Theo People's Daily, cha của Fu Gui, ông Fu Guangyou và các thành viên trong gia đình đã không ngừng tìm kiếm Fu Gui trong suốt 27 năm qua. Ông Guangyou nhớ lại, Fu Gui sinh ra ở Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc, vào năm 1984 và mất tích vào năm 1990.
Để tìm con trai mình, người đàn ông này đã tải thông tin của Fu Gui lên Baby come home và đính kèm ảnh Gui khi còn nhỏ. Trong năm 2009, Gui cũng đi tìm kiếm gia đình thực sự của mình và đăng một bức ảnh thời thơ ấu lên cùng trang web đó.
Tuy nhiên Fu Gui đã được cha mẹ nuôi đổi tên thành Hu Kui. Trong hồ sơ của mình, Hu Kui khai sinh năm 1986 và bị lạc mất bố mẹ năm 1991. Vì vậy mà mất cả thời gian dài hai bên vẫn không tìm thấy nhau.
Cho đến khi Baby come home sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt của Baidu thì số phận mới mỉm cười với Fu Gui và gia đình anh. Với sự trợ giúp của công nghệ AI, Baby Come Home có thể phân tích nhanh 60.000 hình ảnh trong cơ sở dữ liệu.
Trước tiên hệ thống sẽ so sánh các khuôn mặt, sau đó chọn ra 30 hồ sơ phù hợp nhất với nhận dạng. Trong trường hợp của Fu Gui, hình ảnh thời thơ ấu của anh được chọn bởi hệ thống cho rằng đó là một trong số 30 hồ sơ gần giống Hu Kui nhất. "Từ lần đầu xem hồ sơ của Fu Gui, chúng tôi đã có cảm giác đó có thể chính là anh ấy. Họ không chỉ trông giống nhau trên ảnh mà tên cũng na ná", một nhân viên của Baby come home cho biết.
Một cuộc xét nghiệm ADN được tiến hành vào ngày 1/4 để so sánh thông tin sinh học của Fu Gui và bố mẹ, kết quả cho thấy họ có quan hệ huyết thống. Sự đoàn tụ của Fu Gui và cha mẹ đánh dấu trường hợp đầu tiên ở Trung Quốc mà gia đình có thể tìm được con thất lạc nhờ sự trợ giúp của công nghệ nhận dạng khuôn mặt.
Hệ thống này đang trở thành niềm hy vọng mới cho Trung Quốc, nơi có hàng triệu trẻ em bị bắt cóc.