Là người yêu hoa và mê trồng trọt nhưng anh Anh Tuyên (Hà Nội) từng 2 lần thất bại khi trồng lan hồ điệp trước khi đúc rút được cách trồng lan trong môi trường nước (Full water culture - FWC). Anh kể lại lần thứ nhất trồng lan hồ điệp bằng đất nung, tưới nước bằng hệ thống phun sương nhưng cây vẫn héo và chết dần, lá non không mọc, mầm không lên, rễ cây phát triển. Lần thứ 2, anh Tuyên đổi mới cách trồng lan hồ điệp với vỏ thông và rêu. Kết quả là gần 20 cây bị thối rễ, lá xoăn, 6-8 cây chết, còn lại 12 cây... gật gù. Cuối cùng, sau khi áp dụng phương pháp FWC, 12 cây lan còn sót lại từ đợt trước nay đã lên xanh mơn mởn, mọc thêm 3-4 lá non và rễ mới xanh đều.
Anh Tuyên cho biết việc trồng lan trong nước có 2 phương pháp là SWC (một nửa nước, tức là 3 ngày trong nước 4 ngày khô) và FWC (tất cả các ngày trong nước". Anh chọn phương pháp FWC bởi sự tiện lợi và từng được nhiều người trên thế giới thử nghiệm thành công. Ông bố hai con chia sẻ kinh nghiệm trồng lan trong nước với mục đích giới thiệu thêm một cách trồng khác cho những người yêu thích phong lan hồ điệp - Nữ hoàng của các loại hoa.
Theo anh Tuyên, phong lan là loài sống bằng khí và nước. "Phong" là khí - các rễ cây phong lan có thể sống mà không cần giá thể, hoặc nếu có thì giá thể chỉ là phần bám gá vào các thân cây khác để cây cố định. Vì vậy, nguồn thức ăn của phong lan gần như tinh khiết. Điều này có thể là nguyên nhân chính để phong lan cho ra những bông hoa đẹp.
Những loại phong lan có thể trồng trong nước: hồ điệp, hồ điệp mini, đai châu, trầm, long tu, cattleya, dendro.
Để trồng phong lan theo phương pháp FWC, bạn làm theo các bước sau:
1. Dụng cụ:
- Một cây lan hồ điệp
- Một cốc nhựa trong suốt hoặc cốc thủy tinh
- Kéo
- Nhíp
- Một gói bông tăm, khăn giấy mỏng (khăn ăn dùng một lần)
- Một lọ oxy già, vôi dùng để ăn trầu
- Một lọ nước rửa bát
- Một cái bát nhỏ
- Một lọ cồn 90 độ, đĩa và bật lửa
2. Vệ sinh cây và dụng cụ cắt tỉa
- Đối với cây: Nhẹ nhàng loại bỏ sạch tạp chất khỏi rễ cây lan gồm các loại giá thể như rêu khô, vỏ thông, đất nung... Sau đó, bạn dùng bình xịt rửa sạch bộ rễ. Phần lá cây được lau sạch bằng khăn (Nếu cần, bạn có thể nhúng khăn sạch vào nước rửa bát pha loãng để lau lá lần nữa).
- Đối với dụng cụ cắt tỉa: Hơ kéo, nhíp trên ngọn lửa cồn để diệt khuẩn cho dụng cụ. Công đoạn này bạn có thể bỏ qua nhưng nếu cây đang bị bệnh thì có thể khi cắt tỉa sẽ lây nhiễm sang các bộ phận khác, cây khác.
3. Cắt tỉa lá, rễ hỏng
- Lá hỏng: Lấy kéo cắt những chiếc lá vàng úa, lá thối nhưng cố gắng để lại tối thiểu 2 lá xanh (xoăn, héo vẫn giữ được). Sau đó, dùng bông tăm nhúng vôi và bôi vào những vết cắt. Những lá bị thối nhũn nên dùng tay để bóc đến tận chân lá.
- Rễ hỏng: Những rễ bị thối hỏng thường có màu đen, nhũn. Dùng kéo hoặc nhíp loại bỏ hết đoạn thối nhũn, rồi lấy bông tăm nhúng oxy già bôi vào vết cắt. Phần rễ giữ lại trước tiên được làm sạch bằng dung dịch gồm 5 giọt nước rửa bát và một bát nước nhỏ, rồi nhúng toàn bộ rễ vào bát nước oxy già để diệt khuẩn.
Cây được cắt tỉa, vệ sinh xong sẽ để qua đêm cho khô ráo rồi mới đem trồng trong nước.
4. Bắt đầu trồng theo phương pháp FWC
- Lấy nước lọc (tốt nhất là nước lọc qua thiết bị để loại bỏ khuẩn amip, ecoli và các kim loại nặng; độ pH của nước tốt nhất là 5,5-6) vào cốc nhựa (ly thủy tinh) sao cho nước chỉ ngập 1/3 rễ cây. Bạn lưu ý tuyệt đối không để nước chạm vào thân cây vì điều này sẽ làm cho cây nhanh thối thân và chết.
- Đặt cây ở cửa sổ, nhiều ánh sáng, tốt nhất là cửa hướng Đông hoặc Tây vì lan hồ điệp ưa sáng.
5. Quan sát và theo dõi cây
- Một tháng đầu là thời gian vất vả hơn cả. Khoảng 2-3 ngày phải theo dõi sự phát triển của rễ cây và loại bỏ ngay rễ thối, lấy bông tăm nhúng nước rửa bát để lau phần đầu rễ bị cắt. Sau đó, bạn cũng cần rửa sạch rễ với nước, thay nước mới và bỏ cây vào lại. Trong thời gian này, bạn thay nước khi thấy nước đổi màu.
- Trong vòng một tháng, khi cây quen môi trường, các rễ mới mọc ra màu xanh và hướng xuống nước. Những cây thích nghi tốt sẽ có rễ xanh mọc dài ra và bám vào đáy cốc.
- Lá non mọc ra tức là bạn đã thuần chủng phong lan hồ điệp trong nước thành công. Lúc này, bạn cần bọn phân bón cho lá cây bằng cách nhúng khăn giấy vào phân bón dành riêng cho phong lan pha loãng rồi lau lên mặt trên và dưới của lá. Quy trình này lặp lại sau 15 ngày. Lưu ý, bạn không nên bón phân vào rễ cây vì nếu không tuân thủ đúng thời gian ngâm rễ trong phân bói, rễ cây sẽ bị "cháy", khiến cây bị chột và chết.
- Sau một tháng, việc chăm sóc cây rất nhàn: 1-2 tuần thay nước một lần, chỉ cần đảm bảo rễ không bị khô. Cây có thể sống hoàn toàn trong nhà và không cần bón phân.