Trẻ 3-5 tuổi đang ở trong "giai đoạn vàng" để học hỏi về thế giới xung quanh nên cũng thích bắt chước theo các cử chỉ, hành động và ngôn ngữ của người lớn. Chị Lệ Anh có hai con ở quận Hoàn Kiếm cũng giống như nhiều bà mẹ khác, không ít lần phải "bấm bụng cười" khi chứng kiến các tác phong "bà cụ non" của con. Tuy nhiên, cũng chính vì đặc điểm phát triển này ở trẻ mà những người làm cha mẹ cần gương mẫu và lựa chọn cách ứng xử, lời nói kỹ càng hơn để không làm ảnh hưởng xấu đến trẻ. Lệ Anh kể lại nhiều câu chuyện thú vị mà từ đó, chị rút ra được kinh nghiệm cho chính mình khi chăm sóc, nuôi dạy các con.
Bắt chước cách nói của người lớn
Trong cách xưng hô hàng ngày, nhiều mẹ hay nói với bé theo kiểu: "Mẹ nói em nghe này", "Mẹ yêu em"... thay cho việc xưng hô mẹ-con. Đến lượt bé cũng bắt chước cách xưng hô này để nói với các thú cưng trong nhà như chó, mèo… hay thậm chí là đồ chơi búp bê, ô tô. Trường hợp nhà chị Lệ Anh, bé Na, 4 tuổi, còn xưng là chị của bạn gà và là mẹ của chú chim cu.
Tuy nhiên, nhiều lần, chị Lệ Anh cũng phát hoảng khi hai con xưng với nhau "mày-tao" hay bé lớn quát em: "Nín ngay, không được khóc". Rồi có lần, chị sai con lên gác mời bố xuống ăn cơm nhưng bé không lên mà chỉ đứng dưới nhà gào to: "Bố, xuống ăn cơm đê". Cả bố và mẹ lúc đó đều "giật mình" vì câu nói này của con nhưng ngẫm lại, chị Lệ Anh cho biết: "Con bé đã bắt chước mẹ khi gọi bố xuống ăn cơm và thực hành dập khuôn, máy móc. Vì vậy, khi gặp trường hợp này, bố mẹ cần phải giải thích cho con, lấy ví dụ cụ thể để con hiểu và tránh mắc phải những lỗi tương tự".

Trẻ em thường học theo rất nhanh các thói quen của bố mẹ. Ảnh minh họa: Ustc.
Là bản sao 'xịn'
Một lần đi làm về, chị Lệ Anh thấy bé Na và Mít đang ngồi ở bàn trang điểm của mình. Bé Na lấy son của mẹ bôi choe choét lên môi của mình rồi bôi cho cả cậu em trai. Giải thích cho điều này, bà mẹ hai con cho biết, do chị thường có thói quen trang điểm trước khi đi làm hay đi chơi nên lũ trẻ cũng bắt chước theo. Buổi hôm đó, chị Lệ Anh phải lập tức lau sạch mặt cho hai con và dặn các con không tự ý dùng đồ của mẹ khi chưa được mẹ cho phép.
Bọn trẻ nhà chị còn bắt chước kiểu bố "hắt-xì-hơi" rất to, cậu con trai cũng hay bắt chước kiểu bố lái ô tô khi chơi trò ô tô đụng ở công viên, còn con gái thì bắt chước kiểu mẹ hất tóc và buộc tóc… Chị Lệ Anh kể: "Có lần bố về muộn, con bé Na không chịu đi ngủ mà cứ hỏi mẹ tại sao bố chưa về. Khi bố về, nó ngồi bật dậy nói: 'Con biết ngay là hôm nay bố về muộn mà'. Sau lần ấy, bố cháu cũng phải suy ngẫm và hứa với con sẽ điều chỉnh giờ giấc để không bị về muộn như vậy".
Gọi điện thoại
Hầu hết các bé đều thích gọi điện thoại và hai bé nhà chị Lệ Anh cũng không phải ngoại lệ. Bà mẹ hai con kể lại câu chuyện của bé Na và không "nhịn" được cười. "Na thấy mẹ cầm điện thoại và trả lời: 'Alo, vâng, nhà em (ý nói đến bố của bé Na) không có nhà, để em về nhắn lại anh vừa gọi điện ạ'. Hôm sau, có tiếng chuông điện thoại, bé nhanh nhẹn chạy ra cầm máy và cũng bắt chước mẹ nói: 'Alo, vâng, nhà em không có nhà ạ' rồi dập máy luôn, trong khi đó 'nhà em' chính là bố của bé đang ngồi ngay đó còn chưa kịp nói câu nào". Hay lần khác, bé Na lại xin mẹ gọi điện cho bạn Tí, học cùng lớp mẫu giáo. Hai bạn "buôn" từ chuyện búp bê đến chuyện ô tô, xe tăng rồi đến chuyện nuôi chó thế nào, làm cho bố mẹ "đau bụng vì cười".
Lệ Thúy