Năm 2014, bóng đá Việt Nam từng lên cơn sốt với “bộ tứ huyền ảo” của U19 Việt Nam là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường và Đông Triều. Cả 4 cầu thủ trẻ có lúc được xem như “báu vật” và trở thành nguồn cảm hứng để các họa sĩ cho ra đời bộ truyện tranh bóng đá Việt Nam đầu tiên. Nhưng khi “lên lớp” với thầy mới Miura, các cầu thủ gần như mất hút hoặc rất chật vật khẳng định mình.

Công Phượng tỏ ra thích nghi tốt nhất với chiến thuật của HLV Miura. Ảnh: TN.
Trong bộ tứ, HLV Miura chỉ để ý đến ba cái tên là Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường. Trường hợp của trung vệ Đông Triều, anh không lọt vào tầm ngắm của vị HLV người Nhật. Chấn thương liên miên chỉ là một phần nguyên nhân. Tuy đã trở lại và ghi bàn rất đẹp từ cú sút phạt, Triều vẫn phải về quê nghỉ ngơi. Ngoại hình có phần nhỏ con là nguyên nhân khiến anh không được gọi do HLV Miura thích mẫu hậu vệ to lớn. Đã có vài ý kiến khuyên Triều nên đá vị trí khác ở hàng tiền vệ.
Xuân Trường từng được HLV Miura triệu tập nhưng chấn thương khiến anh chưa có trận đấu nào dưới thời người thầy mới. Nhưng theo nhiều chuyên gia, với quan điểm xây dựng lối chơi hiện nay của U23, Trường có khỏe mạnh cũng khó chen chân vào đội hình chính. Tuấn Anh có thể là “tấm gương” để Xuân Trường - cựu đội trưởng U19 Việt Nam soi mình.
Tuấn Anh là mẫu tiền vệ rất tài hoa. Tuy nhiên khi “lên lớp”, hiện nay anh lạc lõng trong cách chơi mà ông Miura xây dựng ở U23. Vị trí trung tâm hàng tiền vệ thuộc về Hoàng Thịnh, Huy Hùng, tiếp theo là Duy Mạnh, Hữu Dũng, thậm chí vài gương mặt khác ở hàng phòng ngự như Thanh Hiền vẫn được dùng thay vì Tuấn Anh. Cách chơi bóng phản công, ưu tiên dùng cầu thủ mạnh về sức mạnh tranh chấp khiến Tuấn Anh phải làm quen với ghế dự bị dưới thời ông Miura.
Cái tên còn lại là Công Phượng khá nhất dưới thời HLV Miura. Anh vẫn chưa thực sự có vị trí trong tổng thể cách chơi của HLV 52 tuổi và còn bị nhắc nhở rất nhiều về cách chơi rườm ra. Mũi nhọn duy nhất ở U23 dường như ông Miura đang “ướm” cho Mạc Hồng Quân, với sự hỗ trợ từ hai cánh của Huy Toàn, Ngọc Thắng. Tuy nhiên, Phượng cũng là mẫu tiền dạo ông Miura cần để tạo nên sự đột biến, từ những đường chuyền đến những tình huống dứt điểm.

HLV Miura tỏ ra thích nghi nhanh với bóng đá Việt Nam. Ảnh: TN.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương không ngạc nhiên khi 4 cầu thủ này của HAGL chưa thể khẳng định mình: “Công Phượng, Tuấn Anh và các cầu thủ khác của HAGL chỉ mới kết thúc một quá trình đào tạo và bắt đầu bước vào giai đoạn trưởng thành. Ở học viện, họ đào tạo từng cầu thủ chứ không phải đào tạo ra một đội bóng. Vì vậy, với kiến thức cơ bản có được sau 7 năm rèn luyện, họ ra trường và bước vào đời sống bóng đá.
Phát triển đến đâu lúc này lại còn tùy thuộc vào khả năng thích nghi của các cầu thủ với từng dạng chiến thuật. Tuấn Anh lạc lõng, Công Phượng chưa khẳng được mình ở U23 như khi còn ở U19 là không khó hiểu bởi cách chơi hai đội rất khác nhau. Phượng, Anh hay các cầu thủ khác của HAGL hẳn đã nhận ra vấn đề khi từ HAGL ra các môi trường khác. Vấn đề là các em có kịp thích nghi hay không. Công Phượng có vẻ đang dần thích nghi, còn Tuấn Anh cần thêm thời gian”.
Nhiều fan cho rằng, chính cách chơi mà HLV Miura đang xây dựng đã “bỏ phí” tài năng của Công Phượng, Tuấn Anh cùng cách chơi tấn công mà U19 từng thể hiện. Chuyên gia Minh Xương cho rằng “đây thuộc về quan điểm của từng HLV nhằm đạt được mục tiêu đề ra phù hợp với thực lực có trong tay. Bóng đá cũng như cuộc sống rất đa dạng chứ không chỉ có một con đường. HLV Miura là người Nhật và tỏ ra thích nghi rất nhanh với bóng đá Việt thì cầu thủ Việt cũng nên thích nghi với quan điểm của ông”.
Ngọc Hà