Ý nghĩa mâm cỗ cúng ngày Tết
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải, thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, mâm cỗ Tết có thể ví như một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, mang tính đặc trưng về văn hóa, tập quán - tín ngưỡng và điều kiện sinh sống của từng khu vực dân cư, của mỗi quốc gia, dân tộc. Tùy theo đối tượng thờ cúng và tập quán từng địa phương, vật phẩm bày trên mâm cỗ cúng trong ba ngày Tết có thể khác nhau, với từng cách lý giải cụ thể, nhưng đều mang ý nghĩa văn hóa - nhân văn sâu sắc.
Mâm cỗ Tết của người Việt nói chung thể hiện lòng biết ơn, ngưỡng vọng đối với Trời - Đất, Thần - Phật. Đồng thời, thông qua mâm cỗ, gia chủ bày tỏ lòng hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ, tổ tiên; tinh thần đoàn kết, chia sẻ cộng đồng và những ước vọng về tương lai tươi sáng, tốt đẹp... Ngày xuân thăm hỏi, chúc tụng lẫn nhau đều gắn với cỗ Tết. Dân gian thường nói "mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết thầy".
Hiểu theo nghĩa rộng, mùng Một là ngày gia đình tập họp cả người âm lẫn người dương cùng ăn cỗ Tết ở bên nội. Mùng Hai dành cho bên ngoại và mùng Ba là ngày tết cộng đồng, thầy trò trên dưới, bạn bè thân hữu thăm hỏi, chúc tụng lẫn nhau.
Các kiêng kỵ trong mâm cỗ cúng ngày 1, 2, 3 Tết
Các mâm cỗ cúng trong ba ngày Tết là cốt lõi của cỗ Tết, đều được chuẩn bị với lòng tôn kính, biết ơn đối với thần phật, tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân và khách khứa. Tùy thuộc điều kiện của gia đình, gia chủ sẽ bày biện những sản vật, món ăn ngon quý nhất của gia đình mình để cúng tế và thưởng thức.
Có thể nói ai cũng muốn làm cỗ thật to, thật nhiều món ăn ngon, đẹp để hiếu kính tổ tiên và mời mọi người thưởng thức; cùng cầu chúc cho nhau năm mới an khang, thịnh vượng. Nhưng điều cần lưu ý là các sản vật, món ăn bày trên mâm cúng phải phù hợp với quan niệm, tín ngưỡng và thuần phong mỹ tục. Những món ăn có thể được coi là đặc sản, bổ dưỡng nhưng không phù hợp với quan niệm văn hóa, tập quán - tín ngưỡng (kiêng kỵ) không nên bày trên mâm cỗ cúng (dù có thể xuất hiện trong cỗ Tết).
Nhìn chung, người Việt phổ biến kiêng cúng các món như thịt trâu, chó, rùa, ba ba, mèo... hoặc những món ăn hàng ngày như ốc, ếch, tôm tép, lươn, chạch, cá trê, cá mè, cá rô... trong ba ngày Tết.
Ngày Tết kiêng sát sinh (đụng dao thớt), kỵ tranh cãi, kỵ nói những điều không tốt đẹp hoặc những tiếng kêu la để giữ gìn phúc đức, không khí vui tươi hưng vượng. Do đó, hầu như tất cả các món ăn (nhất là các món có nguồn gốc từ động vật) đều được làm sẵn, làm xong trước bữa cơm tất niên chiều 30 tháng Chạp. Trong truyền thống, thứ duy nhất phải làm mới trên các mâm cỗ cúng trong ba ngày Tết là cơm tẻ.
Thông thường, các mâm cỗ cúng trong ba ngày Tết đều được bày biện giống nhau, với các món ăn truyền thống, đặc trưng của từng địa phương, vùng miền. Tất cả những sản vật, món ăn ngon quý, mang ý nghĩa tốt đẹp đều có thể bày biện trên mâm cỗ cúng trong ba ngày Tết.
Riêng mâm cỗ cúng hết Tết (phổ biến trong ngày mùng Ba) cần bày thêm gạo, muối và các món làm sẵn nhưng chưa dùng hết như giò, nem, bánh kẹo, trái cây... ngụ ý chu cấp cho tổ tiên, làm quà khi tiễn đưa các vị thần phật, tổ tiên.
Điểm khác biệt giữa các món ăn trên mâm cỗ cúng ngày Tết của người Việt chủ yếu do đặc điểm thời tiết, khí hậu và tập quán địa phương. Các món truyền thống đều được làm từ sản vật địa phương nên điểm khác nhau về hương vị mang đặc tính thổ nhưỡng, khẩu vị, phương pháp chế biến, bảo quản và tên gọi.
Cỗ Tết miền Bắc không thể không nhắc đến bánh chưng, bánh dầy, giò, nem, thịt nấu đông, canh măng khô, thịt mỡ, dưa hành. Miền Trung, miền Nam có bánh tét, bánh tổ, thịt lợn ngâm mắm, thịt heo kho hột vịt, dưa kiệu, dưa món, canh khổ qua... Tất cả tạo nên một bức tranh rực rỡ màu sắc, đa dạng, phong phú về hương vị nhưng có cùng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tốt đẹp.
Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải