Lâm Hoàng còn nhớ như in buổi đưa Hoa về ra mắt ba mẹ. Mọi chuyện suôn sẻ cho đến khi nàng săng sái ngồi thụp xuống rửa bát. Cái áo kéo lên, cái quần trễ xuống, nội y cứ xênh xang khoe sắc.
Rồi đến lúc nhoài người thì đôi guốc chín phân phản chủ làm nàng trượt chân, người một nơi, guốc một nẻo. Chưa hết, trước khi ra về, “cô dâu Việt” chính gốc ấy còn nhảy lên bá cổ Hoàng để “hôn tạm biệt” trước sự sững sờ của mọi người trong gia đình.
Sau rồi, chuyện cũng êm xuôi khi mẹ được Hoàng tỉ tê rằng, cô ý từng đi du học, nên có phần hơi “tây tây” và quan trọng hơn là Hoa đã cư xử ngày một nhuần nhị, kín đáo hơn.
Sự hồn nhiên của Hoa phần nào cũng dễ cảm thông hơn khi cô đã có 5 năm sống ở Tây bán cầu, đã quá quen mắt với lối sống “cực thoáng, cực vô tư” của giới trẻ Bắc Mỹ.
Nhưng, có nhiều cô nàng lại cố tình làm nổi mình bằng sự hồn nhiên cốt “phô trương”. Hồn nhiên để “khoe” mình trẻ con, mình quen được chiều chuộng.
Thu Hiền (ĐHNN) vốn dân đồng chiêm, nhưng kiểu cách thì chẳng mấy “tiểu thư” bì kịp. Ăn uống kiểu "cọng giá bẻ đôi", ai nói chuyện gì, mắt Hiền lại chớp chớp lạ lẫm chính hiệu “con nhà lành”.
Con chuột chạy qua, con mèo chạy đến đều làm Hiền “sợ” phát khiếp. Vẻ yếu đuối, mong manh của Hiền khiến nhiều chàng “xin chết” mà không được, nên Châu tự hào lắm khi công sức cưa cẩm nàng cũng đến được đích.
Nhưng chiều lòng người đẹp không dễ vì lúc nào Hiền cũng hồn nhiên đúng chất “chiếu trên”. Đi chơi với bạn bè, Hiền gọi toàn món “xịn”, chả thèm ngó qua bộ mặt méo xẹo vì “móm” nặng của cậu bạn trai.
Bù lại, cậu bạn vẫn hỉ hả vì sở hữu cô người yêu vừa xinh lại vừa trẻ con. Cho đến một lần, qua Hiền chơi, nghe cô bạn cùng phòng kể về thành tích bắt chuột của nàng, Châu, bạn trai của Hiền mới bật ngửa vì Hiền “diễn” siêu quá!
“Ôn” lại mối tình đã qua, Châu bảo với Tiền Phong rằng cậu vẫn còn nguyên cảm giác “choáng” nặng vì biết thêm một kiểu “hồn nhiên” giả…
Nhiều thầy cô đang không ngừng than phiền về một lớp SV không chịu biết “mắc cỡ”. Nghỉ giải lao có 5-10 phút, mà họ cứ vô tư ăn sáng, tráng miệng, chẳng bận tâm gì đến thời gian biểu.
Lớp đang chăm chú nghe giảng, lại thấy dăm ba SV guốc lanh canh, dép lệt xệt ào ào cười nói xin vào. Nếu bị nhắc nhở thì ngay lập tức họ có cớ để bàn về giảng viên khó tính. Nếu thầy cô vờ lờ đi không để ý thì họ lại càng có cớ để chứng minh cho sự hồn nhiên “hợp lý”, “chừng mực” của mình.
Thanh Tùng (Bộ Xây dựng) không quên được lần gặp lại cô bạn một thời “thầm thương, trộm nhớ” nhân dịp về kỷ niệm 45 năm thành lập trường cũ. Nhìn thấy dáng quen thuộc của cô nàng, Tùng mừng húm.
“Nhưng khi bọn đồng môn chúng tôi đang nói chuyện rôm rả, thì bỗng ai nấy đều lặng đi bởi một tràng cười và một giọng nói thuộc loại “át chủ”. Tùng quay qua, không ngờ chính “cô ấy” đang kể chuyện về mấy tay bồ. Tự nhiên Tùng thấy mất hứng và ác cảm vô cùng với sự dạn dĩ vô duyên của “người trong mộng”.
Hải (ĐHSP) sinh ra đã bị tật hai chân không đều và mấy cậu bạn cứ nhè giờ thể dục để “xin thầy cho Hải đi thi Para Games”. Nỗi ám ảnh khiến Hải không thực hiện thành công bất kỳ nội dung thi thể dục nào.
Chỉ bởi một lẽ, mỗi khi Hải giơ chân trái lên hay đưa chân phải ra, thì ngay lập tức những tràng cười như được “ém” sẵn cứ quẩn lấy đôi chân đáng thương mà giễu đùa cợt nhả.
Chủ nhân của những nụ cười ấy thậm chí chỉ cười cho xong, cười “ăn theo”, chẳng hàm ý sâu xa gì. Nhưng với Hải, đó là nỗi mặc cảm vô hạn để lúc nào cũng thấy trên gương mặt cậu nỗi u hoài khó giấu…