Yomiuri Shimbun hôm 1/8 cho biết những gia đình này lên tiếng sau khi Giáo hội Thống nhất trở thành tâm điểm chú ý của công chúng khi Tetsuya Yamagami - nghi phạm bắn chết cựu Thủ tướng Shinzo Abe - công khai mối thù với nhóm tôn giáo này.
"Tin tức về vụ ám sát khiến trái tim tôi đau nhói", một người phụ nữ khoảng 50 tuổi ở vùng Kanto cho biết. Bà đồng cảm bởi bản thân cũng từng có mối hận thù tương tự với Giáo hội Thống nhất - tôn giáo có tên gọi chính thức là Liên đoàn Gia đình vì Hòa bình và Thống nhất Thế giới.
Người phụ nữ cho biết phát hiện mẹ mình trở thành một tín đồ của Giáo hội Thống nhất sau khi anh trai qua đời trong một vụ tai nạn giao thông. Khi đó bà mới ngoài 20 tuổi. Sau khi kết hôn và rời nhà bố mẹ đẻ, bà được biết mẹ mình đã vay hai triệu yên từ một người họ hàng để quyên góp cho Giáo hội Thống nhất và không trả lại số tiền này. Không chỉ có vậy, mẹ người phụ nữ này còn quyên góp khoảng 20 triệu yên lấy từ tiền thừa kế của một người họ hàng mà không được phép cho giáo hội này.
Người phụ nữ đã cố gắng thuyết phục mẹ rời khỏi giáo hội nhưng bà trở nên cáu gắt và ngừng nói chuyện với con gái. Khi người phụ nữ cố gắng trò chuyện với mẹ ở nhà mình, người mẹ hét lên từ cửa sổ phòng: "Tôi đã bị các người giam cầm". Người phụ nữ nói rằng mẹ dường như không tin tưởng mình và đã bị giáo hội kiểm soát tâm trí.
Cha và em gái người phụ nữ sống với người mẹ đã từ bỏ nỗ lực thuyết phục bà rời giáo hội. Kiệt quệ về tình cảm, người phụ nữ này cắt đứt liên lạc với mẹ mình khoảng 5 năm trước.
"Những gì Yamagami đã làm là hoàn toàn không thể tha thứ, nhưng tôi cảm thấy đau đớn khi gia đình mình cũng rơi vào hoàn cảnh tan vỡ tương tự. Tôi cũng cảm thấy bất lực vì không thể đối đầu giáo hội", người phụ nữ nói.
Theo Mạng lưới Luật sư quốc gia chống kinh doanh tâm linh Nhật Bản, các tín đồ khó có thể rời khỏi Giáo hội Thống nhất vì họ bị ràng buộc bởi cảm giác sợ hãi. Những tín đồ được yêu cầu quyên góp "chăm chỉ" để giải cứu cha mẹ, con cái đã khuất của họ hoặc những người khác được cho là đang đau khổ trong thế giới tâm linh. Họ cũng tin rằng không chỉ họ mà cả gia đình của họ "sẽ xuống địa ngục nếu họ rời giáo hội".
Một người đàn ông 54 tuổi đến từ miền đông Nhật Bản cũng có mẹ rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ông phát hiện mẹ mình gia nhập giáo hội này khi còn là sinh viên. Bà mẹ gia nhập giáo hội sau khi bị một người thân la mắng vì việc chăm sóc bố chồng. Được bà thuyết phục, người chồng cũng tham gia giáo hội. Họ được cho là đã tổ chức đám cưới theo hệ thống "hôn nhân ban phước" của Giáo hội Thống nhất để được công nhận là vợ chồng. Người đàn ông sống xa nhà đã trở về thuyết phục bố mẹ rời giáo hội này nhiều lần nhưng họ không đồng ý.
Sau khi bố mất, người đàn ông này xin nghỉ làm để tập trung vào việc làm sao để mẹ rời Giáo hội Thống nhất. Ông thuê một căn hộ và sống với mẹ cùng em gái trong khoảng một tháng rưỡi. Sau khi mời một mục sư - người đang giúp các tín đồ rời khỏi Giáo hội Thống nhất - giải thích những vấn đề liên quan đến giáo lý của tôn giáo này, người mẹ cuối cùng đồng ý rời bỏ giáo hội.
Giáo hội Thống nhất được mục sư Sun Myung Moon thành lập năm 1954, với giáo lý dựa trên Kinh thánh nhưng với cách diễn giải mới. Trong nhiều thập kỷ, Giáo hội Thống nhất trở nên nổi tiếng với những đám cưới tập thể hoành tráng, thường được tổ chức tại các sân vận động khổng lồ với hàng nghìn cặp tham gia.
Yamagami cho biết ban đầu có ý định ám sát người đứng đầu giáo hội này nhưng chuyển mục tiêu sang ông Abe vì thấy ông xuất hiện trong sự kiện do một nhóm liên quan đến Giáo hội Thống nhất tổ chức. Yamagami nói ôm mối hận với giáo hội trong thời gian dài vì nhóm tôn giáo này đã làm mẹ mình mê muội, quyên góp số tiền lớn khiến gia đình phá sản, ba anh em rơi vào cảnh đói ăn và tuyệt vọng về tương lai.
Sơn Nam (Theo Yomiuri Shimbun)