Ông Hồ Văn Lang, có biệt danh "người rừng đời thực", qua đời hôm 6/9 ở tuổi 52 do bệnh ung thư gan, sau 8 năm rời bỏ cuộc sống rừng sâu trở về xã hội văn minh tại quê nhà ở huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.
Mới đây, một đoạn video ghi lại ấn tượng đầu tiên khi nhìn thấy biển và biểu cảm ngỡ ngàng lúc ngồi máy bay của Hồ Văn Lang được Alvaro Cerezo, một nhà thám hiểm và cũng là bạn ông, chia sẻ lên mạng xã hội. Video cho thấy đôi mắt của "người rừng đời thực" ánh lên vẻ thích thú khi ngồi trong cabin, ngắm nhìn bầu trời qua cửa sổ. Phần sau video, ông cười vui vẻ lúc đi dọc bãi biển, hào hứng chỉ tay khi những con sóng cứ liên tục xô vào bờ.
Câu chuyện cuộc đời đầy ấn tượng đã khiến Hồ Văn Lang nổi tiếng khắp thế giới. Tuy nhiên, Cerezo - người từng có một tuần sống cùng ông Lang trong rừng sâu - tin việc "phát hiện ra cuộc sống hiện đại" có thể gây ra cái chết cho "người rừng đời thực".
"Tôi rất buồn khi hay tin anh ấy qua đời. Nhưng với tôi, cái chết của Lang cũng là sự giải thoát bởi tôi biết anh ấy đã phải đau đớn nhiều những tháng qua. Anh ấy là người tuyệt vời, thật khó để quên Lang. Tôi sẽ nhớ tới anh mỗi ngày. Thực lòng, tôi không thích nhìn thấy anh ấy sống ở cuộc sống văn minh. Tôi luôn lo lắng cơ thể anh không thể thích nghi với sự thay đổi mang tính bước ngoặt đó. Lang đã dành cả đời sống trong rừng và trở về 'thế giới hiện đại', nơi anh ăn đồ chế biến sẵn và đôi khi còn uống rượu", Cerezo nói tháng trước sau khi hay tin Lang mất.
Cerezo quen Lang năm 2015 qua dự án với Docastaway - tổ chức giúp những người muốn thoát khỏi xã hội văn minh và dành vài ngày sống một mình trên đảo hoang. Trong một tuần sống chung, Cerezo dùng máy quay ghi lại những khoảnh khắc đẹp, xúc động và yếu mềm nhất của Lang, bao gồm khoảng thời gian ông ở trong rừng, thích nghi với cuộc sống hiện đại và trở lại thiên nhiên hoang dã. Cerezo thậm chí còn viết cuốn sách về cuộc đời Lang và biên tập một đoạn phim khi hai người sống với nhau một tuần ở rừng sâu.
Mô tả về người bạn của mình, Cerezo nói: "Anh ấy là người lôi cuốn nhất tôi từng gặp. Lang cũng ngọt ngào. Khi chúng tôi sinh tồn cùng nhau trong rừng sâu, những chuyện tôi mất hàng giờ làm được thì anh ấy chỉ mất vài giây. Anh ấy giống như một đứa trẻ với những kỹ năng của một siêu nhân".
Năm 1972, ông Lang được bố là ông Hồ Văn Thanh dẫn vào rừng trốn sau khi quân đội Mỹ thả bom khiến nửa gia đình, bao gồm mẹ ông, thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam. Năm 2013, hai cha con tiếp xúc lại với con người và tưởng rằng chiến tranh chưa kết thúc, khi họ đi vào một ngôi làng tìm trợ giúp về y tế cho ông Thanh. Từ đó, ông Lang dần làm quen với lối sống hiện đại. Nhưng vài người bạn của gia đình và giới quan sát tin những áp lực và chế độ ăn uống nghèo nàn của thế giới "văn minh" đã có những ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe ông.
Hướng Dương (Theo Mail)