Khoảng 14h ngày 22/9, nhiều người đi trên đường Nguyễn Thị Minh Khai gần giao lộ Phùng Khắc Khoan (quận 1) giật mình vì tiếng thắng gấp của một chiếc xe 7 chỗ lưu thông từ hướng cầu Sài Gòn về quận 5. Không có chướng ngại vật phía trước và đường cũng không quá đông, nhưng vết thắng kéo dài gần chục mét khiến người đi đường một phen hú vía. Anh Tiến, một người chạy xe ôm ở khu vực này nói: "Xe thắng gấp - nhất là các xe biển số tỉnh - ở ngã ba này là chuyện cơm bữa".
Quá nhiều biển báo trên một đoạn đường. |
Theo phân luồng của ngành giao thông công chính (GTCC), xe ôtô lưu thông trên đường Nguyễn Thị Minh Khai hướng từ cầu Sài Gòn về quận 5, khi đến ngã ba Phùng Khắc Khoan phải rẽ vào đường này. Sở GTCC đã đặt một biển báo buộc ôtô phải rẽ phải, nhưng biển báo cắm ngay sát giao lộ khiến nhiều tài xế sau khi tập trung quan sát để qua ngã tư Mạc Đĩnh Chi cách đó vài chục mét không kịp thấy.
Đến khi phát hiện biển báo buộc rẽ phải thì không còn kịp trở tay, nếu chạy thẳng đến ngã tư Hai Bà Trưng - Nguyễn Thị Minh Khai cách đó khoảng 100 m sẽ "được" cảnh sát giao thông "hỏi thăm".
Một kiểu "bẫy" khác là biển báo được đặt khuất tầm nhìn của tài xế. Trước cổng Đại học Ngân hàng trên đường Nguyễn Công Trứ (quận 1) từ lâu đã "ngự" một biển báo cấm rẽ phải vào đường Tôn Thất Đạm (một chiều), nhưng biển báo này được đặt sâu vào phần vỉa hè ngay lối ra vào trường, lại bị che khuất bởi 2 cây cổ thụ nên tài xế muốn thấy biển báo phải... chạy lấn xe qua giữa làn đường ngược chiều.
Cũng trên tuyến đường này, ngay góc ngã tư Nguyễn Công Trứ - Pasteur là một biển báo cấm đậu xe bị che khuất bởi một cây xanh. Vì thế, ngay dưới biển cấm đậu, ôtô ngày ngày vẫn đậu cả hàng dài. Tương tự, ngay góc ngã tư Ngô Thời Nhiệm - Nguyễn Thông, một biển báo cấm xe tải lưu thông đã bị dây leo phủ kín từ nhiều tháng nay...
Ông Vũ Duy Trung, một đương sự bị CSGT ghi hình và phạt về lỗi đậu xe nơi có bảng cấm ngày 10/9 bức xúc với Thanh Niên: "Nhiều biển báo giao thông mờ, bong tróc, khuất tầm nhìn của tài xế, nhưng giới tài xế chúng tôi cứ hở ra là bị CSGT phạt. Ngay chuyện đậu xe, thành phố không có bãi giữ xe nào ở trung tâm, nhưng đường nào cũng cắm biển cấm đậu thì ôtô đậu ở đâu? Chúng tôi vi phạm thì phải chịu phạt thôi, nhưng ai sẽ phạt các cơ quan quản lý giao thông nếu họ làm sai?".
Không chỉ mờ, khuất, cắm sai quy định, một thực tế đáng lo ngại khác là tình trạng "lạm dụng biển báo". Khu vực giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Hữu Cảnh có tổng số gần 30 biển báo các loại. Chưa hết, những biển báo nội dung chồng chéo nhau như ngay dưới biển cấm các loại xe 2 bánh là một biển "xe 2 bánh được phép lưu thông...". Ở một góc độ khác, nhiều tuyến đường ở trung tâm quận 1 như Nguyễn Công Trứ, Cô Giang, Cô Bắc... là khu vực cấm xe tải lưu thông, nhưng ngành GTCC vẫn "cẩn thận" cắm thêm những biển báo "cấm xe tải trên 1,5 tấn chở nông sản, thực phẩm lưu thông", vừa thừa vừa khó hiểu.
Nhưng thừa đến độ... khó tin là biển báo một chiều dọc tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh thuộc quận Bình Thạnh. Chỉ một đoạn từ cầu Bình Triệu 2 đến cầu Đinh Bộ Lĩnh, chúng tôi đếm được gần 10 biển báo đặt dọc đường, không phải tại giao lộ. Một người dân ở đây lý giải: "Có lẽ do nhiều người cố tình đi ngược chiều nên ngành GTCC cắm nhiều bảng như vậy để nhắc nhở".
Nhận xét về thực trạng biển báo giao thông hiện nay, Thượng tá Võ Văn Vân, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ - Công an TP HCM cho rằng, có nhiều bất cập, rối rắm và thậm chí có những biển báo ngược luật. "Tại giao lộ Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ, ngành GTCC đặt một biển báo "cấm các loại phương tiện (từ hướng vòng xoay Điện Biên Phủ vào thành phố) rẽ phải khi đèn đỏ", trong khi theo luật định thì tất cả các phương tiện đều phải dừng lại khi đèn đỏ, chỉ khi nào cho phép rẽ phải khi đèn đỏ thì mới cần đặt bảng...", ông Vân nói.