![]() |
Anh Nghĩa trước hàng ghế phiên toà. |
Từ một trung niên mạnh khỏe, xông xáo trong việc làm ăn, bị dính đòn cha con người láng giềng, anh Nguyễn Văn Nghĩa bỗng chốc tàn phế, suốt gần hai năm cùng chiếc nạng gỗ bám sau lưng vợ. Cuộc hành trình đi tìm công lý ở huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) gặp nhiều lực cản, đích đến có vẻ xa vời.
Chiều 13/2/2004, do bất đồng giữa việc anh Nguyễn Văn Nghĩa, 37 tuổi, chặt những cành cây từ vườn ông Lê Danh Sâm, 50 tuổi, ở xóm 2, Phú Phong, huyện Hương Khê vươn sang vườn mình, ông Sâm đã cùng vợ là bà Trần Thị Thiện và huy động thêm hai con trai là Lê Danh Trung, 20 tuổi và Lê Danh Khánh, 18 tuổi đang cày ruộng ngoài đồng về giải quyết bằng bạo lực.
Khánh đã dùng một ống sắt dài 80cm đường kính 6cm đánh vào đầu gối làm vỡ bánh chè chân anh Nghĩa. Sau đó, cha con ông Sâm kéo anh Nghĩa khoảng 5m từ đường làng vào cổng nhà mình, dùng dây điện trói tay anh Nghĩa vào cổng. Ông Sâm còn vu vạ là anh Nghĩa vào nhà mình phá phách đồ đạc và đánh người... Anh Nguyễn Văn Nghĩa bị đánh mang thương tật 21% tạm thời.
Anh Nguyễn Văn Nghĩa khởi kiện gia đình ông Lê Danh Sâm phạm một lúc ba tội: Vu khống, cố ý gây thương tích và bắt giữ người trái pháp luật.
Các cơ quan tố tụng huyện Hương Khê chỉ khởi tố một mình Lê Danh Khánh với tội danh cố ý gây thương tích còn những người khác thì cho qua. Ngày 24/12/2004, TAND huyện Hương Khê đã xử phạt Khánh 15 tháng tù cho hưởng án treo và phải bồi thường 22 triệu đồng cho anh Nghĩa.
Anh Nghĩa cho rằng tòa Sơ thẩm xử như thế là quá nhẹ và các cơ quan tố tụng ở huyện Hương Khê còn bỏ lọt người sót tội. Lê Danh Khánh cũng kháng án cho rằng tòa xử như thế là quá nặng.
Ngày 14/4/2005, TAND tỉnh Hà Tĩnh mở phiên phúc thẩm xét xử Lê Danh Khánh và y án như tòa sơ thẩm. Bản án còn nhận định thêm: "Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xét thấy đã có đủ căn cứ để xác định Lê Danh Sâm, Lê Danh Trung, Lê Danh Khánh có hành vi bắt trói anh Nguyễn Văn Nghĩa là vi phạm pháp luật và yêu cầu VKSND tỉnh Hà Tĩnh khởi tố vụ án bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật theo điều 104 Bộ luật tố tụng hình sự".
Tại phiên sơ thẩm chiều 27/12 đứng trước vành móng ngựa là hai cha con Lê Danh Sâm và Lê Danh Trung. Những người có mặt tại phiên tòa đều chứng kiến một nghịch cảnh, vị Thẩm phán có tên là Nguyễn Văn Hùng, chủ tọa phiên tòa tỏ ra khá nghiêm, luôn nhắc nhở những hành vi rất nhỏ của những người dân đến nghe xử án, nhưng bỏ qua nhiều hành vi nghênh ngang của bị cáo mà không hề nhắc nhở.
Quá trình thẩm vấn quá sơ sài. Có những lý giải vô lý. Chủ tọa cho rằng cha con ông Lê Danh Sâm trói anh Nghĩa là vì sợ anh Nghĩa đánh lại. Trong lúc cáo trạng và nhân chứng đều nói rằng anh Nghĩa đã bị đánh gãy chân từ ngoài đường, cha con ông Sâm đã kéo vào nhà mình rồi trói.
Lúc đọc bản nhận xét tội trạng của bị cáo, vị chủ tọa cho rằng: Xét thấy bị cáo Lê Danh Sâm là người có công với cách mạng tòa tuyên phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Người bị hại khùng lên, hét to: "Lê Danh Sâm là kẻ đi bộ đội đào ngũ, vi phạm kỷ luật bị tước quân tịch thì có công gì?".
Đến lượt Lê Danh Trung là kẻ trực tiếp kéo anh Nghĩa từ ngoài đường thôn vào cổng nhà mình, dùng dây điện trói tay anh Nghĩa vào cổng, tòa chỉ áp dụng hình thức cảnh cáo. Tiếng la ó lại càng dữ dội.
Phần đền bù thiệt hại, anh Nghĩa đưa ra yêu cầu 90 triệu đồng nhưng bị tòa hoàn toàn bác bỏ. Đã thế tòa tuyên bố buộc anh Nghĩa phải nộp 4,5 triệu đồng tiền án phí sơ thẩm, trong lúc Lê Danh Sâm chỉ phải nộp 50.000 đồng.
Khi vị Chủ tọa vừa dứt lời, cả hội trường vỡ tung như chợ. Nhiều người đập phá kêu la. Anh Nguyễn Văn Nghĩa khóc than, la hét trút bỏ quần dài để lộ đầu gối còn cuộn băng chống nạng tiến lên phía Chủ tọa phiên tòa. Hội đồng xét xử bỏ chạy.
Không khí náo loạn diễn ra trong Hội trường xử án. Một chiến sĩ cảnh sát bảo vệ phiên tòa phải gọi điện cho lực lượng công an đến lập lại trật tự. Rất may không có cuộc xô xát nào xảy ra. Phía bị hại chỉ kêu trời rồi cùng đám đông đi ra cổng. Những người hiếu kỳ vây đến rất đông làm ách tắc giao thông một đoạn đường thị trấn.
Anh Nguyễn Văn Nghĩa cho biết sẽ kháng cáo. Người dân ở Hà Tĩnh đang trông chờ sự phán quyết công minh của phiên tòa tiếp theo để giữ vững kỷ cương phép nước và lấy lại công bằng, niềm tin cho nhân dân.
(Theo Tiền Phong)