Các hãng bay giá rẻ nước ngoài đang ngấp nghé thị trường VN. |
Cục Hàng không VN cho biết, hiện nay quy trình cấp phép bay rất đơn giản: sau khi ký Hiệp định Hàng không giữa hai Chính phủ, hãng hàng không được phía bạn chỉ định sẽ nộp đơn đến cục HKVN và sẽ được cấp phép bay nếu đáp ứng đủ điều kiện. Việc cấp phép không căn cứ vào loại hình hoạt động của hãng hàng không đó là hãng hàng không truyền thống hay giá rẻ.
Tính đến nay đã có hơn 20 hãng hàng không quốc tế có mặt tại VN, song hàng không giá rẻ là thị trường hoàn toàn bỏ trống. Nắm bắt nhu cầu của người dân, các hãng nước ngoài đang tận dụng thời gian nhanh chóng tiếp cận thị trường để đến thời điểm 2008, ASEAN thực hiện chiến lược “bầu trời mở” sẽ “đổ bộ” vào VN. Lúc đó chỉ cần thông báo trước, họ được quyền bay đến bất cứ sân bay nào.
Trong khi đó, các hãng hàng không VN dường như nằm ngoài cuộc đua. Hồi cuối năm ngoái, Ban giám đốc Pacific Airlines còn ấp ủ kế hoạch triển khai dịch vụ hàng không giá rẻ, bước đầu là cắt giảm chi phí và suất ăn chặng TP HCM - Đà Nẵng, tuy nhiên sau khi tái cơ cấu lại với các cổ đông và ban lãnh đạo mới, mục tiêu bay giá rẻ rất xa vời. Cục phó hàng không dân dụng VN kiêm Phó Chủ tịch lâm thời của Pacific Airlines Phạm Vũ Hiến khẳng định không có chuyện Pacific Airlines chuyển thành hãng hàng không giá rẻ. Lý do là PA thuê máy bay, phi công và mua nhiên liệu giá quốc tế thì khó có thể cắt giảm nhiều chi phí.
Trao đổi với VnExpress về xu hướng bay giá rẻ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm - cổ đông lớn nhất của Pacific Airlines tỏ ra dè dặt. Bà cho hay, hiện Hội đồng quản trị đặt ra rất nhiều phương án hoạt động cho hãng nhưng để quyết định đi theo hướng nào còn phải bàn thảo kỹ, trước mắt cứ để Pacific hoạt động bình thường trên các đường bay đang khai thác.
Vietnam Airlines được các chuyên gia trong ngành nhận xét có đủ điều kiện triển khai dịch vụ bay giá rẻ nhưng với ban lãnh đạo hãng, hoạt động này chưa có trong kế hoạch. Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Hiển nhận định đến 2007, VN mới đủ điều kiện để làm hàng không giá rẻ song để triển khai được còn phải nghiên cứu rất kỹ. "Hãng có thể giao cho một công ty trực thuộc cung cấp, tuy nhiên nói cụ thể hơn vào thời điểm này còn quá sớm", ông Hiển nói.
Đơn vị trực thuộc được hy vọng sẽ là Công ty bay dịch vụ hàng không (Vasco) nhưng đó mới là dự đoán của các chuyên gia trong ngành. Bởi từ tháng 5 tới, Vasco được bổ sung thêm chức năng kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa thay vì chỉ được hoạt động trung chuyển như hiện nay. Tuy nhiên, giá vé lại do Vietnam Airlines đề nghị và đang chờ Chính phủ phê duyệt để có thể bán ra từ tháng 4.
Theo một chuyên gia giàu kinh nghiệm của Tổng công ty hàng không VN, vé được coi là giá rẻ khi thấp hơn mức truyền thống ít nhất 30%. Muốn khai thác bay giá rẻ phải hội đủ nhiều điều kiện. Thứ nhất là nghiên cứu nhu cầu thị trường, với VN từ trước đến nay chưa có một nghiên cứu nào để có thể biết thị trường đó đủ lớn hay không. Điều kiện thứ hai là cơ sở hạ tầng của VN chưa mấy phù hợp, chẳng hạn số người dùng Internet thấp, phương thức thanh toán bằng thẻ tín dụng chưa phổ biến. "Ở các nước chỉ cần ngồi nhà bật máy mua vé rồi chạy ra sân bay đi liền", vị chuyên gia kể. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng hàng không như sân đỗ, nhà ga phục vụ cho các chuyến bay giá rẻ cũng có những đặc điểm khác bay truyền thống. Singapore chẳng hạn còn lập hẳn các nhà ga chuyên phục vụ hàng không giá rẻ với các quy trình thủ tục kiểm soát vé riêng.