa phum sóc này với phum sóc kia, ai thắng sẽ được các lục cả khen thưởng. |
|
Thời ấy, bà con đưa bò vào ách để đua trên cạn, lộ trình từ đầu làng đến cuối làng. Sau này mới chuyển sang đua dưới ruộng nước bằng hình thức kéo bừa. |
|
Từ năm 1992 đến nay, chính quyền địa phương đã đưa hội đua bò thành lễ hội truyền thống, lấy tên là Hội đua bò Bảy Núi. |
|
Từ đó đến nay, cuộc đua bò luôn cải tiến và thay phiên tổ chức hằng năm tại 2 huyện miền núi Tịnh Biên và Tri Tôn. |
|
Theo điều lệ, người tham gia cuộc chơi phải trải qua một vòng “hô” và một vòng “thả”. Người điều khiển bò phải là người có thể lực tốt, nhiều kinh nghiệm và giàu bản lĩnh mới có thể vượt qua những vòng đua đầy cam go và thử thách. |
|
Cuộc tranh tài thu hút hàng nghìn người xem. |
|
Ở cự ly dưới 100m, bò và “tài xế” lao về đích với tốc độ “thần tốc”. |
|
Người chiến thắng không những mang vinh quang về cho gia đình, cho phum sóc mà còn coi đó là “lộc trời” dành cho địa phương nên ai cũng phải gắng hết sức giành chiến thắng. |
Gia Bảo