Trong những năm trước, các ông bầu đầu tư rầm rộ vào bóng đá tạo ra sân chơi V-League thực sự hấp dẫn. Tuy nhiên, với việc nắm quyền sinh, quyền sát trong tay, các ông bầu có thể thoải mái đưa ra quyết định giải thể đội bóng bất cứ lúc nào. Không ít các ông bầu dùng chiêu dọa bỏ giải nhằm gây áp lực tới ban tổ chức giải.
Trường hợp dọa rồi sau đó là bỏ giải thật là ông bầu Long, bầu Tuấn ở Hòa Phát. Cuối mùa 2011, sau nhiều lần bị trọng tài xử ép, với đỉnh điểm là trận thua 1-2 trên sân Lạch Tray, bầu Long và bầu Tuấn tuyên bố không muốn làm bóng đá để phản đối trọng tài cũng như công tác điều hành. Ngỡ Hòa Phát dọa chơi, ai ngờ đội bóng này bỏ thật khiến VFF lao đao.
Chính sự cố bỏ cuộc của Hòa Phát năm đó là phát súng lệnh trong cuộc “khởi nghĩa” của các ông bầu. VPF được thành lập ngay sau đó và chính công ty này đứng ra điều hành các giải chuyên nghiệp thay cho VFF. Qua gần hai mùa giải tổ chức V-League và hạng nhất, VPF bộc lộ nhiều điểm yếu và không còn được lòng tất cả. Bị can thiệp vụ một ông chủ hai đội bóng, bầu Hiển dọa bỏ bóng đá để phản đối với hành động thoái toàn bộ số vốn tại Hà Nội T&T và Đà Nẵng, rút lui về hậu trường, đóng vai trò người tài trợ.
Sau đó, bầu Trường cũng làm theo cách tương tự. Sau khi dọa giải thể đội bóng vì các cầu thủ "dám" đình công năm ngoái, bầu Trường lui về ở ẩn, trao lại chiếc ghế Chủ tịch cho ông Phạm Văn Lệ. Ông bầu đồng hương của ông Trường là ông Nguyễn Đức Thụy cũng nổi tiếng với những lần dọa bỏ giải. Ở mùa giải 2012, sau khi làm công văn xin tặng CLB Xuân Thành Sài Gòn cho TP HCM, bầu Thụy gây sức ép bằng tuyên bố: “TP HCM không nhận không được, không nhận tôi cho giải tán đội bóng ngay”. Chưa hết, bên lề Hội thảo CLB chuyên nghiệp và chuẩn bị cho mùa giải 2013, không chỉ tuyên bố cho giải tán CLB Xuân Thành Sài Gòn, bầu Thụy còn dọa bỏ bóng đá nếu VFF và VPF không chấn chỉnh công tác trọng tài và giải quyết dứt điểm chuyện bầu Hiển sở hữu nhiều đội bóng cùng dự V-League. Tại lễ tổng kết mùa giải 2012, bầu Thụy tiếp tục diễn bài cũ. Đầu mùa giải 2013, sau nghi án tiêu cực trong trận Siêu Cup quốc gia, bầu Thụy lại dọa giải tán đội vì cho rằng mình đã bị vu khống.
Dường như, dọa bỏ giải là cách phản ứng hiệu quả ở V-League, là chiêu bài để các CLB gây áp lực với ban tổ chức giải. Trong bối cảnh V-League chỉ còn 12 đội như hiện nay, VPF rất “nhạy cảm” với những tuyên bố bỏ giải của các ông bầu. Có lẽ vì thế, không khó hiểu khi bầu Đệ ở mùa giải năm nay liên tiếp dọa bỏ giải.
Ở lễ tổng kết mùa giải 2012, bầu Đệ từng dọa một lần. Tuy nhiên ở mùa giải năm nay mới thực sự là đỉnh điểm, khi ông chủ tịch CLB Thanh Hóa liên tục gây sức ép. Đầu tiên là lời dọa bỏ giải sau khi Thanh Hóa bị cho là xử ép bởi trọng tài Công Khanh trên sân Lạch Tray ở lượt đi. Gần nhất, bầu Đệ dọa bỏ giải để phản đối tổ trọng tài sau khi công nhận “bàn thắng ma” trên sân Thanh Hóa vòng 17 V-League. Sau đó, bầu Đệ còn dọa sẽ xin tự thua nếu như ban tổ chức giải bố trí các trọng tài trong “danh sách đen” của mình bắt trận có Thanh Hóa những vòng đấu tới đây.
Chuyện ông bầu dọa bỏ giải có tiền lệ và không phải ai cũng dọa chơi. Tuy nhiên, đã đến lúc VFF, VPF cần có chế tài xử lý những ông bầu có sở thích dọa bỏ giải để gây áp lực. Bóng đá là một cuộc chơi và trong cuộc chơi đó, các đội phải tuân thủ luật lệ cũng như các quy định.
Phương Anh