Tận mắt chứng kiến cảnh một cô bé lớp 9 bị kéo về làm vợ, nhà văn Tống Ngọc Hân đã có bài viết chia sẻ trên trang cá nhân:
"Đám kéo vợ qua trước cửa nhà em. Cô bị kéo tên Van đang học lớp 9 người xã Sa Pả. Gia đình người đi kéo vợ cho con ở San Sả Hồ. Van khóc như mưa, lăn lộn dưới đất vì không đồng ý. Em hỏi các bạn của cô bé là sao không giữ bạn lại. Một bé bảo, phong tục thế rồi, bọn cháu không giữ được đâu. Ba hôm nữa, nếu không ở thì bạn cháu trốn về. Bạn cháu có người yêu rồi mà. Người yêu còn không giữ được thì bọn cháu giữ sao được...
Đành rằng, tục kéo vợ của người Mông có nét nhân văn, tìm đến sự công bằng cho những chàng trai Mông nghèo có thể lấy được vợ mà không phải sa vào cái cảnh sính lễ nặng nề. Nhưng nhìn cô bé gào khóc chống trả cứ thấy nghẹn ngào sao ấy.

Sau 35 phút, khi em bảo đứa em là giáo viên gọi điện cầu cứu nhà trường Sa Pả thì đích thân thầy hiệu phó nhà trường đã đến giải cứu học sinh. Thầy nói với gia đình người đi kéo là: 'Em nó còn đang đi học, cứ để em nó học xong và đủ 18 tuổi đã thì gia đình muốn kéo cũng được. Còn bây giờ, nếu gia đình không nghe, tôi sẽ gọi cho chính quyền xã đến giải quyết'.
Cuộc đàm đạo giữa cái lý người Mông và đại diện nhà trường vẫn đang diễn ra tại thềm nhà em một cách căng thẳng và quyết liệt. Bên kéo đi, bên giữ lại. Thầy giáo có một mình còn nhà đi kéo có bốn người lớn. Sự việc xảy ra cách trụ sở công an thị trấn chưa đầy 100 m nhưng pháp luật không can thiệp. Phép vua thua lệ làng là ở đây.
Sau 48 phút, tắc đường, vì khách du lịch vây quanh, vận động, khuyên giải, nhà kia vẫn quyết tâm kéo cô bé đi trong khi chờ chính quyền xã đến giải quyết. Cô bé dúi trả số tiền 100.000 đồng toàn tiền 10.000 đồng vào tay cậu kia, quyết liệt phản đối. Nhà kia cũng dúi lại số tiền vào người cô bé và tiếp tục kéo đi.
Trời rất nắng, đường về San Sả Hồ còn xa. Thương cô bé tuổi con mình mệt lả vì đói khát và giãy đạp. Thương gia đình nhà kia, con trai đến tuổi lấy vợ mà không có tiền đi hỏi vợ cho con, đành muối mặt đi kéo người giữa chợ (sính lễ để cưới một cô vợ Mông từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng). Thương thầy giáo, bất lực trước phong tục nhìn học trò bị kéo đi. Và sau cùng, thương cái phong tục lay lắt tồn tại trong đói nghèo, tất cả từ cái tục thách cưới cao mà ra. Có tục thách cưới thì có tục kéo vợ".
Vụ việc xảy ra vào ngày 5/2, sau đó UBND của hai xã Sa Pả và San Sả Hồ đã cùng nhà gái đến nhà trai vận động, tuyên truyền, giải thích và đón cô bé trở về.

Sau khi đăng tải lên mạng xã hội câu chuyện đã thu hút và trở thành chủ đề bàn tán của nhiều Facebooker. Hầu hết đều có chung nhận định đây là một hủ tục, cần được xóa bỏ để đảm bảo nhân quyền cũng như sự phát triển chung của đất nước trong thời đại mới.
Nickname Aires Lê bình luận: “Tập tục này nói văn minh cũng không phải và hủ tục thì chưa hẳn. Nếu mà bàn bạc trước thì đỡ hơn cô nhỉ. Ví như 2 người yêu nhau, thì tổ chức bắt vợ theo phong tục này còn được nhưng không yêu mà cố ý bắt về thế này thì là vi phạm quyền cơ bản của con người rồi, chưa kể độ tuổi còn quá nhỏ. Hôm trước con đi tình nguyện trên Lâm Bình, Tuyên Quang cũng vào bản làng của người Mông và Dao, nhiều em chỉ bằng tuổi em gái con mà đã nách một đứa, bụng một đứa rồi. Nuôi không có điều kiện, nhìn đứa trẻ gầy gò, đen nhẻm trông tội lắm”.
Tài khoản Vu Le chia sẻ: “Phong tục gì mà dị hợm quá. Nên chấm dứt thứ hủ tục này đi, gia đình nào cố tình nếu đủ điều kiện khởi tố nên làm gương để răn đe những gia đình khác. Như vậy họ mới từ bỏ được”.
Trong một bài viết khác, nhà văn Tống Ngọc Hân cũng chỉ ra nguyên nhân làm nảy sinh phong tục kéo vợ là do một số dân tộc thiểu số như người Mông, người Dao... thường có tục thách cưới với giá rất cao, từ hàng chục triệu đồng trở lên. Vì vậy, “có những thứ tục lệ vốn được sinh ra như bản đính chính cho tục lệ khác. Hô hào bỏ tục kéo vợ nhưng vẫn giữ cái tục thách cưới bán con thì chả bỏ được đâu. Vì cái tục kéo vợ vốn là đính chính cho cái tục thách cưới thâm căn cố đế trong lòng tham của con người kia”.
Maruko Chan