
Thùy Minh "không quá bé, không quá mập, không quá gầy, không quá cao và cũng không quá thấp" nên mục tiêu học mà anh Nam hướng tới cho con khi bắt đầu vào lớp 1 là: không quá giỏi mà cũng không quá dốt. Ảnh: Facebook.
Tâm sự "Nói với con gái chuẩn bị vào lớp 1" của anh Nguyễn Thế Nam được chia sẻ rộng khắp mạng xã hội những ngày qua, kể từ khi đăng trên trang cá nhân hôm 24/8. Bài viết chứa đựng niềm vui của ông bố trẻ khi chứng kiến cô con gái Thùy Minh đến lớp cùng bạn bè, dù chưa khai giảng chính thức. Mục tiêu học mà anh hướng tới cho con khi bắt đầu những năm đèn sách: không quá giỏi mà cũng không quá dốt, đúng như ngoại hình "không quá bé, không quá mập, không quá gầy, không quá cao và cũng không quá thấp" của bé.
>> Bức thư bố gửi con gái sắp vào lớp 1
Bố Thùy Minh còn kể cho con nghe những gian khó thời thơ ấu khi mình không được đi học mẫu giáo và vào lớp 1 với "hai bàn tay trắng". "Thế mà, bố từng là học sinh chuyên Văn Quốc Học Huế hẳn hoi. Năm lớp 9, bố từng là một trong 10 bạn nằm trong đội tuyển dự thi học sinh giỏi Văn quốc gia của tỉnh", anh Nam viết.
Thay vì kín lịch với các lớp học viết chữ đẹp hay làm tính trước khi vào lớp 1 như phần lớn các em nhỏ hiện tại, tuổi thơ của anh Nam là "đầu đội trời (vì không có mũ che nắng), chân đạp đất". Thế nhưng bố Thùy Minh vẫn đều đặn đến kỳ lấy bằng, "nào tiểu học, nào trung học cơ sở, nào trung học phổ thông cho đến đại học". Từ kinh nghiệm thơ ấu của mình, ông bố này khuyên con gái, lớp 1 và suốt các năm tiểu học, con đến trường thì "học ít thôi, vui chơi là chính". Con cũng không cần phải còng lưng vì đèn sách, phải đặt mục tiêu viết chữ đẹp, phải cộng trừ nhân chia "nhoay nhoáy", phải nói tiếng Anh nhanh hơn tiếng Việt.
Chia sẻ về bức thư viết cho con gái, anh Nam cho hay, ở tầm tuổi anh, ai cũng sẽ nhìn lại tuổi thơ để biết cái gì là cần thiết và ở mức độ nào là vừa phải. Theo anh, tuổi của con quan trọng là học cách khám phá, nhìn nhận về cuộc sống, thay vì bị ép vào một khuôn khổ nhất định. Với Thùy Minh, con thường được bố mẹ dắt đi đây đó, cuối tuần về chơi với ông bà và cậu em gần ba tuổi.
"Ba tuổi thì đến trường chỉ ăn, ngủ là chính. 4 tuổi bắt đầu học múa, học thêm một số môn, còn 5 tuổi là vẽ... Ở cấp mầm non, gia đình phó thác cho các cô giáo và cũng hướng thêm cho con mang tính bổ trợ, thay vì đặt nặng phải học nhiều cho bằng bạn bằng bè", anh Nam nói.
Theo anh Nam, Thùy Minh là cô bé không nhút nhát và dễ hòa đồng với bạn bè. Bé thích xem hoạt hình và lúc nào cũng có thể ngồi xem. Tuy nhiên, khi bố mẹ bảo ngừng là con tự động dừng lại, không mè nheo hay phản ứng xấu. Buổi tối trước khi đi ngủ, vợ chồng anh Nam thường dành ra 30 phút trò chuyện với con về những điều trong ngày để bé rèn luyện trí nhớ và tạo thói quen tranh luận, phản biện.

Thùy Minh thường được bố mẹ đưa đi đây đó và cuối tuần về quê thăm ông bà và cậu em gần ba tuổi. Ảnh: Facebook.
Lý giải cho việc khuyên con chơi nhiều, học ít nhưng lại đăng ký cho con học trường công, anh Nam nói rằng vì muốn chọn trường gần nhà và đúng tuyến.
"Thùy Minh học mầm non ở trường tư, còn cấp một học trường công. Con chưa trải qua nên nếu nói bố mẹ không lo lắng là không đúng nhưng tôi nghĩ sẽ ổn thôi. Nhiều người sợ học trường công, nếu không đi học thêm trước, chưa chắc con theo nổi. Tôi lại nghĩ theo được hay không là do áp lực và kỳ vọng của phụ huynh", anh Nam khẳng định.
Ở trường mới, Thùy Minh được xếp vào lớp bình thường, không phải lớp chọn vì bố mẹ không "chạy". Ông bố hai con "thấy thật buồn cười" khi phụ huynh khác "dấm dúi cho nhà trường thêm chục triệu để con mình được xếp vào lớp chọn". Không những thế, họ còn "dấm dúi cho cô chủ nhiệm để con mình được chú ý hơn".
"Cứ như thế, cả cuộc đời của bố mẹ cứ dấm dúi theo con. Bố không làm thế đâu", anh Nam nói với con.
Anh cho biết, gia đình không mong ước và kỳ vọng nhiều, bởi con sẽ có một con đường để đi và bố mẹ là người bên cạnh để hỗ trợ con một phần.
Hà Phương