Khác với Tiến Minh cũng như hầu hết tuyển thủ xuất sắc khác ở môn cầu lông, tay vợt sinh năm 1992 không được phát hiện, đào tạo bàn bản. Cô xuất phát từ một “lò” cầu lông cấp thôn. HLV đầu tiên của Trang là một ông thầy nghiệp dư - Phạm Văn Vũ, người mở một CLB tại gia ở thôn Cầu Chinh (Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang) ngay từ những năm 1990 vì đam mê và muốn thúc đẩy phong trào.
Năm 7 tuổi, Trang được bố đưa sang “lò” thầy Vũ xin tập cốt để vui khỏe. Chỉ qua hai năm dưới sự dẫn dắt của ông thầy tận tâm, lại có tố chất và sự nỗ lực, cô gái nhỏ nổi lên như một nhân tố mới, rồi được tuyển thẳng vào lên tuyến năng khiếu của tỉnh. Cũng kể từ đó, Trang liên tiếp tạo nên những bước thăng tiến ngoạn mục, qua các cột mốc sáng giá như giành HC đồng Olympic trẻ, HC đồng SEA Games 27 và 28 và giờ là một suất Olympic. Thành công của tay vợt quê Bắc Giang chứng tỏ ông thầy nghiệp dư ở “lò” cấp thôn mang lại cho cô nền tảng ban đầu tốt như thế nào.
Vũ Thị Trang và chị gái là trường hợp hiếm hoi của quần vợt Việt Nam khi cả hai đều là tuyển thủ quốc gia. Vũ Thị Hải Yến, chị gái của Trang, cũng nhiều năm là tay vợt nữ hàng đầu Việt Nam, sở trường về đánh đôi cách đây chục năm. Hải Yến cũng có hành trình phát triển giống em gái, bắt đầu từ “lò” của thầy Vũ, chỉ có điều không thành danh như Trang, một phần vì ở thời của mình, cầu lông chưa có nhiều điều kiện, cơ hội để được đầu tư vươn ra quốc tế.
Người đồng đội thân thiết nhất, đối tác đánh cặp lý tưởng nhất của Trang cũng là một cô bạn cùng thôn Nguyễn Thị Sen. Nhà chỉ cách nhau mấy trăm mét, Trang và Sen gắn bó với nhau kể từ khi rủ nhau sang “lò” thầy Vũ tập cho đến tận bây giờ khi đều là tuyển thủ quốc gia. Với bộ đôi này, từ nhiều năm nay, Bắc Giang thống trị tuyệt đối cầu lông Việt Nam ở tất cả nội dung của nữ (đồng đội, đôi và đơn).
Với việc Liên đoàn cầu lông thế giới (BWF) vừa kết thúc việc tính điểm tích lũy và xếp hạng, Vũ Thị Trang và bạn trai Tiến Minh chính thức giành suất dự tranh Olympic 2016. Theo đó, nàng là tay vợt nữ thứ 25 trong 38 người có mặt ở Brazil, còn vị trí thứ 32 trên bảng xếp hạng đơn nam cũng giúp chàng đứng thứ 17 trong 38 tay vợt nam dự tranh Olympic. Ngày 9/5, ban tổ chức sẽ gửi thông báo tới cầu lông Việt Nam cùng hai tay vợt.
Với Tiến Minh, anh sẽ trải qua kỳ Olympic cuối cùng và có sự đồng hành của bạn gái. Giải đấu trên đất Brazil sẽ là dấu ấn khó quên đối với bộ đôi mà trong nhiều năm luôn sát cánh bên nhau đều luôn cố gắng duy trì tình trạng “yêu... giấu”.
Ngay từ trước khi Minh - Trang nhận vé, ngành thể thao lên một kế hoạch đầu tư chuyên biệt nhằm giúp họ chuẩn bị tốt nhất cho Olympic. Bộ đôi sẽ dự tranh hai giải quốc nội, ba giải quốc tế, trước khi có chuyến tập huấn hai tháng tại một trung tâm cầu lông hàng đầu của Nhật Bản.
Nếu như mục tiêu của Trang trong lần đầu dự Olympic chỉ là vượt lên chính mình, thì Tiến Minh đang hạ quyết tâm phải lọt vào top 16, một thử thách lớn khi anh không thuộc nhóm được xếp hạt giống và không còn ở đỉnh cao phong độ của một tay vợt từng đoạt HC đồng thế giới, đứng trong top 5 thế giới.
Thư Minh