Trong lần tiếp xúc với Trần Thị Bẩy tại trại giam Tân Lập - Phú Thọ, nữ phạm nhân ngoài 50 tuổi (quê ở Bảo Thắng, Lào Cai) luôn cúi gằm mặt. Chị luôn miệng bảo không phải là kẻ giết chồng, rằng quá hận ông ấy nên tự nhận tội. Vân vê tay áo, người vợ siết chặt đôi bàn tay thô ráp để kìm nén những cảm xúc đang dâng lên, trào qua hai hàng nước mắt.
Ban đầu chị Bẩy giữ khoảng cách với người đối diện một lúc rồi mới dần dần cởi mở tâm sự. Người đàn bà có gương mặt chân chất không giấu nổi nỗi buồn qua đôi mắt trũng sâu. Chị mở đầu câu chuyện bằng việc cho biết bị kết án 20 năm tù về tội giết người. Nạn nhân không ai khác là ông Lê Hữu Bỉnh (51 tuổi, quê ở Phú Thọ), chồng và cha của ba người con của họ.
Bẩy sinh trong gia đình có 7 anh chị em, nhiều người đều là công nhân viên chức. Năm 1985, trong thời gian công tác tại huyện ủy Than Uyên, nay thuộc tỉnh Lai Châu, Bẩy gặp một thanh niên làm xây dựng. Đám cưới chưa đầy một tháng, chồng qua đời trong vụ tai nạn lao động. Cô gái đầy sức sống Trần Thị Bẩy trở thành góa phụ.
Lúc đó, Bẩy cũng phát hiện mình có thai. Đứa trẻ sinh ra không biết mặt bố từ trong bụng mẹ được đặt tên là Lê Mạnh Cường. Nét đằm thắm của người phụ nữ một con khiến nhiều thanh niên mê mẩn. Ba năm sau khi sinh con trai, Bẩy gặp người đàn ông tên Lê Hữu Bỉnh. Anh ta giới thiệu là bộ đội và chiếm được cảm tình của người mẹ trẻ.
Bẩy đưa bạn trai về ra mắt gia đình nhưng cha chị một mực phản đối. Ông khuyên con gái đã lỡ một lần duyên nên lựa chọn cho kỹ. Tình yêu quá lớn khiến Bẩy không kìm được đã đến với Bỉnh mà không tìm hiểu rõ ngọn nguồn, lai lịch.
Vài ngày sau cùng chồng về quê đăng ký kết hôn, Bẩy mới ngã ngửa, Bỉnh đang bị truy nã về tội buôn bán hàng cấm. Hai người quay về thị trấn nhỏ Bảo Thắng sống với nhau không hôn thú. Chưa đầy hai tháng sống chung, một ngày đi làm về, Bẩy không thấy Bỉnh đâu. Anh ta đã bỏ đi cùng với số vàng, tiền mà chồng cũ để lại. Người phụ nữ trẻ khóc hết nước mắt, giận mình đểnh đoảng trong tình cảm.
Sau đó Bẩy sinh đứa con thứ hai. Một nách nuôi hai con nhỏ, công việc không ổn dịnh, chị ta đưa đám nhỏ vào tỉnh Bình Thuận ở với chị gái. Thương em vất vả, người chị đã mua một mảnh đất, xây nhà rồi mở quán cà phê để Bẩy kiếm sống.
![]() |
Phạm nhân Bẩy tại trại giam Tân Lập. |
Cuộc sống của ba mẹ con đang ổn định dần, bỗng nhiên người chồng "hờ" xuất hiện. Bỉnh mò đến tận nơi ở van xin Bẩy cho được đoàn tụ, cùng nuôi nấng các con. Dù giận nhiều nhưng nghĩ đến con, Bẩy đã gật đầu. Thời gian đó, chị ta có khuyên Bỉnh về quê đầu thú, thụ án rồi sẽ làm lại từ đầu.
Ra Bắc không lâu, Bỉnh lại quay vào nhưng không ở với mẹ con Bẩy. Tìm hiểu, người đàn bà hai con này mới phát hiện chồng cặp kè với một phụ nữ khác, sống gần khu. Mỗi lần về với mẹ con Bẩy, Bỉnh "nhặt nhạnh" đủ thứ từ đôi dép, cái chổi... Bẩy không dứt ra được vì anh ta dọa cho cả 3 mẹ con cùng chết.
