![]() |
Lao động Đoàn Thị Thuận tại bệnh viện Cơ Long. |
Anh Nguyễn Tiến Toàn, 37 tuổi, quê Hải Dương cho biết, gia đình nhận tin vợ anh là Phạm Thị Hường, 32 tuổi, chết vì tai nạn lao động từ ngày 20/2.
Tuy nhiên, suốt từ 20/2 đến nay, công ty môi giới lao động cho vợ anh sang Đài Loan là công ty Hợp tác LĐ với nước ngoài Milaco đã chậm trễ trong việc làm thủ tục chuyển xác chị Hường về nước, đòi gia đình nộp 56 triệu đồng thủ tục phí, và khi anh Toàn quá sốt ruột, trực tiếp sang Đài Loan từ 12/3 để nhận xác vợ thì đã bị phía công ty Milaco gây khó khăn trong việc hủy giấy ủy quyền đã ký trước đó.
Theo thống kê của Ban Quản lý lao động VN tại Đài Loan, cho đến hết năm 2005, số lượng lao động VN bỏ trốn tại đây đã lên tới 11.949 người, chiếm tới gần 60% số lao động nước ngoài bỏ trốn toàn Đài Loan.
Kỷ lục bỏ trốn của lao động Việt Nam cũng được đưa lên trên trang web thông tin chính thức của ủy ban Lao động ĐL, trong đó tính đến tháng 11/2005 vừa qua, số lượng lao động Việt Nam bỏ trốn chủ yếu là nữ giúp việc nhà, lên tới 9.482 người, lao động nam bỏ trốn “chỉ có” 2.467 người, nhưng riêng con số lao động nam này đã xấp xỉ bằng tổng số lao động chạy trốn của cả ba nước Thái Lan, Malaysia và Mông Cổ cộng lại. |
Ông Nguyễn Bá Hải, Trưởng Ban quản lý lao động VN tại Đài Bắc cho biết, ngay trong ngày 20/2, Ban Quản lý Lao động - Văn phòng Kinh tế và Văn hóa VN tại Đài Bắc đã phải gửi một công văn khẩn về Cục Quản lý lao động nước ngoài - Bộ Lao động thương binh xã hội về việc, chị Phạm Thị Hường, là lao động nữ bỏ trốn, sang ĐL tháng 1/2003 theo hợp đồng ký giữa công ty Milaco và công ty HHCP môi giới nhân lực Triển Lâm.
Chị Hường đã bỏ trốn từ hơn hai năm nay. Ngày 20/2, trong khi đang làm việc phi pháp tại một xưởng sản xuất gia công Ngũ kim ở Đài Bắc, tóc chị Hường đã bị quấn vào máy và chết ngay tại chỗ lúc 2h sáng cùng ngày. Ban quản lý LĐ đã yêu cầu gia đình phối hợp, viết giấy ủy quyền cho công ty Milaco để lo các thủ tục hậu sự, hỏa táng và đưa tro cùng tài sản cá nhân của chị Hường về nước.
Những rắc rối xảy ra khi gia đình chị Hường không kiếm đủ 56 triệu đồng chi phí nộp cho Milaco để cùng sang ĐL nhận người thân về. Anh Toàn cho biết, anh đã quyết định khăn gói tự mình bay sang Đài Loan để tìm cách đưa xác vợ về với chi phí ít ỏi nhất.
Nhưng anh Toàn không có đủ giấy tờ công chứng xác nhận là chồng của nạn nhân, cho đến nay anh Toàn vẫn phải nhờ cậy hoàn toàn vào Trung tâm trợ giúp lao động nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Bá Hải, cùng lúc, anh Toàn đã viết giấy ủy quyền xử lý hậu sự cho hai nơi, công ty Milaco và một tổ chức phi chính phủ khác, vì vậy khi xảy ra tranh chấp về giấy ủy quyền, phía Đài Loan đã không đồng ý cho hoàn tất thủ tục và đến nay cũng vẫn chưa cho phép hỏa táng chị Phạm Thị Hường. Việc gia đình phải nộp số tiền 56 triệu VNĐ chỉ bao gồm tiền hỏa táng và vé máy bay khứ hồi của thân nhân.
Khi lao động gặp tai nạn, thiệt mạng, rủi ro, việc thân nhân ở Việt Nam ủy quyền cho các cơ quan quản lý thay mặt gia đình làm các thủ tục tại Đài Loan là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc tranh chấp giấy ủy quyền mới xuất hiện gần đây đã khiến Ban QLLĐ và các đơn vị xuất khẩu lao động gặp rất nhiều khó khăn.
