![]() |
Văn phòng luật sư bung ra như nấm. |
Trong hoạt động tư pháp hiện nay, vai trò của luật sư (LS) là không thể thiếu. Bởi vậy, người ta chứng kiến sự ra đời "như nấm" của hệ thống văn phòng luật sư (VPLS) và kéo theo đó là không ít những bi kịch "dở khóc dở cười" dành cho các thân chủ.
Nguyễn Thị Dương, đương sự trong một vụ án dân sự tranh chấp đất đai cho biết: qua thông tin trên báo chí, bà tìm đến nhờ LS Hà bảo vệ cho bà tại phiên tòa. Lần nào đến VPLS làm việc bà cũng đều được LS Hà tiếp đón ân cần nên bà "chắc mẩm trong bụng" là mọi việc suôn sẻ và cũng không quan tâm đến những "giao kèo" gì khác. Nhưng 1 tuần trước ngày diễn ra phiên xử, bà được thông báo rằng người tập sự của LS Hà sẽ ra tòa tranh cãi chứ không phải LS Hà. "Việc đó giống như giao sinh mạng cho một bác sĩ tập sự mổ nên tôi không chịu và một mực yêu cầu cho được LS Hà ra tòa, khi đó mới té ngửa ra là muốn nhờ vị LS ấy thì chi phí phải gấp đôi số tiền đã đưa", bà Dương nói.
Do tính chất công việc của LS phần lớn phụ thuộc vào lịch xét xử của tòa, nên đôi khi LS cũng phải chạy "show" hoặc buộc LS phải chọn lựa 1 trong những vụ việc trùng ngày trùng giờ mà mình đã nhận. Nhưng cách hành xử của một số LS đã làm giảm uy tín của giới LS.
Anh Phan Hoàng Nam kể: hôm trước, có người nhà ở quê lên nhờ anh tìm giúp một LS để bào chữa cho con trai phạm tội "cướp giật tài sản". Vốn quen biết nhiều nên anh giới thiệu LS Quỳnh. Vị này nhận lời với chi phí "ưu đãi" 3 triệu đồng. Vụ án được đưa ra xét xử tại TAND quận Tân Bình, nhưng một tình huống trớ trêu khiến anh phải "nhớ đời".
Hôm ấy phiên tòa khai mạc nhưng chẳng thấy tăm hơi LS Quỳnh đâu cả, điện thoại thì... "ngoài vùng phủ sóng". Chỉ đến khi Hội đồng xét xử thông báo rằng LS Quỳnh không đến được "nhưng có gửi trước cho tòa bài bào chữa" thì mọi người mới sững sờ. Đơn giản vì ai cũng biết rằng nếu LS không có mặt tại tòa để theo dõi diễn biến phiên xử thì những lời bào chữa "chay" cũng trở nên rất khôi hài.
Đã không may mắn lại còn mang nhiều hậm hực là trường hợp của chị Nguyễn Thị Anh Phương, nguyên đơn trong một vụ tranh chấp di sản thừa kế. Thấy bên bị đơn thuê LS nên chị cũng chạy tìm LS. Rồi theo sự giới thiệu của những người quen biết, chị tìm đến LS Thức. Ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên vị LS này đã ra giá thẳng rằng "vụ này phí là 5 triệu, khỏi bàn cãi". Chị Phương gom góp đủ 5 triệu đồng nộp cho LS và "yên tâm chờ đợi". Nhưng hỡi ôi, đến giờ khai mạc phiên tòa thì LS Thức đâu không thấy mà lại xuất hiện một người lạ hoắc, tự xưng là LS với một câu xin lỗi ngắn ngọn: "Luật sư Thức hôm nay bận không thể ra tòa, nên tôi đi thay".
Sau phiên xử với phán quyết bất lợi nghiêng về phía mình, chị Phương ấm ức ra mặt: "LS gì chỉ nói được có mười mấy chữ làm sao thắng kiện cho được". Và chị đã tìm đến VPLS Thức để đòi lại tiền nhưng cũng không có kết quả.
Một trường hợp khác, chồng của chị Mai Thanh Ngọc bị truy tố về tội "giết người". Chị khăn gói vào TP HCM để thuê cho được LS Dũng, chi phí đã đóng đủ ngay từ đầu, hợp đồng dịch vụ pháp lý cũng được ký đàng hoàng. Nhưng hơn tháng sau chị gọi điện thoại lại vẫn thấy LS chưa làm gì và được bảo là "cứ yên tâm chờ!". Sốt ruột, chị bèn yêu cầu LS phải vào trại giam để gặp chồng chị xem sự việc thế nào và tình hình ra sao. Nghe vậy, LS Dũng liền ra điều kiện: đóng thêm tiền "chi phí đi lại" hoặc thuê xe riêng thì mới đi.
