![]() |
Cụ bà Jin Jifen vẫn là người nấu ăn và chăm soc cụ ông Yang Shengzhong hàng ngày. Ảnh: Xinhua |
Người ta dùng từ "bạc" để mô tả đám cưới 25 năm, đám cưới 50 năm là đám cưới "vàng", đám cưới 60 năm là đám cưới "kim cương". Tuy nhiên, chẳng có kim loại hay đá quý nào đủ quý giá để miêu tả cuộc hôn nhân của ông Yang Shengzhong và bà Jin Jifen. Cụ ông và cụ bà trăm tuổi này đã thành vợ thành chồng 90 năm nay và sống ở tỉnh Quý Châu hơn 100 năm qua.
Ông Yang và bà Jin sinh ra vào những ngày tàn của triều đại phong kiến cuối cùng ở Trung Quốc. Cả hai ông bà đã cùng chứng kiến những cuộc chiến tranh, nạn đói và những biến động chính trị trong lịch sử đất nước.
"Tôi may mắn không bị bắt và tham gia chiến tranh, tôi vẫn còn nhớ nạn đối những năm ấy", China daily dẫn lời ông Yang.
Cuộc sống của hai ông bà với đứa con út bây giờ thật yên bình. Ông Yang đã 109 tuổi, còn bà Jin 106 tuổi, nhưng vẫn khỏe mạnh và tự cày bừa, trồng trọt rau củ cho bữa ăn hàng ngày. "Mọi người sống để làm việc và cuộc sống không thể tiếp diễn nếu không có lao động", bà Jin nói khi đang chuẩn bị bữa trưa. Bữa ăn hàng ngày của họ có cơm, rau và thịt lợn.
Cụ ông Yang kể rằng chuyến đi vĩ đại nhất mà hai ông bà đi cùng nhau là chuyến tàu đến thăm con gái ở tỉnh Hà Bắc, phía bắc Trung Quốc. "Chuyến tàu kéo dài một ngày một đêm nhưng chúng tôi được ở bên nhau. Thật tuyệt vời!", ông Yang nhớ lại.
Đôi vợ chồng già bị lãng tai và yếu mắt. Họ ít khi trò chuyện với nhau nhưng mọi giao tiếp đều thông qua ánh mắt và cử chỉ. 90 năm làm vợ chồng, ông Yang và bà Jin chưa bao giờ nặng lời với nhau, chỉ trừ một số cãi vã nhỏ những ngày đầu sống chung.
"Tôi cưới ông Yang lúc 16 tuổi. Ông ấy đối tốt với tôi vì thế tôi tự nhủ rằng đây là người đàn ông mà tôi sẽ trao trọn cả đời mình", cụ bà xúc động kể. Ngày trước ở Trung Quốc, chuyện hôn nhân đại sự của con cái luôn do cha mẹ sắp đặt. Những tình cảm giữa cô dâu và chú rể chỉ bắt đầu khi họ làm đám cưới, nhìn thấy mặt nhau lần đầu.
Ông Yang cũng bày tỏ sự tình yêu và sự trân trọng với người vợ trăm tuổi của mình. "Bà ấy đã chăm sóc tôi cả cuộc đời và bây giờ vẫn là người nấu cơm cho tôi hàng ngày".
Đôi vợ chồng già tự hào được nhìn thấy cả 5 thế hệ của gia đình sum vầy đông vui vào dịp Tết. Họ tin rằng chìa khóa để trường thọ chính là lao động mỗi ngày. Lao động giúp giữ hòa khí gia đình và lòng biết ơn.
Môi trường tự nhiên trong lành và nguồn nước sạch cũng là yếu tố làm tăng tuổi thọ ở Quý Châu, các chuyên gia địa phương cho biết. Theo các số liệu chính thức, xã Pingta nơi ông bà Yang đang sống có 6 người trên 100 tuổi, trong đó người già nhất là một cụ bà 111 tuổi. Sự tương đồng giữa các cụ ông và cụ bà sống thọ là tâm hồn thanh thản, chế độ ăn uống đơn giản và có con cái chăm sóc, Hội người cao tuổi Trung Quốc cho biết.
Anh Ngọc