Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu tích cực và chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) cho biết, bé được đưa đến bệnh viện trong tình trạng ngón giữa bàn chân trái sưng, thâm đen hoại tử và bầm máu lan rộng từ bàn chân lên đùi.
"Nếu nhập viện chậm hơn, khả năng bàn chân bị hoại tử và bị tháo khớp là rất cao", bác sĩ Tiến nói.

Vết rắn cắn dễ bị nghĩ nhầm với trầy xước nên bỏ qua không chữa trị. Ảnh: Thiên Chương
Theo người nhà, trước đó bé đi tiểu trong nhà tắm rồi bị ngã, người nhà phát hiện bàn chân trái của em bị sưng bầm nên nghĩ chấn thương phần mềm do té. Đến sáng hôm sau bé gái mới được đưa đến bệnh viện vì vết thương sưng to, lan rộng và bầm đen.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các xét nghiệm cho thấy bé bị rối loạn đông máu nặng. Nghi ngờ bệnh nhi bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn, các bác sĩ quyết định truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu.
Sau 6 giờ điều trị, chức năng đông máu cải thiện dần và trở về bình thường. Bệnh nhân được điều trị thêm oxy cao áp để phục hồi ngón giữa chân trái, không bị hoại tử tháo khớp.
Đây là trường hợp thứ hai trong tuần được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 cứu chữa. Cả hai bé đều bị rắn cắn ngay trong nhà. Trường hợp đầu tiên là một bé trai bị rắn lục đuôi đỏ cắn khi đang ngủ. Trước đó, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng cứu sống một trường hợp tương tự.
Qua một loại tai nạn trên, các bác sĩ khuyên phụ huynh nên chăm trẻ thật kỹ, lúc ngủ phải mắc mùng cẩn trọng. Riêng những gia đình sống ở nơi có cây cối, nên phát hoang bụi rậm hoặc phun thuốc diệt côn trùng.
Thiên Chương