Tình cảnh đặc biệt của bệnh nhi nhỏ tuổi nhất phòng hồi sức, khoa Ngoại thần kinh, khiến cả những người nuôi bệnh lẫn bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) không khỏi xót xa.
Ngày 12/12/2016, thai phụ Nguyễn Thị Hòe (22 tuổi) ở Bình Phước đến bệnh viện trong tình trạng chuyển dạ và chỉ vài giờ sau nhập viện, thai phụ qua đời khi chưa kịp sinh. Nguyên nhân nghi là biến chứng của bệnh lý nhau tiền đạo. Không thể cứu mẹ, các bác sĩ lập tức phẫu thuật đưa thai nhi ra ngoài, nhưng do ngạt quá lâu, vừa chào đời bé đã tím tái.

Không thể cứu được trẻ, các bác sĩ tuyến tỉnh đã chuyển bệnh nhi về Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng bé gần như tử vong. Tại khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 2, bệnh nhi mới một ngày tuổi hôn mê sâu khiến các bác sĩ phải cho dùng máy thở.
Hệ thống cấp cứu báo động đỏ được khởi động, tia hy vọng lóe lên khi bé có thể tự thở. Thế nhưng cũng từ đó, Ngọc Phú chìm vào trạng thái sống thực vật. Suốt 4 tháng di chuyển từ khoa Sơ sinh đến khoa Ngoại thần kinh, cô bé vẫn cứ nhắm nghiền mắt, thi thoảng khóc thét hoặc ho sặc, rồi lại nằm yên.
Để con thơ cho người thân trông coi ở bệnh viện, bố bé vội vã về quê lo hậu sự cho vợ. Mồ mả chưa kịp làm, Trần Văn Dũng đã phải vay mượn tiền, gửi con gái lớn 5 tuổi cho ông bà nuôi, rồi khăn gói từ Bình Phước xuống lại TP HCM chăm con. "Suốt 4 tháng trời là hơn trăm ngày tôi túc trực bên giường bệnh. Bác sĩ nói con bé bị thiếu ôxy não khi còn trong bụng mẹ, giờ sống chết chưa biết thế nào", ông bố trẻ nói.
Giúp con duy trì sự sống bằng cách cầm ống xi lanh bơm sữa vào miệng bé ngày 3 lần, Dũng thi thoảng thở dài rồi rưng rưng thầm khấn người vợ xấu số "nếu có thương con thì hãy mang đến cho con điều kỳ diệu". "Tôi khấn khô cả họng nhưng mọi thứ không khá gì hơn. Từ bao tháng nay con vẫn thế. Bác sĩ nói não bé gần như đã hỏng. Nếu có sống thì cũng chỉ nằm yên cả đời".

Từng theo dõi và điều trị cho bé trong gần 2 tháng, một bác sĩ cho biết rất khó để tiên lượng bởi khi nhập viện mọi thứ đã quá muộn màng. "Giờ chỉ còn biết kéo dài sự sống cho bé được chừng nào hay chừng đó. Mỗi ngày chúng tôi đều tập vật lý trị liệu rồi hướng dẫn phụ huynh cách làm theo. Nếu tình trạng không khá hơn, bệnh nhi buộc phải rời bệnh viện để trở về quê nhà", vị bác sĩ nói.
Con gái được hưởng chế độ trợ cấp điều trị miễn phí (dưới 6 tuổi), tuy nhiên do phải bỏ việc để bám bệnh viện nuôi con trong thời gian dài nên mọi gánh nặng kinh tế gia đình đều đặt trên đôi vai của người đàn ông 27 tuổi. Gia đình nội ngoại và anh chị em đều nghèo không ai giúp đỡ, cứ vài hôm Dũng lại lén để con lại nhà thương, đu xe đò về quê làm mướn. Chính quyền địa phương thấy cảnh nhà khốn khó nên cũng mở lòng hỗ trợ nhưng cũng chẳng bõ bèn.
Trưa 20/4, ngồi chờ nhận cơm từ thiện dưới sân bệnh viện, như bao ngày khác, Dũng ôm đầu, mặt bơ phờ, mắt hõm sâu vì thiếu ngủ. Nuôi con quá lâu khiến Dũng trở thành "người quen" của những người nuôi bệnh khác. Thấy mặt anh rầu rầu, thi thoảng lại có người đi qua vỗ vai thì thầm mấy tiếng động viên.
4 tháng trôi qua, mọi cảm xúc, kể cả đau khổ nhất cũng đã chai lỳ dần, thế nhưng nỗi uất ức "vợ con bỗng gặp nạn" vẫn chưa nguôi. Anh Dũng và gia đình cho rằng nếu bệnh viện ở Bình Phước mổ bắt con từ ngay khi vợ anh chuyển dạ, thì có lẽ cả vợ anh và bé Ngọc Phú đã không gặp chuyện chẳng lành.
"Trước mắt tôi vẫn cố lo cho con nhưng đơn kiện thì đã làm sẵn. Tôi cần ngành y tế cần làm rõ để không có ai phải rơi vào tình cảnh của mình", anh chồng nói.