
Bé Diệu Nhi mấp máy môi cười khi Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đưa đồ chơi và nói chuyện với em. Ảnh: Hữu Khoa.
Sáng 20/7, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tới Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP HCM, thăm và tặng quà cho hai bé và các êkíp mổ. Diệu Nhi mấp máy môi cười, giơ tay lên khe khẽ khi bà đưa đồ chơi và nói chuyện với em.
Sáng 15/7, bà theo dõi sát diễn biến ca mổ qua báo chí. Phó Chủ tịch nước khen quá trình chuẩn bị chu đáo, được tính toán kỹ lưỡng từng chi tiết nhỏ, các bác sĩ tận tâm tận lực, để bảo đảm an toàn cao nhất cho các bé.
"Tôi thực sự hạnh phúc và tự hào, khi ca mổ lịch sử tách hai bé dính liền Diệu Nhi, Trúc Nhi thành công tốt đẹp. Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã chứng minh cho cả thế giới thấy sự phát triển của ngành y tế Việt Nam và tâm huyết của bác sĩ Việt Nam với sinh mạng con người", bà Đặng Thị Ngọc Thịnh nói.
Bà chia sẻ quá trình hậu phẫu còn dài và khó khăn nhưng tin tưởng các y, bác sĩ, điều dưỡng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nặng nề này.
"Diệu Nhi và Trúc Nhi sẽ bình phục, trở thành công dân khỏe mạnh, bình thường, trưởng thành sẽ đóng góp cho đất nước", Phó Chủ tịch nước nói.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc bệnh viện, cảm ơn sự quan tâm của Phó Chủ tịch nước, lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Bác sĩ Định cho biết Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đón Trúc Nhi và Diệu Nhi về từ Bệnh viện Hùng Vương khi vừa sinh mổ ở tuần thai thứ 33. Hai chị em nặng tổng 3,2 kg.
Hai cháu sinh non, suy hô hấp, phổi chưa phát triển hoàn chỉnh, các bác sĩ phải đặt nội khí quản, nuôi dưỡng trong lồng ấp, hồi sức sau sinh một tháng.
Vùng bụng chậu của hai bé dính liền tương đối phức tạp, chung nhiều cơ quan nội tạng. Các bác sĩ đã hội chẩn nhiều lần, kỹ lưỡng cùng các chuyên gia đầu ngành mới quyết định mổ tách và tạo hình bộ phận khiếm khuyết cho các bé.
13 tiếng phẫu thuật, mỗi bé trải qua bốn ca đại phẫu liên tiếp, về đường tiêu hóa, đường tiết niệu, khung xương chậu và tạo hình tầng sinh môn. Hai bé vẫn rất đau, phải thở máy và dùng thuốc an thần, nguy cơ nhiễm trùng cao vì cuộc mổ kéo dài.
Lý giải vì sao bệnh viện dè dặt cung cấp thông tin sức khỏe hậu phẫu của bệnh nhi. Bác sĩ Định cho hay hai bé có sự thông nối về mạch máu, hỗ trợ tương quan sống lẫn nhau, nên khi tách ra độc lập, hai bé sẽ có những thay đổi lớn về sinh lý, phải theo sự thay đổi này hồi phục.
Đặc biệt, các bác sĩ dùng một phần ruột của Diệu Nhi để ghép cho Trúc Nhi, là ghép tạng đồng thập tự, ít nhiều sẽ có phản ứng viêm, giai đoạn hậu phẫu phải theo dõi chặt chẽ. Tỷ lệ thành công phẫu thuật loại này chỉ 70-75%. Đã có trường hợp tương tự ở nước ngoài, sau một tuần hậu phẫu, ruột bị xì, bé tử vong, nên bác sĩ không dám nói trước.
"Giai đoạn hồi sức còn nhiều sóng gió. Nhưng bệnh viện sẽ dốc toàn lực, quyết tâm chăm sóc bé để thành công trọn vẹn", bác sĩ Định chia sẻ.
Phó Chủ tịch nước đã trao 20 triệu đồng tiền mặt cho anh Hoàng Anh và chị Trần Thị Hồng Thúy (26 tuổi), cha mẹ hai bé; đồng thời tặng 50 triệu đồng cho toàn bộ êkíp phẫu thuật.
Hoàng Trúc Nhi và Hoàng Diệu Nhi, 13 tháng tuổi, ở quận 8, TP HCM là chị em sinh đôi, bị dính liền vùng bụng chậu. Đây là tình trạng rất hiếm gặp, giống trường hợp ca mổ tách dính liền đầu tiên ở Việt Nam là Nguyễn Việt và Nguyễn Đức.
Ngày 15/7, hai bé được êkíp gồm 93 y, bác sĩ, điều dưỡng tốt nhất từ các bệnh viện miền Nam phẫu thuật tách dính và tái tạo cơ bản phần cơ thể khiếm khuyết. Ca đại phẫu diễn ra trong 13 giờ liên tục.
Hiện, sau mổ 5 ngày, hai em vẫn thở máy, dùng an thần và giảm đau, ăn hoàn toàn qua đường tĩnh mạch. Các chỉ số sinh tồn đều ổn định, tình trạng sốt sau mổ đã hết, không nhiễm trùng trong ca mổ. Các điều dưỡng cố gắng hết sức để hạn chế loét và nhiễm trùng vết mổ. Bệnh viện khống chế tối đa những đơn vị và cá nhân không phận sự tiếp xúc với hai chị em.
Thư Anh