>> Bé gái câm bị xâm hại rồi bỏ rơi ở chùa
![]() |
Cô bé với tay đòi được bế đi chơi khi thấy khách tới thăm. |
Trong chiếc cũi nhỏ đặt giữa phòng, cô bé Hồng Hạnh nhỏ thó, mặc bộ quần áo thùng thình thơ thẩn chơi một mình giữa ngổn ngang gối, chăn. Thấy có khách lại gần trò chuyện, bé đưa tay ra đòi bế đưa đi chơi. Không nghe, nói được nhưng Hạnh biết "hóng chuyện" khi được hỏi thăm. Thỉnh thoảng, cô bé lại vơ màn, chăn hay bất cứ thứ gì trong tầm với để... ăn. Trên khuôn mặt ngơ ngác của Hạnh, vài vết tím bầm, kết quả từ những lần tự đập đầu vào tường hay cũi vẫn chưa tan hết.
Các mẹ nuôi trong phòng cho hay, rạng sáng 6/3, hai người đàn ông lạ để Hạnh lại chùa rồi bỏ đi. Sau đó Hạnh được giao cho mẹ La Thị Quý chăm sóc. Từ đó, bé sống cùng mẹ Quý và hai em khác cũng bị bỏ rơi. Trong căn phòng này, ngoài ba mẹ con chị Quý còn có 5 mẹ cùng 11 cháu khác.
Với chị Quý, công việc chăm sóc trẻ nhỏ không khiến người phụ nữ này bỡ ngỡ hay gặp nhiều khó khăn. Hơn 30 tuổi, chị đã có ba cháu nhỏ, đứa lớn nhất đã học lớp hai. Vì hoàn cảnh và sức khỏe yếu nên cách đây hai năm chị gửi con ở nhà rồi xin vào chùa Bồ Đề làm công việc chăm các cháu bị bỏ rơi. Nhà ở cách chùa không xa nên thỉnh thoảng chị ghé về thăm các con.
Trong chùa, công việc hàng ngày của chị là chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ cho các con. Nhiều hôm, khi ba con đã ăn đầy đủ và đi ngủ trưa, chị mới bắt đầu ăn sáng. Ríu rít quát mấy đứa trẻ nghịch ngợm đang khóc ré, chị Quý vừa thoăn thoắt chuẩn bị cơm trưa.
Hướng ánh mắt về phía bé Hạnh đang chơi trong cũi, người phụ nữ ấy lại trào dâng nỗi nhớ con.
"Sinh con ra, tôi mong nó lớn từng ngày và ước bao giờ con biết đi, biết nói. Đến lúc bé đi vững lại mong lúc nào nó trưởng thành có thể đỡ đần được mình. Những đứa trẻ trong này dù không mang nặng đẻ đau nhưng mình chăm nó như con đẻ...", chị Quý tâm sự.
Người mẹ này chia sẻ chị không quên được lần đầu tiên nhìn thấy Hạnh. Chị còn nhớ hôm đón Hạnh, bé bẩn thỉu, hôi tanh và trên người nhiều vết tổn thương.
"Tay chân cháu lạnh toát và bé như que tăm. So với các bé khác trong phòng, Hạnh có dấu hiệu thần kinh", chị nói.
![]() |
Bé thích thú nhìn thấy ảnh mình. |
Theo chị Quý, bé Hạnh bị bỏ lại với vài bịch sữa, bỉm, quần áo và một mẩu giấy viết lời nhắn gửi của gia đình. Bế con vào lòng, chị thấy trên người bé có các vết tổn thương, tai chảy nước và tinh thần hoảng loạn. Tắm rửa cho Hạnh, người mẹ ấy phát hiện bộ phận sinh dục của con bị viêm nhiễm. Đưa con tới viện khám, chị Quý còn bị các bác sĩ mắng vì không biết chăm sóc bé. Kết quả, bác sĩ kết luận cháu bị xâm hại nhiều lần và bị thủng màng nhĩ.
Chị Quý kể thời gian đầu Hạnh hay đập đầu vào tường, cắn dây điện và bốc đất cho vào mồm. Đêm ngủ, Hạnh hay khóc và cắn xé quần áo. Sợ con nguy hiểm, chị xin nhà chùa một chiếc cũi và đặt Hạnh trong đó. Vài ngày sau khi được đưa tới chùa, Hạnh sống trong chiếc cũi nhỏ. Chị Quý kể có hôm bé cười suốt đêm, có hôm lại quấy khóc khiến các mẹ phải vất vả dỗ dành. Mới đây bé bị chân, tay, miệng nhưng giờ, bệnh đã lành. Hiện đôi tay nhỏ của Hạnh vẫn đầy vết da bong tróc.
![]() |
Ngoài Hạnh, mẹ Quý chăm sóc hai bé khác. |
Hạnh bị hở hàm ếch nên bé không nhai được và phải ăn cháo. "Con bé ăn cháo nhưng phải nấu ngon. Mỗi ngày cháu ăn tầm 3-4 bữa. Mỗi bữa, tôi mua cháo dinh dưỡng tầm 20.000 đồng rồi trộn thêm một gói cháo ăn liền", mẹ Quý cho biết thêm.
Các mẹ cùng phòng tâm sự, so với hơn một tháng trước, Hạnh giờ đã "có da thịt", ít hoảng loạn và hay cười. Chiều đến, phật tử và các bạn sinh viên tới thăm, bé sẽ được ra ngoài chơi. Biết hoàn cảnh của bé Hạnh, nhiều người đến thăm mang theo quần áo, sữa và bỉm. Có khách tới gần, bé thường sán lại gần gũi. Hạnh ít được ra khỏi cũi vì hay bị các bé khác nghịch ngợm trêu chọc.
Theo chị Quý các vết thương của bé Hạnh giờ đã lành. Phần viêm nhiễm ở vùng kín đã được chữa trị. Bé đang chờ để được phẫu thuật hở hàm ếch.
Hà Phương