Theo quy định của pháp luật ĐL, việc quyết định ủy quyền làm các thủ tục hậu sự cho công dân nước ngoài ở ĐL là do gia đình công dân đó tự nguyện. Gia đình có quyền lựa chọn ủy quyền cho đơn vị nào, song chỉ được phép có một giấy ủy quyền cho một đơn vị hoặc cá nhân mà thôi.
Ngày 20/3, tại Đài Bắc, anh Nguyễn Tiến Toàn cho biết, qua sự giúp đỡ của nhiều tổ chức phi chính phủ, chủ công ty nơi nhận chị Hường làm trái phép đã phải trả khoản bồi thường cho gia đình gần 700.000 đài tệ và chi phí mai táng 100.000 đài tệ, tương đương với 45 tháng lương cơ bản.
Tổng số tiền bồi thường tương đương 400 triệu đồng, và anh Toàn cũng đã nhờ Văn phòng Kinh tế và Văn hóa VN tại Đài Bắc giúp hoàn tất thủ tục để xin hỏa táng chị Phạm Thị Hường trong ngày gần nhất.
Gánh nặng rủi ro của việc bỏ trốn
Lao động bỏ trốn tự mình đánh mất những quyền lợi tối thiểu bảo vệ bản thân. Khi bỏ trốn, lao động Việt Nam đã không tiếp tục nộp phí bảo hiểm y tế, nên những trường hợp lao động gặp rủi ro không ai trợ giúp. Đồng thời, khi gặp tai nạn, thẻ cư trú quá hạn, không phù hợp với quy định được bảo hiểm của ĐL. Khoản chi phí khổng lồ về viện phí tại Đài Loan không gia đình nào gánh được.
Trường hợp lao động Đoàn Thị Thuận, bị tai nạn, trở thành người sống thực vật ở bệnh viện Cơ Long (Đài Bắc) là một ví dụ. Chị Đào Thị Thuận sang ĐL tháng 7/2005, chỉ sau một tháng đã bỏ trốn khỏi gia đình chủ nhà. Công ty môi giới tại Đài Loan là công ty hữu hạn cổ phần quốc tế Tài Vượng và công ty xuất khẩu lao động Cửu Long phía VN cũng không nắm được tung tích chị Thuận.
Sau khi trở thành lao động phi pháp được 3 tháng, số tiền kiếm được chưa đủ để trả tiền sinh sống, ngày 8/11/2005, chị Thuận bị tai nạn và đưa vào Bệnh viện Cơ Long (ĐB).
Trong bốn tháng nay, số viện phí chị Thuận phải trả đã lên tới gần nửa tỷ đồng. Vì là lao động bỏ trốn, chị Thuận không được hưởng bảo hiểm y tế, số tiền viện phí khổng lồ đã trở thành gánh nặng không cơ quan chức năng quản lý lao động nào trả nổi.
Ngày 13/3 vừa qua, công ty Cửu Long đã cử cán bộ sang ĐL để thu xếp giải quyết, đón chị Thuận xuất viện, thuê bác sĩ đi kèm đưa về bệnh viện ở VN, nhưng vì gia đình chị Thuận kiên quyết không viết giấy ủy quyền cho công ty, cũng không có nguồn tài trợ nào trả viện phí cho chị Thuận, cán bộ của công ty Cửu Long lại phải quay về VN.
Ông Nguyễn Bá Hải, Trưởng ban QLLĐ VN tại Đài Bắc cho rằng, cả hai vụ việc nổi cộm trên đều là ví dụ tiêu biểu cho tình trạng người lao động bỏ trốn, gặp rủi ro không ai bảo vệ quyền lợi.
Ngoài ra, việc tranh chấp ủy quyền giữa gia đình và các cơ quan chức năng cũng chứng tỏ, những vấn đề phát sinh trong lĩnh vực xuất khẩu lao động ngày càng phức tạp, trong khi người lao động và gia đình không thể nắm rõ các thủ tục pháp lý cũng như quy định của phía Đài Loan, tốt nhất nên phối hợp với các cơ quan của Việt Nam và ủy quyền cho cơ quan quản lý phía Việt Nam để nhận được sự trợ giúp đảm bảo nhất.
(Theo Tiền Phong)