Không dừng ở đó, nhiều hôm về xin tiền không được, Bỉnh đánh vợ thừa sống thiếu chết. Hai đứa nhỏ đều sợ hãi mỗi lần thấy bố về. Những ngày tháng chịu đựng bị đánh đập đó diễn ra liên miên. Năm 1994, Bẩy sinh đứa con trai thứ ba. Sinh con ít lâu, Bẩy dẫn các con ra Bắc lánh nạn. Người đàn bà đau khổ bán ngôi nhà rồi kéo nhau về quê ở.
Có chút vốn, Bẩy mua mảnh đất gần nhà bố mẹ đẻ và sống ở đó. Tưởng đoạn tuyệt được với nhau, Bỉnh lại mò ra Bắc, và tiếp tục “thượng cẳng chân tay” với cả vợ và các con. Có lần, Bẩy và con bị Bỉnh đánh phải nhập viện. Năm 2004, người đàn bà này quyết định phải dứt tình hẳn với Bỉnh.
Vay mượn của bố mẹ và người thân được chút vốn, Bẩy dự định xây nhà và xin đi xuất khẩu lao động, kiếm tiền trả nợ. Trong một lần về Hà Nội làm thủ tục, con trai lớn điện thoại báo bố đến và đánh đứa con thứ hai phải nhập viện. Theo con trai kể lại, ông ta vác gậy đánh con ngất xỉu, trói vào gốc bưởi và nhét giẻ vào miệng. Sau đó ông ta bỏ đi lấy hết tiền, sổ đỏ của mẹ con Bẩy.
Nhẫn nhục, Bẩy phải đi làm lại sổ đỏ và vay được 110 triệu đồng, xây nhà và dành tiền đi lao động nước ngoài. Tuy nhiên, biết vợ xây được nhà khang trang, Bỉnh tìm đến và đòi chia tài sản. Bẩy đã lên kế hoạch hại chết gã chồng vũ phu. Đầu tháng 7/2006, chị ta hòa thuốc ngủ và thuốc chống say rồi nhờ Lê Viết Ba, 24 tuổi, quê ở Yên Bái, thợ xây làm nhà cho mình, đổ vào nước ăn của chồng nhưng thanh niên này không đồng ý.
Hơn một tuần sau, chị ta mua hai chai bia gọi Ba và một thợ xây khác đưa cho ông Bỉnh uống. Trước khi đưa số bia này, Bẩy dùng xi lanh bơm thuốc chuột và thuốc chống say vào. Lúc đang hành động, Bẩy bị họ phát hiện nên không giúp.
Không dừng lại dã tâm, Bẩy tiếp tục nhờ tay một thợ xây khác để đầu độc ông Bỉnh. Lần tham gia này có cả con trai lớn của Bẩy. Lúc đầu, cả nhóm định dàn dựng như một vụ cướp, nhưng kế hoạch bị lộ. Tuy nhiên, cuối cùng ông Bỉnh cũng tử vong vì trúng độc của Bẩy.
Hai mẹ con cùng hai thợ xây ra trước vành móng ngựa. Bẩy được xác định là chủ mưu nên lĩnh án cao nhất, con trai của chị ta nhận 4 năm tù. Sau khi thành án, Bẩy được đưa tới trại Tân Lập cải tạo. Giờ đây, sau gần 5 năm ngồi sau song sắt trại giam, Bẩy mới thấy thấm thía cái giá phải trả cho việc làm tội lỗi của mình là quá đắt.
"Cũng chỉ vì quá hận chồng mà tôi gây nên tội. Tôi chỉ biết cải tạo tốt để về với các con", nữ phạm nhân có cuộc đời éo le vừa khóc vừa nói. Con trai chị đã mãn hạn tù cũng thỉnh thoảng từ Lào Cai cùng với các em tới thăm mẹ. Bẩy tâm sự trước khi bước vào khu sinh hoạt chung của trại giam rằng, giá như dạo đó bản thân chị tỉnh táo để có hành động tốt hơn, để không phải đằng đẵng sống trong tù quãng đời còn lại.
Việt Dũng