Tò mò về sự phát triển của trẻ, Nguyễn Thị Quỳnh Thơ quyết định thử nghiệm dùng tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày với con gái từ lúc bé 24 tháng tuổi. Bà mẹ trẻ bất ngờ vì thử nghiệm của cô mang lại kết quả khả quan khi bé Miu, hiện 27 tháng tuổi, đã có thể trò chuyện tự nhiên với mẹ bằng tiếng Anh. Miu nói được câu dài, đầy đủ và trọn vẹn điều cần diễn đạt với mẹ và không gặp khó khăn trong việc nghe, hiểu dù mẹ nói nhanh hay chậm.

Thơ bắt đầu tương tác hầu hết thời gian với con bằng tiếng Anh sau sinh nhật hai tuổi của con gái.
Vốn là giáo viên tiếng Anh nên Thơ có mong muốn biến ngôn ngữ này thành công cụ giao tiếp giữa hai mẹ con. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu dạy con nghiêm túc, cô muốn con phát triển ngôn ngữ tiếng Việt tối đa qua việc giao tiếp với mọi người và học hỏi xung quanh. Quá trình dạy con của Thơ được chia làm hai giai đoạn: Từ 0 đến 2 tuổi và từ 2 tuổi đến nay.
Lúc Miu mới sinh, Thơ hay cho con nghe các bài hát trong chương trình Super Simple Songs. Ban đầu mẹ tự chọn bài cho em nghe, sau này quan sát thấy con đặc biệt thích bài nào thì lưu lại để mở mỗi ngày. Mẹ chỉ dạy Miu một chút về các bộ phận cơ thể cùng khẩu lệnh: Tắt, bật quạt; đưa cho bố mẹ cái gì đó hay chỉ đồ vật ở đâu. Thơ có đọc sách tiếng Anh cho con nhưng ưu tiên tiếng mẹ đẻ hơn nên tủ sách chủ yếu là truyện tiếng Việt.
Khi dạy về bộ phận cơ thể, cô cho Miu nghe bài One little Finger rồi hát và chỉ vào các bộ phận. Miu thích và nghe bài The animal sounds song nhiều nhất. Mỗi lần bài hát vang lên, bố mẹ nhại theo tiếng con vật vang nhà khiến Miu cười thích thú. Sau này khi Miu nói sõi, chỉ cần mẹ hát tên con vật là bé bắt chước được tiếng kêu.
"Giai đoạn này tôi cố tình nuôi dưỡng ba điều kiện nền móng cho giai đoạn sau. Đó là sự tương tác với âm thanh qua bài hát, tình yêu âm nhạc và quan trọng nhất là thói quen đọc sách cùng niềm yêu thích sách. Giai đoạn đầu tôi ưu tiên phát triển tiếng Việt cho Miu nên mọi chuyện chỉ là vậy", Thơ chia sẻ.
Ngay sau sinh nhật 2 tuổi của Miu, Thơ bắt đầu tương tác hầu hết thời gian với con bằng tiếng Anh mà không dùng giáo trình, phần mềm hỗ trợ hay thẻ học. Trong khi Thơ nói tiếng Anh với con, chồng cô được giao nhiệm vụ giao tiếp và đọc truyện tiếng Việt nhiều hơn cho Miu để đảm bảo bé không bị lệch hai ngôn ngữ.
"Tôi bắt đầu bằng việc tả, tả và tả. Miu hay ai làm gì tôi cũng tả. Tôi tả chậm, to và nhắc đi nhắc lại. Ban đầu con chưa hiểu nên mẹ tả rồi mẹ tự hỏi, tự trả lời. Tôi thích cho con lên ghế trước xe máy ngồi và chở đi khắp nơi. Trước khi ra ngoài, tôi đều tả thời tiết, cảm xúc. Bất kỳ thứ gì gặp trên đường, tôi đều tả triệt để từ màu sắc, hình dáng, hoạt động...", Thơ kể.
Một tuần, mẹ con Thơ đi siêu thị cùng nhau 4-5 lần, có khi chỉ để chơi mà không mua gì. Siêu thị nhiều đồ, Miu thoải mái đi, còn mẹ thoải mái mô tả cho con. Khi nhận ra Miu hiểu lời mẹ qua hành động, Thơ thúc con đáp lại bằng cách mẹ nói không hết câu để bé tự hoàn thành.
"Lúc đi xuống cầu thang, tôi sẽ bắt đầu bằng câu: 'We are going...', Miu sẽ nói được 'downstairs'. Cứ thế, từng ngày, mẹ bỏ trống càng nhiều, em điền và nói được dài hơn. Ngoài ra, tôi và con gái hay bày trò vui như hát múa, bán hàng hay bắn đồ vật. Bài hát là cách ôn lại những gì mẹ hướng dẫn em và là công cụ giải trí tuyệt vời", cô giáo tiếng Anh cho biết.

Bé Miu hiện 27 tháng tuổi đã có thể nói được câu dài, đầy đủ và trọn vẹn điều cần diễn đạt với mẹ, đồng thời không gặp khó khăn trong vấn đề nghe, hiểu dù mẹ nói nhanh hay chậm.
Thơ coi sách là công cụ giúp ích nhiều trong việc phát triển hai ngôn ngữ của con. Miu được truyền tình yêu sách từ nhỏ nên giờ con có thể nghe mẹ đọc và chơi với sách hàng giờ. Những lúc ở bên nhau, hai mẹ con nghĩ ra nhiều trò để biến thời gian đọc sách trở nên hoạt náo, đầy tiếng cười.
Ngoài đời, Miu là cô bé ngoan, tình cảm, tính tình ôn hòa, ít quấy khóc và biết lắng nghe. 5 tháng tuổi, Miu đã nói được một số từ đơn và 17 tháng tuổi đã có thể hát đúng nhạc những bài hát khó như Bèo dạt mây trôi. Nhiều bố mẹ muốn con nói tốt tiếng Anh như Miu đã gửi tin nhắn cho Thơ để hỏi kinh nghiệm. Với những phụ huynh thành thạo tiếng Anh, Thơ khuyên họ tiếp tục giao tiếp với con tự nhiên như tiếng Việt. Nếu khả năng tiếng Anh ở mức "tạm được", bố mẹ có thể trau dồi thêm qua quá trình đọc sách, xem chương trình tiếng Anh trẻ em và học đến đâu, gắng nói với con tới đó.
"Nhóm thứ ba là cha mẹ không biết tiếng Anh. Với nhóm này, cha mẹ học để biết hoặc dùng các công cụ phần mềm hỗ trợ, kèm cho con đi học ở nơi đáng tin. Cả ba nhóm nếu muốn thành công đều cần sự theo sát của gia đình. Tôi từng chứng kiến không ít bố mẹ không biết ngoại ngữ nhưng con vẫn rất tốt và quan trọng là để con vui vẻ với tiếng Anh bằng các hình thức phù hợp với tính cách, sở thích của bé", Thơ nói.
Bố mẹ có video ghi lại khoảnh khắc ngộ nghĩnh, đáng yêu của bé, mời gửi về địa chỉ giadinh@ngoisao.vnexpress.net. Vui lòng để lại số điện thoại liên lạc trong thư! |
Hà Phương