"Trong những ngày gần đây, luận án tiến sĩ năm 2010 của tôi bị bàn tán. Chính phủ, đảng của tôi và công chúng có quyền được biết rõ. Tôi quyết định xin thủ tướng rời nhiệm sở", bà Giffey, Bộ trưởng Bộ Gia đình Đức, kiêm thành viên đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và ứng cử viên chức thị trưởng thành phố Berlin, cho biết trong một thông cáo báo chí.
Bà Giffey, 43 tuổi, khẳng định đã viết luận văn "bằng tất cả khả năng và lương tâm của mình". Bà Giffey nói nếu trường quyết định thu hồi học hàm, bà sẽ chấp nhận.
Bộ Gia đình xác nhận đơn xin từ chức của bà Giffey đã được gửi đến Thủ tướng Angela Merkel. Mặc dù từ chức, bà Giffey vẫn có ý định chạy đua chức thị trưởng Berlin. Đảng của bà Giffey quyết định không bổ nhiệm bộ trưởng mới trước cuộc bầu cử quốc gia của Đức diễn ra vào 26/9.

Bà Franziska Giffey phát biểu trong một cuộc họp báo về kế hoạch hỗ trợ học sinh sau khủng hoảng Covid-19 ở thành phố Berlin, Đức, hôm 5/5. Ảnh: Reuters.
Các cáo buộc bà Giffey đạo văn nổi lên từ năm 2019. Đại học Tự do đã mở cuộc điều tra luận văn tiến sĩ năm 2010 về Ủy ban châu Âu, thuộc Liên minh châu Âu (EU), của bà và cảnh cáo "những vấn đề trong luận văn" nhưng không tước học vị.
Tháng 11 năm ngoái, đại học này xem xét lại quyết định sau khi bài viết của một chuyên gia làm dấy lên nhiều câu hỏi về việc liệu có nên chỉ cảnh cáo với một người đạo văn hay không. Trường đã kết thúc cuộc điều tra và cho bà Giffey thời hạn đến tháng 6 để đưa ra ý kiến.
Sự việc xảy ra với bà Giffey là vụ mới nhất trong chuỗi bê bối đạo văn có liên quan tới các chính trị gia cao cấp ở một đất nước, nơi học hàm tiến sĩ là một sự đảm bảo cho uy tín và cần thiết cho sự nghiệp chính trị.
Karl-Theodor von Guttenberg, người từng được xem là ứng viên tiềm năng thay thế Thủ tướng Angela Merkel, từ chức năm 2011 sau khi bị phát hiện sao chép một phần trong luận án tiến sĩ của người khác. Hai năm sau, Annette Schavan, Bộ trưởng Giáo dục khi đó, rời khỏi vị trí khi một trường đại học rút lại học hàm tiến sĩ của bà.
Bình Minh (Theo DW, Reuters)