Chiều 22/6, ông Trương Quốc Khanh, Trưởng khoa Kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, cho biết: "Đến sáng 22/6, các bệnh viện trên địa bàn TP Đà Nẵng đã thống kê chính xác có 195 công nhân Công ty Dae Won Đà Nẵng bị ngộ độc thức ăn được đưa vào cấp cứu trong tình trạng nôn mửa, đau bụng, nhức đầu; có một số trường hợp nôn ra máu, hạ canxi máu co rút chân tay...".
Qua xác minh cho thấy, trưa 21/6, cơ sở dịch vụ dinh dưỡng Hiệp Thành tại tổ 33, khối phố Chơn Tâm, phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, do ông Phạm Văn Thành làm chủ, đã cung cấp cho Công ty Dae Won Đà Nẵng 730 suất ăn, trong đó 550 suất, thức ăn là cá nục chiên; còn 180 suất, thức ăn thịt lợn luộc và dưa giá. Tuy công nhân phát hiện thịt lợn luộc đã có mùi thiu, nhưng họ vẫn phải ăn cơm để tiếp tục ca chiều nên đã có 180 người bị ngộ độc, còn lại 15 công nhân khác ngộ độc là do ăn canh cải, cũng nấu bằng thịt lợn bị ôi thiu.
Kết quả xét nghiệm vi sinh, trong dưa giá có hàm lượng Natrisulfite (chất tẩy trắng). Natrisulfite là chất phụ gia dùng trong công nghiệp có hàm lượng kim loại nặng và các hóa chất độc hại còn tồn tại rất lớn. Tuy nhiên, những mẫu thịt lợn ôi thiu có chứa hàm lượng NH3 được xác định là nguyên nhân chính gây ra ngộ độc thức ăn tập thể đối với công nhân Công ty Dae Won Đà Nẵng.
Điều đáng quan tâm, Công ty Dea Won Đà Nẵng ký hợp đồng để cơ sở dịch vụ dinh dưỡng Hiệp Thành cung cấp bữa ăn trưa cho công nhân, nhưng thiếu trách nhiệm kiểm tra nơi chế biến thức ăn để đảm bảo VSATTP. Từ đó, ngoài việc sử dụng nước máy, cơ sở này còn sử dụng thêm nguồn nước giếng khoan bị ô nhiễm nặng để nấu, rửa thức ăn.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đã đóng cửa, rút giấy phép kinh doanh đối với cơ sở dịch vụ dinh dưỡng Hiệp Thành. Lãnh đạo Công ty Dae Won Đà Nẵng cũng cam kết chịu trách nhiệm thanh toán viện phí và hỗ trợ phục hồi sức khỏe cho số công nhân bị ngộ độc thức ăn.
(Theo Công An Nhân Dân)