Giá và lương cầu thủ cao phi lý
Bóng đá Việt Nam vốn nằm ở vùng trũng của bóng đá thế giới nhưng riêng về khoản lương, thưởng, lót tay thì bất kỳ ai nghe qua cũng phải "choáng". Đối với một nền bóng đá đi theo quỹ đạo chuyên nghiệp, việc đồng tiền được coi như là thước đo chính xác để định giá cầu thủ là điều đương nhiên. Tuy nhiên với bóng đá Việt Nam, liệu các cầu thủ có tương xứng với những khoản tiền khổng lồ mà các ông bầu bỏ ra mua về hay không. Chắc chắn là không hoặc chưa, bởi nếu với mức tiến như thế, các cầu thủ đang chơi ở V-League có quyền tự hào khi mình sánh ngang với các ngôi sao trên thế giới. Nhưng thử hỏi Việt Nam có cầu thủ nào ra nước ngoài thi đấu.
V-League đang có quá ít các ngôi sao như Công Vinh. Ảnh: Thế Ngọc. |
Công Vinh từng ra nước ngoài nhưng ai cũng biết cầu thủ này đi thi đấu cho CLB Leixoes của Bồ Đào Nha nhưng thực chất chỉ là học việc. Bản hợp đồng của Công Vinh với Hà Nội T&T là 7 tỷ đồng (tương đương với khoảng 400.000 USD), một khoản tiền mà đa số các cầu thủ đang chơi ở Leixoes phải mơ ước. Có giá ngang ngửa với những ngôi sao tại Bồ Đào Nha nhưng Công Vinh lại phải học việc suốt 3 tháng thì cũng đáng phải suy nghĩ lắm chứ. Thủ quân Leandro của Hải Phòng đã tự nâng giá trị của mình lên một cách quá đáng. Cầu thủ gốc Brazil này yêu cầu Hải Phòng phải trả mức lương 20.000 USD/tháng cùng phí lót tay là 600.000 USD cho một mùa. Một số tiền quá lớn cho một cầu thủ chơi bóng ở một nền bóng đá chậm phát triển như Việt Nam. Trong khi đó ở ngay chính quê hương của Leandro ở thời điểm đó, Giovanni, người từng thi đấu cho Barcelona, cùng thời với Ronaldo, 18 lần khoác áo tuyển Brazil lại chỉ nhận mức lương là 15.750 USD/tháng.
Đã xa rồi cái thời cầu thủ đá hết mình vì màu cờ sắc áo. Đã xa rồi cái thời đá xong trận đấu, cả thầy lẫn trò cùng xì xụp bên tô phở. Cầu thủ giờ chỉ đá vì tiền, chứ thứ tình cảm quê hương là cái gì đó rất trừu tượng. Vẫn biết trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp, thật khó đòi hỏi chữ tình với các cầu thủ. Thế nhưng, việc các cầu thủ ra đi bằng mọi giá, sẵn sàng đánh mất chữ tín, sẵn sàng phá vỡ hợp đồng, đang ngày càng trở nên quá sức chịu đựng. Một Danh Ngọc đầy triển vọng, nhưng đã quyết ra đi theo tiếng gọi đồng tiền. Một Công Vinh tiếng tăm lẫy lừng, sẵn sàng chấp nhận mất danh tiếng. Những vụ lật kèo, phá hợp đồng như Samson, Đinh Hoàng La diễn ra như cơm bữa.
Lâu nay, chuyện các cầu thủ bỏ chỗ cũ đến chỗ mới lĩnh lương khủng và lót tay cao vốn là chuyện rất bình thường trong làng bóng Việt Nam. Các cầu thủ quá rành luật, nhưng vì sức hút của đồng tiền quá lớn, nên cứ nhắm mắt làm ngơ.
Ông bầu và đánh bóng thương hiệu
Như lời cảnh báo của các chuyên gia nghiên cứu về sự phát triển bóng đá, những giá trị ảo sẽ khiến cả một nền bóng đá non trẻ phải chết yểu.
Thế nhưng, trong một nền kinh tế thị trường đang phát triển như vũ bão và có tính cạnh tranh lớn như Việt Nam, việc các đội bóng đổ tiền vào bóng đá để đánh bóng thương hiệu đã trở thành mốt. Chính việc chạy đua của các ông bầu đã khiến thị trường chuyển nhượng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Hay nói cách khác, các ông bầu đã tự phá giá và tạo ra những giá trị ảo. Không nhiều đội bóng đã thành công với chính sách tiền của mình. Việc tung cả núi tiền ra làm thương hiệu nếu không tỉnh táo cũng sẽ bị phản tác dụng. Trường hợp của Hải Phòng bỏ tiền tấn để mua thương binh Denilson (cựu vô địch thế giới người Brazil) là minh chứng rõ nhất trong việc chạy đua thương hiệu một cách mù quáng. Đó là chưa kể, việc đưa ra các lời mời với mức lương hấp dẫn của các ông bầu gián tiếp tạo ra sự hỗn loạn của thị trường chuyển nhượng.
Không thể phủ nhận ở bóng đá Việt Nam hiện nay, rất nhiều ông bầu đang đầu tư vào bóng đá với tham vọng vô địch bằng mọi giá. Khi mà cách cách làm nên thành công dựa trên những mối quan hệ, những vụ mua bán trong "bóng đêm" chắc chắn vẫn còn tiếp diễn trong âm thầm thì cái cách mà chẳng ai có thể cấm được chính là xây dựng lực lượng khủng với chính sách có tiền là có tất cả. Với cách này, những đội bóng có nhiều tiền sẽ "hút máu" đội ít tiền. Các ông bầu thừa hiểu tâm lý các cầu thủ cũng chỉ cố gắng kiếm ăn độ chục năm rồi giải nghệ, nên cứ ở đâu trả tiền cao hơn là nhấp nhổm ra đi, bất chấp cả luật.
Rất ít ông bầu có nguyên tắc làm bóng đá nhất quán như bầu Kiên. Ảnh: TN. |
Ở môi trường như V-League, điểm đi điểm lại vài năm qua thì những cầu thủ có số má cũng chỉ quanh đi quẩn lại hơn chục gương mặt, trong khi những đội bóng có tham vọng xuất hiện ngày một nhiều. Theo đánh giá của chuyên gia Trần Văn Phúc, việc các ông bầu tung tiền mua sắm ở các mùa giải đã đẩy giá chuyển nhượng lên ngày một cao và mất kiểm soát. Đơn giản bởi cung không đủ cầu.
Cũng vì nhân tài ít nên càng phải có chế độ đãi ngộ hấp dẫn nhằm thu hút hay giữ chân. Giá cầu thủ cứ ngày càng cao, cũng bởi chính các ông bầu đã phá giá. Tất nhiên, không thể vơ đũa cả nắm bởi có những ông bầu đã ngồi ngoài cuộc đua chuyển nhượng như bầu Đức, bầu Thắng, bầu Kiên, bầu Tuấn. Song có một thực tế, không mua sắm lực lượng thì nguy cơ thất bại cao hơn rất nhiều. Hà Nội ACB và Đồng Tâm xuống hạng là mình chứng rõ nhất.
Mai Hương