![]() |
Âu lo khi đến tìm việc tại các Trung tâm dịch vụ việc làm. |
Sau 2 ngày đi lòng vòng mà không tìm ra địa chỉ nhận việc làm, Đoàn Thị Ly, quê ở Hải Dương, quay trở lại Công ty Thiên Thiên Sứ (không có bảng hiệu) ở số 198/3 đường Phan Văn Trị, TP HCM đòi lại tiền dịch vụ giới thiệu việc làm. Thế nhưng, nhân viên ở đây không hoàn trả tiền cho Ly mà tiếp tục giới thiệu cô đến chỗ khác tìm việc.
Ly bất bình kể lại: “Em vừa học xong khóa may công nghiệp, muốn tìm việc làm ngay. Tìm đến điểm GTVL này em phải đóng 50.000 đồng dịch vụ phí và được giới thiệu đến hai địa chỉ ở đường Nguyễn Văn Đậu quận Bình Thạnh và Nguyễn Văn Thọ quận Gò Vấp. Thế nhưng hai nơi đó là địa chỉ ma”.
Cũng chiêu này, Công ty Xúc tiến Nhân lực Toàn Phát (tên bảng hiệu là Trung tâm giới thiệu việc làm Toàn Phát), số 104 Phan Văn Trị, dù không có phép hoạt động nhưng đã lừa nhiều lao động ở thành phố và các tỉnh. Chị Lữ Thị Lệ Quyên nộp cho Trung tâm GTVL Toàn Phát 70.000 đồng và được giới thiệu đến Công ty Bảo hiểm Bảo Minh CMG để làm tư vấn bảo hiểm.
Lần theo địa chỉ ghi trong giấy giới thiệu, chị Quyên không thể nào tìm được nơi nhận việc. Quay trở về Trung tâm Toàn Phát chị lại được giới thiệu đi làm ở nhà trẻ Bé Ngoan. Ở đây chị được biết chủ nhà hết nhận người rồi mà sao trung tâm cứ giới thiệu người đến đây. Biết rơi vào bẫy lừa, chị Quyên viết đơn khiếu nại đòi tiền nhưng trung tâm chẳng những không trả lại mà còn thách thức chị Quyên đi kiện.
Tương tự, ngày 9/9, 3 nạn nhân khác như anh Lê Thanh Vĩ, Trịnh Thị Lệ Hiền (quê ở Quảng Ngãi), Nguyễn Thị Thanh (Nghệ An) cũng bị Trung tâm Toàn Phát lừa gạt một cách trắng trợn. Họ bị mất trắng 70.000 đồng/người nhưng chỉ được giới thiệu đến những địa chỉ ma và không có nhu cầu nhận người vào làm việc.
Bà Hoàng Thị Nhung, cán bộ phụ trách sản xuất-kinh doanh của phường 10 Gò Vấp cho biết từ tháng 7 đến nay, phường đã tiến hành 4 đợt kiểm tra 16 điểm và đã lập biên bản, thu giữ nhiều phương tiện hoạt động, xóa sổ 6 điểm. Nhưng cứ dẹp điểm này thì điểm khác lại mọc lên.
Theo bà Nhung, đối tượng bị lừa gạt khi đi xin việc phần đông là lao động nhập cư, sinh viên mới ra trường nôn nóng có việc làm ngay. Khi xảy ra các vụ khiếu nại của người lao động, nếu chính quyền địa phương can thiệp mạnh thì các điểm giới thiệu việc làm “dỏm” này mới chịu hoàn trả một phần tiền đã thu cho người lao động. Còn không thì bọn chúng luôn áp dụng “mánh lới” xù tiền của người lao động bằng cách hẹn tới hẹn lui khiến họ mệt mỏi, tự rút lui.
Trong 3 ngày đầu kiểm tra ở 12 điểm hoạt động dịch vụ GTVL ở quận Gò Vấp, đoàn kiểm tra đã phát hiện 2 điểm hoạt động không phép. Trong đó doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Minh Sơn không có giấy phép nhưng ngang nhiên mở 3 điểm kinh doanh giới thiệu việc làm trên cùng một tuyến đường Phan Văn Trị. Dù đã bị đoàn kiểm tra tịch thu toàn bộ sổ sách, phương tiện, đình chỉ hoạt động nhưng ngay sau khi đoàn đi khỏi chủ cơ sở này lại bung ra hoạt động ngay. Riêng DNTN Huyền Hoa và DNTN Thương mại Dịch vụ Lê Giang thì có giấy phép nhưng không treo bảng hiệu, sử dụng biên lai thu lệ phí không đúng quy định của ngành tài chính.
Điều đáng nói là giám đốc của 2 DNTN này mới vừa bị Công an quận Gò Vấp xử lý vì liên quan đến vụ án giả mạo và bán giấy khám sức khỏe khống cho người lao động với giá 20.000 đồng/tờ. Thực tế cho thấy ngành kinh doanh dịch vụ GTVL khá béo bở. Chỉ cần thuê mặt bằng cộng với vài chiếc bàn, điện thoại, dán một số thông tin về việc làm là có thể moi tiền của người lao động xin việc một cách dễ dàng.
Ngày 23/9, đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra 10 điểm hoạt động dịch vụ GTVL ở khu chợ lao động nằm trên đường Cách Mạng Tháng 8 phường 6 quận Tân Bình. Tuy không phát hiện ra nhiều sai phạm nghiêm trọng như ở quận Gò Vấp nhưng ở đây tình trạng tự đặt ra mức thu lệ phí cao nhưng chất lượng giải quyết việc làm thấp, sử dụng thông tin ảo, lấy nguồn thông tin từ báo đài và các đơn vị khác… khá phổ biến.
Theo ông Bảo Lâm, cán bộ phụ trách kinh tế của phường 6 quận Tân Bình, tình trạng lộn xộn, lừa gạt người xin việc ở đây đã giảm so với trước nhưng chưa hết hẳn. Ngày 8/9, 2 chị em cô Võ Thị Hoàng Anh (quê ở Bạc Liêu) tìm đến Công ty cổ phần Miền Nam- Dịch vụ lao động Bảo Minh (số 725 đường Cách Mạng Tháng 8) đăng ký tìm việc làm. Bị giới thiệu việc làm không đúng với yêu cầu, hai chị em Oanh đã quay về trung tâm đòi tiền.
Thế nhưng chẳng những không đòi được tiền, họ còn bị những nhân viên ở đây đe dọa hành hung. Bà Nguyễn Minh Hiền, Phó phòng Lao động Thương binh - Xã hội quận Tân Bình cho Sài Gòn Giải Phóng biết: "Trên địa bàn quận có trên 100 điểm dịch vụ GTVL và tình hình tranh chấp thường xuyên xảy ra. Thế nhưng, việc giải quyết rất phức tạp. Khi xảy ra các vụ tranh chấp, lừa gạt người lao động, chính quyền địa phương tìm đến nơi thì doanh nghiệp đã cao bay xa chạy".