Hơn 1.000 năm qua, người Bajau, được biết đến như "dân du mục trên biển", đã dần thay đổi gene để thích ứng với công việc lặn biển, The Sun trích dẫn công trình nghiên của của nhà khoa học Melissa Ilarrdo, Đại học Cambridge.
Các thành viên của bộ tộc này có thể lặn xuống độ sâu 70 m, chỉ với sự hỗ trợ của một đôi kính gọng gỗ. Họ có khả năng nhịn thở rất lâu và dụng cụ duy nhất được sử dụng để bắt cá là xiên.
Nghiên cứu của Melissa Ilarrdo cho thấy lá lách to hơn 50% người bình thường là yếu tố quan trọng giúp người Bajau tăng khả năng lặn sâu và thời gian nhịn thở.
Trước đây, họ thường ngao du trên khắp mặt biển Nam Á nhưng hiện người Bajau về cư ngụ cố định trên một vài hòn đảo của Indonesia. Nhà khoa học Illarrdo đã dành nhiều tháng ở cùng những ngư dân này để tìm hiểu về cuộc sống của họ.
Bộ tộc Bajau cũng chưa từng tổ chức cuộc thi lặn nên Illarrdo cho biết chưa có số liệu chính xác về việc họ có thể ở dưới nước lâu nhất bao nhiêu phút. Một thành viên bộ lạc từng kể với nhà khoa học nữ rằng ông này có lần đã lặn 13 phút.
Nghiên cứu về sự tiến hóa lá lách người Bajau của Illarrdo được đăng công bố trên tạp chí Cell. Ngoài chia sẻ cho thế giới biết về "người cá Bajau", kết quả của cuộc nghiên cứu còn có thể giúp các nhà khoa học hiểu được trình trạng thiếu oxy cấp tính, nguyên nhân hàng đầu gây biến chứng trong chăm sóc cấp cứu.