Tháng 10/2020, Elle Adams tỉnh dậy và đột nhiên thấy mình không thể tiểu tiện, dù cô uống bao nhiêu nước đi chăng nữa.
"Tôi là một người rất khỏe mạnh. Tôi không gặp vấn đề gì về sức khỏe. Rồi một hôm ngủ dậy vào buổi sáng, tôi không thể đi vệ sinh. Tôi lo lắng vô cùng", Adams, hiện 30 tuổi, kể với SWNS. "Cuộc sống của tôi hoàn toàn thay đổi từ thời điểm đó. Tôi không thể hoàn thành một nhiệm vụ đơn giản như đi vệ sinh".
Adams lập tức đến phòng cấp cứu của Bệnh viện St. Thomas ở London, Anh. Các bác sĩ thông báo bàng quang cô đang chứa một lít nước. Thông thường, bàng quang phụ nữ có thể chứa 500 ml nước tiểu và 700 ml ở nam giới, theo Viện Y tế Quốc gia (NIH).
Các bác sĩ lúc này đặt cho Adams một chiếc ống thông khẩn cấp (thiết bị đưa vào bàng quang để thoát nước tiểu). Adams được đưa ra lựa chọn hoặc rút ống thông ra và cố gắng đi vệ sinh, hoặc về nhà và quay lại bệnh viện để đánh giá lại sau ba tuần.
Adams, hiện làm nghề sáng tạo nội dung, hẹn gặp một chuyên gia tiết niệu sau 8 tháng và được dạy cách tự đặt ống thông tại nhà. Adams cho hay suốt 14 tháng, cô không thể tự tiểu tiện một cách bình thường và không hiểu lý do vì sao.
Mãi đến tháng 12/2021, Adams mới được chẩn đoán mắc hội chứng Fowler.
"Tôi được thông báo dường như đang mắc Hội chứng Fowler. Tôi được bác sĩ giải thích về các lựa chọn điều trị tối thiểu, tôi cũng đã thử dùng thuốc nhưng không có gì khác biệt", Adams nói.
Theo Viện Y tế Quốc gia, Hội chứng Fowler là tình trạng không có khả năng làm trống bàng quang và chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ trẻ. Nguyên nhân của chứng bệnh này vẫn chưa được làm rõ và nó ảnh hưởng đến chưa tới 1.000 người ở Mỹ.
Chẩn đoán trên đồng nghĩa với việc Adams sẽ phải sử dụng ống thông để đi tiểu trong suốt quãng đời còn lại của mình.
Adams cho hay cô đã trải qua một bài kiểm tra niệu động học - một quy trình đánh giá mức độ hoạt động của các bộ phận đường tiết niệu dưới để lưu trữ và giải phóng nước tiểu - tại Bệnh viện Guy ở London.
Các bác sĩ nói với Adams rằng "lựa chọn duy nhất" của cô là thực hiện Kích thích dây thần kinh xương cùng (SNS). Đây là phương pháp điều trị có thể giúp giải quyết các vấn đề về bàng quang và ruột, theo Cộng đồng Bàng quang & Ruột.
Phương pháp điều trị này sẽ hoạt động như một máy điều hòa nhịp tim cho bàng quang, kích thích các dây thần kinh thông qua một sợi dây mỏng tạm thời được luồn vào gần các dây thần kinh gần xương cụt. Dây thần kinh này kiểm soát bàng quang và ruột, kích thích các cơ ruột để chúng hoạt động bình thường.
"Nó không thay đổi cuộc sống của tôi, nhưng có thể giúp ích". Adams nói.
Đến tháng 1/2023, Adams trải qua ca phẫu thuật nhằm kích thích dây thần kinh xương cùng.
"Số lần tôi phải đặt ống thông tiểu giảm đi nhiều, ít hơn khoảng 50%. Ca phẫu thuật đã làm cho cuộc sống của tôi dễ dàng hơn, sau hai năm địa ngục, đó là tất cả những gì tôi có thể yêu cầu", cô nói. "Tôi biết ơn vì sự khác biệt này và cảm thấy tốt hơn so với trước kia".
Hướng Dương (Theo NY Post)