Bấm bụng chị cũng phải đồng ý. Và tiếp tục sau đó chị phải đóng thêm 4 lần tiền nữa bởi vì khi thì LS bảo "đi rồi nhưng không gặp được"; khi thì "đến nơi nhưng tòa hoãn xử...". Cuối cùng, đến ngày mở phiên tòa thì than ôi, LS chỉ nói được mỗi một câu trong phần nội dung được cho là "có giá nhất", rằng: "Chúng tôi thật sự băn khoăn khi Viện Kiểm sát truy tố bị cáo về tội giết người, theo chúng tôi bị cáo chỉ phạm tội cố ý gây thương tích thôi". Nghe xong bài bào chữa "quá ngắn gọn" trên, chủ tọa phiên tòa cũng không "nhịn" được nên đã phải lên tiếng: "Đề nghị luật sư nói rõ hơn băn khoăn ở điểm nào? Tại sao lại băn khoăn?". Tưởng rằng LS sẽ được thêm lửa để "cãi" hăng hơn, nhưng cả khán phòng chợt "ồ" lên thất vọng khi nghe lời từ chối nhẹ nhàng của LS: "Chúng tôi đã nói rồi, nên không muốn nói gì thêm vì sợ mất thời gian của Hội đồng xét xử".
Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên 5 năm tù cho bị cáo, cao hơn mức đề nghị của công tố viên 2 năm cho tội danh "giết người".
Theo Thanh Niên, bi hài hơn cả trong số những "thân chủ khốn khổ” có lẽ là trường hợp của bà Nguyễn Thị Sen. Bà kể trong nước mắt hành trình đi tìm "chiếc phao" cho con trai bà là Hà Thanh Tùng trong một vụ trọng án hình sự. Bà kể rằng hôm ấy Tùng lên Thủ Đức thăm bạn, nhậu nhẹt rồi cùng bạn gây sự với anh bán hàng rong và đâm chết anh này. Tuy gia đình rất nghèo nhưng lo sợ con sẽ bị tội nặng nên khi hay tin bà đã chạy ngay đến VPLS ở gần nhà tại tỉnh Tiền Giang. LS Linh., người đứng ra đảm nhận vai trò giúp đỡ cho con trai bà nhưng sau khi nhận "thù lao ban đầu" 2 triệu đồng thì... "lặn" luôn chẳng làm gì cả.
Nghe theo lời khuyên của những người hàng xóm, bà lại dành dụm tiền khăn gói lên TP HCM tìm một vị LS "đứng đắn" khác cho con. Lên TP HCM không quen biết ai, sau nửa ngày lang thang ở khu vực tòa án, cuối cùng bà cũng được một người giới thiệu đến LS Trần Văn Tấn Sau vài lời giới thiệu, LS cũng yêu cầu bà "thực hiện nghĩa vụ đầu tiên" với giá 2 triệu đồng. Mấy ngày sau LS Tấn lại gọi điện thoại kêu bà lên đóng tiếp 2 triệu đồng "chi phí đi tới đi lui". Tháng sau, bà lại nhận được điện thoại của LS Tấn nói rằng "con bà án nặng lắm, phải đóng tiền thêm". Bà lại phải chạy vạy đi vay mượn để gom nộp cho LS thêm gần 10 triệu đồng nữa.
Thấy cứ phải đóng tiền nhiều lần, bà yêu cầu LS viết giấy biên nhận. Luật sư bèn giãy nảy: "Bà không tin tôi thì thôi..." nên bà không dám đề cập nữa. Gặp LS trước giờ xét xử, LS tiết lộ: "Con bà có thể bị kêu án chung thân, đến tử hình đó, bây giờ bà phải chi thêm 5 triệu nữa để tui lo". Bà gom góp, năn nỉ vay mượn của những người thân đi tham dự phiên tòa nào là tiền, nào là nữ trang rồi nhét cho LS ước chừng được 3 triệu đồng. Kết cuộc con bà vẫn bị án "chung thân" thật, bà khóc thét lên rồi ngã quỵ tại hành lang phòng xét xử. Lúc bấy giờ, vị LS "danh giá" kia dường như lo sợ cho sự tổn hại "uy tín nghề nghiệp của mình" nên đã vội vã trả lại gia đình bà số tiền, nữ trang vừa nhận rồi đi thẳng...
Luật sư Nguyễn Văn Trung, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM cho biết: Luật chỉ quy định thù lao đối với vụ án hình sự. Theo đó, được tính theo giờ hoặc trọn gói theo vụ việc, nhưng mức cao nhất quy ra giờ không được vượt quá 50.000 đồng/giờ làm việc của LS. Còn những vụ việc khác thì LS có thể thỏa thuận với khách hàng. LS Trung cũng cho biết thêm, đoàn cũng nhận được nhiều đơn thư của khách hàng khiếu nại về LS. Ngay khi nhận được đơn thư, đoàn sẽ mời cả LS và người khiếu nại lên làm việc. Nếu có đủ cơ sở về hành vi vi phạm của LS thì đều bị xử lý kỷ luật, nhẹ thì khiển trách, cảnh cáo, xóa tên có thời hạn, nặng thì bị gạch tên khai trừ ra khỏi đoàn. Đơn cử mới đây nhất là việc khai trừ 3 LS Phạm Thị Hòa, Đỗ Anh Tài và Trần Mai Hữu Đức ra khỏi đoàn. |