- Ông đã đến với nghiệp chèo như thế nào?
- Khoảng những năm đầu thập niên 60, lúc ấy tôi là một trai làng sôi nổi, nhiệt tình tham gia các phong trào đoàn thể, là cây văn nghệ, đặc biệt mê các làn điệu chèo. Tôi cũng thường theo dõi chương trình dạy hát chèo lúc đêm khuya trên đài Tiếng nói Việt Nam.
Tự mầy mò học chèo vì đam mê, may mắn là mình được sinh ra trên đất chèo Thái Bình. Rồi đoàn Tổng cục chính trị về biểu diễn, thấy tôi cũng có chút năng khiếu nên họ nhận vào đoàn. Thế là tôi gắn bó với nghiệp chèo từ đó.
![]() |
Một cảnh minh hoạ tình huống trong Ở nhà chủ nhật |
- Vào nghề một cách tình cờ, ông đã gặp những khó khăn gì?
- Không được đào tạo bài bản, tôi phải nỗ lực để vừa làm vừa học, học theo kiểu truyền khẩu với các thày là các cây đa cây đề trong làng chèo, học tại chức ở trường để có thêm kiến thức. Mới đầu về đoàn, tôi nói ngọng, phải tập sửa mãi. Tôi kiên trì và quyết tâm sửa cho bằng được để làm nghề. Cứ đến bữa ăn, tôi viết những chữ mình thường nói ngọng ra bàn, ra sàn rồi úp bát lên chữ đó và tự vấn rằng đây là miếng cơm manh áo, là sự nghiệp cả cuộc đời của mình, rồi nhẩm đi nhẩm lại, sửa cho bằng được.
- Ông có thể nói gì về vai diễn đầu tiên trong điện ảnh?
- Đó chính là vai ấn tượng nhất của tôi cho đến nay, vai ông Mộc trong Chuyện nhà Mộc của đạo diễn Trần Lực. Gặp được vai đó cũng là cơ duyên, may mắn của tôi. Khi tác giả kịch bản Đỗ Chí Hùng và đạo diễn Trần Lực đang băn khoăn về việc tìm người cho vai ông Mộc thì được ông Trần Bảng, giám đốc nhà hát chèo giới thiệu tôi.
- Các vai diễn trong nhiều phim sau này thường bị so sánh với vai ông Mộc, ông nhận xét thế nào?
- Quả thực là tôi có tham gia nhiều phim tiếp sau, nhưng những vai diễn đó tôi chưa thực sự hài lòng, một phần vì nhân vật ít đất diễn, không như vai ông Mộc, một phần vì không có nhiều thời gian để chau chuốt cho vai diễn. Ví dụ như phim Hai Bình làm thuỷ điện chẳng hạn, lúc đầu tôi nhận đóng một vai phụ, đến gần lúc bấm máy, đạo diễn bàn lại, nhờ tôi đảm nhận vai chính, thành ra thời gian chuẩn bị không có.
- Ông có thể nói gì về các vai hề trên chiếu chèo và các vai hài trong điện ảnh?
- Các vai hề chèo, còn gọi là các vai diễu, thường là trong các tích chèo cổ nên rất thâm thuý, cười mà đau, phải ngẫm mới thấu, có tính ước lệ, cổ điển. Còn các vai hài trong điện ảnh ngày nay lại mang tính hiện đại, mang hơi thở của cuộc sống, đả kích những thói hư tật xấu, nên dễ hiểu, dễ xem. Đối với tôi, vào các vai hài trong điện ảnh cũng thuận lợi vì mình đã có sẵn tố chất của các vai hề chèo. Cả hai thể loại hài đó đều cần năng khiếu sẵn có.
- Tham gia đóng minh hoạ liên tục trong các chương trình "Ở nhà chủ nhật" thời gian qua, ông cảm thấy có điều gì thú vị?
- Không phải ai cũng có duyên để đóng được các tình huống đó, nhiều người đã thử nhưng không đạt. Đó là những tình huống rất đời thường, phải làm sao bật được sự vui vẻ, hóm hỉnh, cuốn hút. Tôi đóng cùng Quang Thắng rất hợp vì sự ăn ý, kẻ tung người hứng, Thắng có chất hài trẻ trung, sôi nổi, còn tôi lại có độ chín, sự điềm tĩnh hơn. Qua chương trình, chính mình cũng học được nhiều kinh nghiệm để áp dụng trong cuộc sống.
- Ông có những kỷ niệm vui nào khi tham gia đóng tình huống minh hoạ như vậy?
- Sau khi xem Ở nhà chủ nhật, có người tìm đến nhà tôi để hỏi kỹ thêm về những mẹo vặt trong cuộc sống đã đưa lên chương trình, tìm sách để đọc. Có người còn tìm tôi để... đăng ký dự thi, tôi phải hướng dẫn họ lên Đài truyền hình để đăng ký.
Cao Phan thực hiện