Để chọn được hàng hiệu chính gốc, người tiêu dùng nên đến những cửa hàng lớn, có uy tín. |
Thị trường thời trang hàng hiệu hiện nay khá sôi động với nhiều tên tuổi trong nước như Sanding, Nino Maxx, Blue, AD, PTN... Chất liệu của các thương hiệu trên phần lớn là thun, cotton và katê thun.
Giá bán lẻ sản phẩm giữa các thương hiệu dù có chênh lệch nhưng cũng không đáng kể. Cụ thể như áo 39.000-179.000 đồng/cái, quần 95.000- 250.000 đồng/cái, váy 120.000-180.000 đồng/cái.
Bên cạnh các tên tuổi trong nước, hệ thống cửa hàng chuyên kinh doanh thời trang thương hiệu ngoại cũng mọc lên khá nhiều như Domaince, FKDA, Phương Hà, Bông Hồng, Phương Nam, Lệ Xuân, DOT, Kiều Phong, AC 2000...
Tại các siêu thị và trung tâm thương mại, hàng hiệu ngoại cũng chiếm một lượng không nhỏ ở những góc thời trang với giá gấp 5-6 lần hàng trong nước. Ví dụ bộ vest hàng Hong Kong có giá thấp nhất là 1,3 triệu đồng/bộ, áo sơ mi Guess giá thấp nhất cũng tròm trèm 1 triệu đồng/cái...
Giá cao như vậy nhưng không phải hàng hiệu nào cũng có chất lượng tương xứng. Chị Bích Nhung, ở 1026 D Lũy Bán Bích, quận Tân Bình, kể lại bằng giọng ấm ức: “Bữa trước mình ghé vào cửa hàng thời trang mua cái áo sơ mi. Tưởng hàng ngoại không ra màu nên mình cho vào thau ngâm xà bông. Đến khi đem phơi thì cái áo lốm đốm chỗ trắng, chỗ hồng, chỗ ngà. Vậy là mất toi cái áo 350.000 đồng vì chủ cửa hàng nói bảo đảm hàng hiệu ngoại chứ đâu có bảo đảm không ra màu”.
Chị Vân, một tiểu thương có 5 năm trong nghề kinh doanh hàng thời trang “sida” tại chợ Bà Chiểu, nói với giọng chắc nịch: “Nếu em muốn mua hàng ngoại cứ đến đây. Chị bán với giá hữu nghị cho, bằng 1/3 ở mấy cửa hàng thôi. Bảo đảm không chất lượng đền tiền lại gấp đôi. Mấy cửa hàng đó chủ yếu lấy hàng của chị chứ đâu”.
Khi hỏi: “Vậy sao giá cả lại chênh lệch nhiều như vậy?”. Chị giải thích: “Cửa hàng thì phải bán như vậy tụi em mới tin, không nghi là hàng “sida” lên đời”. Như để làm bằng chứng, chị đưa số điện thoại của một bà chủ kinh doanh thời trang ngoại nằm trên đường Lý Tự Trọng.
Bà Ánh Kim, một lái buôn chuyên bỏ hàng ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, thổ lộ: “Bán cho mấy cô tụi tui ăn lời không bao nhiêu đâu. Lời nhiều nhất là chủ mấy cửa hàng thời trang”.
Bà cho biết, hàng chủ yếu lấy từ Tân Châu (Hồng Ngự). Một lần lấy là mấy kiện (1 kiện hàng nặng hàng trăm kg), với giá từ 10.000 đồng/kg trở lên. Hàng đem về TP được phân ra làm 3 loại: Loại tốt nhất bán cho mấy cửa hàng hiệu chuyên kinh doanh thời trang ngoại, loại thứ 2 giặt ủi lại bán hàng “sida”, loại thứ 3 (hàng rách hoặc vải vụn) thì bán lại cho các cửa hàng gara và điểm rửa xe. Là người bỏ hàng này gần 6 năm, bà Kim có không dưới 10 cửa hàng là “mối ruột” của mình.
Nhiều người am hiểu cho biết, rất khó nhận ra đâu là hàng hiệu chính gốc còn đâu là hàng hiệu “sida”, vì kỹ thuật nhuộm màu và tem của hàng giả hiệu không có gì khác hàng chính hiệu. Chính vì vậy, nếu có sở thích mua hàng hiệu thì người tiêu dùng nên chọn mua ở những cửa hàng lớn, có uy tín.
Ông Nguyễn Hữu Toàn, Giám đốc hãng thời trang Sanding, thuộc Công ty cổ phần May Sài Gòn 2, cho Người Lao Động biết trong mấy năm gần đây, hiện tượng khách du lịch sang nước bạn mua hàng “ sida” về giặt ủi, wash lại biến thành món hàng hiệu đã bắt đầu xuất hiện khá nhiều. Ông từng tận mắt thấy nhiều người mua quần áo “sida” tại nước ngoài với giá không quá 30.000 đồng/sản phẩm, rồi đem về bán lại cho một shop thời trang hàng hiệu ngoại.
Ông Huỳnh Công Quốc, Trưởng Phòng Tiếp thị Công ty Thời trang Việt, coi đây là một hình thức kinh doanh làm lũng đoạn thị trường nội địa, đẩy người tiêu dùng xa rời hàng nội. Ông nói: “Dù không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng chúng tôi vẫn thấy lo ngại một khi kiểu kinh doanh này phát triển đại trà hơn”.